Đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân

Diễn đàn góp ý dự thảo Luật Căn cước công dân (CCCD - sửa đổi) do Báo SGGP tổ chức tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc.
Người dân làm thủ tục cấp CCCD tại Công an quận 3, TPHCM. Ảnh: Chí Thạch
Người dân làm thủ tục cấp CCCD tại Công an quận 3, TPHCM. Ảnh: Chí Thạch

Người dân mong mỏi cơ quan dự thảo tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo luật với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, tuân thủ Hiến pháp; đánh giá kỹ tác động của các chính sách, quy định mới và bảo đảm tính khả thi khi luật được ban hành.

- Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC (phường 5, quận Bình Thạnh, TPHCM):

Cần sớm điều chỉnh các sai sót

Tính đến nay, CCCD đã được bổ sung rất nhiều tính năng tích hợp các thông tin. Từ thẻ mềm đổi qua thẻ cứng, rồi thẻ cứng được tiếp tục đổi để gắn chip điện tử. Ngoài thông tin cá nhân, CCCD còn tích hợp các thông tin khác như giấy tờ xe, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… đã giúp việc sử dụng CCCD trong giao dịch với các cơ quan hữu quan ngày càng tiện dụng, nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng vì có quá nhiều thông tin như vậy, nếu vô tình để lọt vào tay kẻ xấu sẽ rất nguy hiểm. Ai mà biết được khi họ dùng thông tin CCCD của mình để đăng ký sim điện thoại, mở tài khoản ngân hàng hay sử dụng vào mục đích xấu, phạm pháp khác.

Hiện nay, các dịch vụ cho thuê phòng nghỉ, xe gắn máy… vẫn yêu cầu giữ CCCD. Đây chính là kẽ hở. Để ngăn chặn, theo tôi, chính quyền cần quy định chỉ lưu CCCD qua hình ảnh. Một vài điểm du lịch ở các tỉnh như Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai… đã áp dụng hình thức chụp lại CCCD mà không cần giữ bản chính.

Do nhiều lý do khác nhau, thông tin trên CCCD chưa chính xác. Cụ thể như lần đầu tiên đổi CMND qua CCCD, bạn tôi bị nhầm giới tính nhưng chưa điều chỉnh được. Mới đây, một người bạn khác của tôi phải điều chỉnh CCCD về nơi ở theo số nhà mới đã được cấp. Trong khi CCCD được cấp theo số nhà cũ trong hộ khẩu và chưa được chủ hộ điều chỉnh. Đây rõ ràng là sơ sót của người dân khi họ không mang theo quyết định cấp số nhà mới hay không kiểm tra lại thông tin. Nhưng, sơ sót chẳng lẽ không điều chỉnh được?

- Ông TRẦN ANH HÙNG (Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế):

Tiện dụng cho người dân khi khám chữa bệnh

Thẻ CCCD hiện nay được làm bằng nhựa cứng gắn chip nên thẻ được bảo quản rất tốt (không nhăn, thông tin đầy đủ); mã QR trên thẻ CCCD gắn chip đã có đầy đủ thông tin hành chính của người dân khi đi khám chữa bệnh, nên giảm thiểu thời gian nhập dữ liệu cho nhân viên y tế và hạn chế sai sót. Mỗi người chỉ có 1 CCCD gắn chip nên việc xác định định danh cá nhân giúp ích cho việc theo dõi hồ sơ khám chữa bệnh. Hơn nữa, bệnh nhân có CCCD gắn chip thì sẽ sử dụng máy quét mã QR đọc, tự động gắn thông tin về thẻ BHYT, mức hưởng BHYT, giá trị thẻ mà không cần qua bước trung gian nào cả. Tiện ích nữa là dùng thẻ CCCD gắn chip đi khám chữa bệnh thì không phải kiểm tra giấy tờ tùy thân.

- Bà LÊ THỊ CẨM TIÊN (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ):

Cần bảo mật thông tin cá nhân

Ban đầu, khi chuyển đổi từ CMND sang CCCD, tôi cũng khá hoang mang. Lý do là vì sợ phải mất nhiều thời gian cho việc thay đổi hàng loạt giấy tờ về đất đai, ngân hàng, BHXH, giấy phép kinh doanh, thuế… Tuy nhiên, thực tế thì các thay đổi trên cũng được thực hiện khá thuận lợi, nhanh chóng. Đặc biệt, từ lúc có CCCD, khi thực hiện các thủ tục hành chính chỉ cần trình CCCD là xong, không phải photo, công chứng các loại giấy tờ (giấy khai sinh, hộ khẩu)...

Trong lĩnh vực ngân hàng, người dân có CCCD gắn chip cũng giảm đáng kể nhiều thủ tục trong việc xác nhận thông tin cá nhân. Với CCCD, sẽ đáp ứng được yêu cầu tính chính xác, nhanh gọn, tiện lợi trong việc xác thực nhân thân của nghiệp vụ ngân hàng. Bởi hầu hết các thông tin cần thiết liên quan đến khách hàng đã được tích hợp vào CCCCD. Tuy nhiên, người dân sẽ yên tâm hơn khi thông tin cá nhân được bảo mật tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục