
Thật không dễ dàng gặp được Giáo sư Trần Đông A. Công việc vây kín ông. Tuy nhiên, khi biết Bệnh viện Từ Dũ muốn thực hiện quyển sách về Việt-Đức sau 20 năm, ông nói: “Mới đây, Nhà nước có yêu cầu tôi nói lại một cách khúc chiết về ca mổ Việt-Đức. Ca mổ này được phổ biến trên toàn thế giới. Vì vậy, viết về nó phải khách quan, chính xác. Tôi hẹn cô tuần sau”. Ngày 4-10 đã gần kề, tôi sốt ruột năn nỉ: “Ngày mai được không thầy”. Ở đầu dây bên kia, tôi có cảm giác ông đang nổi nóng: “Không được. Tôi nói với cô rồi. Tôi đang mổ. Mà cô có biết mổ là gì không hả?!”. Tôi hoảng quá nói: “Em xin lỗi. Em sẽ đợi thầy, tuần sau”.
Đúng hẹn, tôi có mặt tại phòng làm việc của ông tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ông nói: “Tôi sợ làm việc với mấy nhà báo lắm. Họ chạy theo bài vở, bắt tôi phải giật cục theo!”. Lấy ra tờ giấy ghi những câu hỏi tôi trao cho ông từ tuần trước, ông nói:
- Cô thấy không, tôi vẫn còn giữ mấy câu phỏng vấn của cô. Tôi đã đọc và chuẩn bị làm việc với cô.
Xúc cảm trước cuộc sống của Đức

Giáo sư bác sĩ, thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII.
Ca mổ Việt-Đức ngày 4-10-1988 đã nằm sâu trong tiềm thức, chỉ cần gợi nhớ là trong ông tuôn trào bao xúc cảm. Ông nói: “Cách đây mới 1 tháng, Đức đột ngột xuất hiện trong văn phòng của tôi cùng ông Nishimura- Tổng thư ký Hội Negaukai (Hội Vì sự phát triển của Việt-Đức).
Tôi rất vui khi thấy cháu rất yêu đời, hồn nhiên, lăng xăng chụp ảnh cho chúng tôi. Đức khoe đã mua được nhà riêng và tha thiết đề nghị được đưa vợ đến thăm tôi tại nhà riêng. Rồi Đức lấy ra từ chiếc bóp nhỏ tấm name card trông rất oách. Tôi thực sự xúc động trước tấm name card của Đức.
Nó làm tôi bồi hồi nhớ lại cách đây 20 năm, sau khi ăn tô phở do các chị ở Bệnh viện Phụ sản nấu, tôi bước vào ca mổ cùng 62 y, bác sĩ. Một không khí trang nghiêm chưa từng có trước khi ca mổ được tiến hành. Từng giây trôi đi. Kim đồng hồ chỉ 8 giờ 45 phút... Đó cũng là khoảnh khắc để bàn tay cầm chiếc dao mổ của tôi rạch vào da thịt của hai cháu. Sau đó là 15 giờ đi vào lịch sử.
Đến 20 giờ 45 phút, khi mũi khâu cuối cùng của Đức được thực hiện, đôi mi Đức khẽ lay động. Khoảnh khắc ấy tôi đã lặng người vì sung sướng. Khoảnh khắc ấy trả lời một cách hùng hồn rằng, với lòng tự tin, với tinh thần trách nhiệm ca mổ này, “có thể mổ được” như tôi đã khẳng định trong một cuộc họp báo có đông đảo phóng viên nước ngoài. Sau 4 chữ ngắn gọn ấy là lòng quyết tâm cao độ, là trách nhiệm trĩu nặng của ê kíp mổ.
Đóng lại mũi khâu cuối cùng không có nghĩa là ca mổ đã hoàn tất. Trách nhiệm chúng tôi vẫn còn rất nặng nề. Đó là ẩn số thần kinh của Việt, là những bước chân, giai đoạn tập đi đầy nước mắt của Đức, là nỗ lực đưa Đức sang Nhật phẫu thuật đưa hậu môn tạm của em vào bên trong, là sự hội nhập của Đức vào xã hội...
Làm sao tôi không vui mừng đến rơi nước mắt khi chứng kiến Đức trở thành một nhân viên văn phòng Làng Hòa Bình như một “cá thể sản xuất”, khi chứng kiến ngày thành hôn của cháu, khi nghe cháu báo tin đang cùng một người bạn mở một cửa hàng vi tính. Sau 20 năm, cuộc sống của Đức quả là món quà vô giá dành cho tôi...”.
Sau 20 năm, đánh giá thành tựu của ca mổ
Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A nói: “Ca mổ tách rời Việt-Đức đã trở thành một sự kiện quốc tế. Báo chí nước ngoài bình luận: Ca mổ Việt-Đức ngoài tài năng của ê kíp phẫu thuật còn là bài học về những điều kỳ diệu của cuộc sống, bài học về sự can đảm của cháu Đức, bài học về lòng kiên định, sự quyết tâm của ngành y tế Việt Nam, bởi ca mổ đã được thực hiện trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của đất nước ta, về mọi mặt...
Họ bình luận: “Chỉ xuất phát từ lòng nhân đạo mênh mông như biển cả mới đưa đến thành tựu này”. Nhờ thành công ca mổ tách rời Việt-Đức được phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới, mà tôi cũng như nhiều thành viên ca mổ được nhiều người biết đến, được dự những hội nghị quốc tế y học, được gặp gỡ những nhà khoa học đầu ngành để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các dự án đào tạo cho các bác sĩ Việt Nam sau này.
Đặc biệt, năm 1989, tôi đã được mời đi báo cáo tại 5 thành phố của Nhật. Tôi thật sự bất ngờ khi Rowana Spencer (giáo sư Mỹ), người đã thực hiện thành công ca mổ cứu sống chỉ một cháu đầu tiên dính nhau dạng bụng chậu 4 chân, được ê kíp mổ dùng làm tài liệu tham khảo cho một phương án dự kiến khi tình huống xấu nhất xảy ra, đã viết cho tôi: “Báo cáo của ông là một sự kiện khoa học tuyệt vời, xin cho phép tôi được mô tả lại trong quyển sách sắp xuất bản của Trường Đại học John Hopkins”…
Điều cả ê kíp mổ năm ấy không thể ngờ, chính họ là những nhân tố làm cánh én báo tin xuân cho một thời kỳ mới của đất nước. Ca mổ là một hình ảnh thuyết phục của sự đổi mới ở Việt Nam.

GS BS Trần Đông A (đứng thứ 5 từ trái sang) đến thăm Việt - Đức tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, lúc hai em còn nhỏ.
Những ca mổ ấn tượng sau Việt-Đức
Sau ca mổ tách rời Việt-Đức, phát huy kinh nghiệm thành lập “team work” giỏi nhất của các chuyên khoa, GS-BS Trần Đông A đã ứng dụng thành công vào nhiều ca mổ phức tạp khác. Với ông, hai ca mổ ấn tượng sau cuộc đại phẫu thuật tách rời Việt-Đức là ca tách rời hai cháu MA-NA vào tháng 11-2005. Hai cháu dính nhau ở bụng ngực, cùng chung nhau ổ màng tim, cơ hoành, gan, ổ bụng. Ca mổ tách rời MA-NA là ca mổ đầu tiên được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn của quốc tế. Kết quả ca mổ MA-NA rất khả quan. Dù trải qua 8 giờ phẫu thuật nhưng chỉ sau 12 ngày, hai cháu đã được xuất viện.
Ông đã đi những bước xa hơn từ sau ca mổ Việt-Đức khi vào tháng 12-2005, thực hiện được ca mổ ghép gan đầu tiên cho trẻ dưới 2 tuổi với người cho sống (cho đến nay, thế giới đã thực hiện được 300 ca). Để thực hiện ca mổ này, phát huy sức mạnh tập thể trong ê-kíp mổ tách rời Việt-Đức, ông đã thực hiện “team work” chất lượng cao, tập hợp các bác sĩ, phẫu thuật viên giỏi nhất ở các chuyên khoa, với sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TPHCM. Ông nói: “Đó là ca mổ sử dụng trang thiết bị hiện đại nhất của thế giới. Lần đầu tiên bàn tay tôi được chạm đến con dao mổ siêu âm CUSA... Kết quả thành công tốt đẹp, cứu sống được cháu bé mà nếu không ghép sẽ chắc chắn tử vong trong một thời gian ngắn!”.
Một lần nữa, GS-BS Trần Đông A tạo thêm được một điểm son trong lịch sử y khoa Việt Nam. Giờ đây, ông kể về ca mổ ấy bằng một phong cách rất giản dị, nhẹ tênh, nhưng có lẽ ít ai ngờ đến, điểm son “ghép gan thành công” ấy, ông và ê kíp mổ đã chuẩn bị suốt 6 năm ròng rã (từ năm 1999). Bù lại, ông được hưởng niềm vui to lớn của một bác sĩ phẫu thuật vượt qua được tuổi tác. Bàn tay của ông không có tuổi, vẫn linh hoạt, dẻo dai, tràn ngập sức sống, ẩn giấu quyền năng của sự phục sinh. Vào thời điểm tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này (tháng 9-2008), GS-BS Trần Đông A đã cùng với “team work” liên các bệnh viện đã mổ thành công 5 ca ghép gan với người cho sống.
Khát vọng cho những trẻ em bị dị tật bẩm sinh
GS-BS Trần Đông A chân thành nói: “Sau ca mổ tách rời Việt-Đức, nhiều lần dội lên trong lòng tôi câu hỏi, làm thế nào góp phần xoa dịu nỗi bất hạnh của những bà mẹ sinh con khuyết tật, cứu sống, giúp các em có được một cuộc sống bình thường?!”. Ông đã đi tìm lời giải đáp ấy bằng chính những nỗ lực vượt lên chính mình. Với sự hội nhập, kết nối từ các tổ chức y học thế giới, những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành mang tầm vóc quốc tế; ông đã lập được chương trình nghiên cứu đào tạo kéo dài 5 năm cho 3 tiến sĩ về dị tật bẩm sinh và tiêu hóa gan mật.
Được lãnh đạo tỉnh hỗ trợ, ông cũng đã lập được chương trình nghiên cứu dịch tễ học toàn tỉnh Bình Thuận, sẽ tổng kết vào tháng 6-2009. Nhưng dù đạt được nhiều thành quả trong cuộc sống, trong lòng Trần Đông A vẫn trĩu nặng món nợ với những trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Ông nói: “Qua nghiên cứu, dị tật bẩm sinh trẻ sơ sinh Việt Nam có tỷ lệ tử vong cao nhất, do nhiều nguyên nhân. Là người từng gắn bó trên lĩnh vực này, tôi rất mong thiết lập một chương trình chẩn đoán trước sinh nhằm phát hiện sớm những ca dị tật bẩm sinh. Làm được điều này, chúng ta sẽ có giải pháp can thiệp an toàn, giúp các bà mẹ giảm bớt nỗi đau, gánh nặng khi sinh con bị dị tật từ trong bụng mẹ. Tôi nghĩ mơ ước này hoàn toàn trong tầm tay”.
Thời gian hoạt động chính trị có ảnh hưởng đến công tác chuyên môn
GS-BS Trần Đông A mỉm cười nói: “Tôi hiểu ngụ ý câu hỏi của cô. Tôi ứng cử vào Quốc hội có nguyên nhân sâu xa, đó là món nợ quá lớn với nhân dân. Để có được ngày hòa bình, có quá nhiều người mất mát, hy sinh. Tôi muốn được góp phần làm một việc thiết thực cho đất nước. Bước vào hội nhập, chúng ta càng phải kiện toàn hệ thống pháp luật để tự bảo vệ mình.
Là người trong ngành, tôi nghĩ mình sẽ có những tiếng nói nhất định trong việc xây dựng hệ thống pháp luật cho ngành y tế như Luật Chăm sóc sức khỏe, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hiến ghép mô tạng... Cần tầm nhìn xa, sâu rộng trong việc xây dựng luật, bởi cuộc sống luôn đi nhanh hơn các thiết chế, quy chuẩn của xã hội, làm được điều đó, rõ ràng tôi đã có những đóng góp cụ thể, hiệu quả. Nhưng...”. Trần Đông A hóm hỉnh nói tiếp: “Quy định theo luật hoạt động của Quốc hội, mỗi đại biểu phải dành ít nhất 1/3 đến 1/4 thời gian cho các hoạt động lập pháp và giám sát.
Vì vậy, để bù lại thời gian họp Quốc hội, tôi làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật một cách tự nguyện. Hơn nữa, với sự phát triển của hệ thống thông tin, tôi vẫn có thể hội chẩn cùng các chuyên gia y khoa đầu ngành thế giới qua mạng một cách dễ dàng, kịp thời tư vấn cho anh em trong những ca khó. Đang họp Quốc hội, có những ca mổ khó, tôi bay vào mổ rồi lại bay ra họp tiếp...”.
Lời khuyên cho lớp bác sĩ trẻ
GS-BS Trần Đông A chợt trở nên ưu tư, nói: “Thành tựu của công cuộc đổi mới khiến nền y học của Việt Nam lập được những kỷ lục mới. Các em có điều kiện tiếp cận những trang thiết bị mà thời tham gia ca mổ Việt-Đức có nằm mơ chúng tôi cũng chẳng có được. Nhưng các em cũng có quá nhiều cám dỗ bởi mặt trái của kinh tế thị trường. Nhiều bác sĩ rất giỏi về kỹ thuật điều trị nhưng thiếu kiến thức khoa học cơ bản.
Đó mới là nền tảng, đường dài của nghiên cứu khoa học. Có hai điều cốt lõi tôi muốn nói với học trò của mình: “Phải nhìn thấy sự hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân mới có được ngày hôm nay. Phải biết xấu hổ khi chúng ta thua kém các nước khu vực”. Tôi rất buồn khi một số bác sĩ đàn em tự mãn với những gì mình có được, sống buông thả. Tôi rất sợ quốc nạn rượu. Thật đáng sợ khi một số quan chức bắt đầu những quyết định quan trọng bên bàn rượu. Rượu tàn phá sức khỏe, nhân cách dữ dội.
TRẦM HƯƠNG
Cách thư giãn của một bác sĩ |