Đờn ca tài tử vào hội họa

Trong một chuyến du lịch về miền Tây sông nước, họa sĩ Trịnh Hữu Hòa có dịp được thưởng thức đờn ca tài tử miệt vườn. Tiếng đàn hòa tấu rộn rã như muôn trùng sóng vỗ, có khi réo rắt du dương bồng bềnh trên sông nước. Giọng ca ngọt lịm như hương vị cây trái miền Tây, cứ mãi quấn quýt trong lòng khách phương xa. Từ những cảm xúc dạt dào đó, họa sĩ Trịnh Hữu Hòa đã sáng tác một bức tranh về đờn ca tài tử miệt vườn…
Đờn ca tài tử vào hội họa

Trong một chuyến du lịch về miền Tây sông nước, họa sĩ Trịnh Hữu Hòa có dịp được thưởng thức đờn ca tài tử miệt vườn. Tiếng đàn hòa tấu rộn rã như muôn trùng sóng vỗ, có khi réo rắt du dương bồng bềnh trên sông nước. Giọng ca ngọt lịm như hương vị cây trái miền Tây, cứ mãi quấn quýt trong lòng khách phương xa. Từ những cảm xúc dạt dào đó, họa sĩ Trịnh Hữu Hòa đã sáng tác một bức tranh về đờn ca tài tử miệt vườn…

Hay tin họa sĩ Trịnh Hữu Hòa vừa sáng tác bức tranh với đề tài Đờn ca tài tử hấp dẫn như vậy, nhóm bạn bè… tào lao đã từng mười mấy năm cùng ngồi cà phê góc phố, cũng như khách hàng mua tranh rủ nhau đến phòng tranh của anh tại số 465/3A Bạch Đằng quận Bình Thạnh để xem.

Bức tranh Đờn ca tài tử của họa sĩ Trịnh Hữu Hòa.

Bức tranh Đờn ca tài tử của họa sĩ Trịnh Hữu Hòa.

Mọi người tâm đắc vì đây là đề tài rất độc đáo, nói lên tính cách của người dân miệt vườn phương Nam, vừa hào sảng mà mộc mạc, nghệ sĩ mà dân dã. Đờn ca tài tử đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của bà con miệt vườn hàng trăm năm.

Họa sĩ Trịnh Hữu Hòa không giấu được niềm hưng phấn dạt dào như lúc nào cũng muốn tuôn trào lên nét cọ, bộc bạch: “Cái chất nghệ sĩ của bà con miệt vườn là cứ chiều về bên bờ sông gió hiu hiu mát rượi, rung rinh màu tim tím hoa lục bình trôi man mác, tiếng bìm bịp kêu nước lớn văng vẳng xa xa... Bấy nhiêu thôi cũng đủ khơi dòng cảm hứng, để những tay đờn giọng hát miệt vườn, bày ly rượu dĩa mồi, bắt nhịp cầu cho âm thanh đờn ca tài tử trỗi lên mãi đến khi trăng lặn, sương rơi mà tiếng đàn, lời ca vẫn còn réo rắt…”.

Vừa bày bức tranh Đờn ca tài tử ra giữa phòng, họa sĩ Trịnh Hữu Hòa nói thêm: “Chính sức hấp dẫn và độc đáo của đờn ca tài tử như vậy đã thu hút khách nước ngoài mỗi khi du lịch về xứ sở miền Tây sông nước miệt vườn. Có người sau khi thưởng thức đờn ca tài tử ra về đã thốt lên: Tiếng đờn lời ca như níu bước chân tôi, đã nghe rồi, muốn quay lại nghe thêm nhiều lần nữa”.

Mọi người ai cũng tỏ ý công nhận là bức tranh Đờn ca tài tử của họa sĩ Trịnh Hữu Hòa diễn tả linh động, màu sắc hài hòa, nói lên được cái không khí rộn rã mà không ồn ào của đờn ca tài tử. Tuy nhiên Nghĩa Khùng, bạn đồng nghiệp cùng học Trường Mỹ thuật Gia Định ngày xưa, vì hay phát biểu không giống ai nên bạn bè tặng biệt danh “Khùng” cho đến bây giờ. Nhưng lần này Nghĩa Khùng lên tiếng góp ý nghe không khùng chút nào.

Nghĩa Khùng nói: “Thường thì đàn kìm chỉ có đàn ông sử dụng, mà anh Hòa vẽ người phụ nữ ngồi đàn kìm thì thiếu chính xác. Với lại anh Hòa vẽ người mặc áo dài khăn đóng, người thì áo bà ba, áo sơ mi… trông nó lôm côm quá. Tại sao ta không cho mặc hết áo dài khăn đóng cổ truyền, vì đây cũng là loại hình nghệ thuật cổ truyền”.

Họa sĩ già Trần Châu nhíu mày xệ cặp kính lão dày cui, cà mà cập mập: “Mọi người ăn mặc khác nhau là phải rồi, vì đây là đờn ca tài tử, mọi người đến đờn ca cho vui, ai mặc gì cũng được”. Kiến trúc sư Thanh Long, như chạm phải giây… cãi, bèn lên giọng lào khào: “Tài tử là người có tài. Đờn ca tài tử là người có tài đờn ca, phải công phu tập luyện mới có được khả năng đờn ca đó. Trình diễn đờn ca tài tử có thể diễn ra bất cứ nơi đâu, lúc trên bờ đê, trước mái hiên nhà, hay bên bờ sông, kể cả trên bàn nhậu. Nên đờn ca tài tử không quy định phải ăn mặc ra sao. Nhưng không phải vì vậy mà đờn ca tài tử thuộc về giới bình dân mà dành cho tất cả những người có tâm hồn văn nghệ, dù là giới thượng lưu, trí thức đến người nông dân tay lấm chân bùn, anh công nhân đổ mồ hôi trong xưởng máy đều như nhau”.

Nhà giáo nhân dân, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, từ tốn: UNESCO đã ghi âm và lưu trữ đờn ca tài tử trong kho lưu trữ âm nhạc dân tộc thế giới, chứng tỏ sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này không chỉ quanh quẩn ở bờ ao, ruộng lúa, vườn cây… mà nó đã lan tỏa rất mạnh, đã được thế giới để ý tới. Dù bề dày lịch sử của đờn ca tái tử chỉ trên 100 năm, nhưng hy vọng rằng với sức sống mãnh liệt trong sinh hoạt người Nam bộ, vì tính độc đáo của nó, mà nhiều loại hình nghệ thuật khác không có được. Hôm nay phải nói là họa sĩ Trịnh Hữu Hòa đã làm nên bước ngoặt mới: “Đờn ca tài tử vào hội họa”. Hy vọng rằng với sức lan tỏa mới này, đờn ca tài tử có thêm một sự kiện mới, sớm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục