Dồn lực chuẩn bị nguồn hàng tết

 
Người dân chọn mua thực phẩm BOTT tại siêu thị ảnh: Thanh Tấn
Người dân chọn mua thực phẩm BOTT tại siêu thị ảnh: Thanh Tấn
Hàng tết đã sẵn sàng
 Theo Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), ngay từ tháng 6-2017, Saigon Co.op đã tích cực phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu từ 2 - 4 lần nhằm chủ động nguồn cung dự trữ để điều tiết giá hàng hóa tết, giúp người tiêu dùng mua sắm an toàn và tiết kiệm.
Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng ra thị trường 3 tháng trước, trong và sau tết được dự trữ hơn 130.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn được chuẩn bị tăng từ 5% - 30%, tùy nhóm hàng; các mặt hàng còn lại cũng tăng 15% - 30% như nhóm thực phẩm tươi sống gồm rau củ quả, trái cây, các loại thịt và nhiều hàng công nghệ được ưa chuộng dịp tết như bánh mứt, nước giải khát, bia.
Dịp này, Co.opmart cũng tăng cường nhiều sản phẩm mang nhãn hàng riêng chất lượng cao, cùng với những mặt hàng chuyên biệt phục vụ mùa tết như nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món và một số mặt hàng đặc sản truyền thống khác được nấu chín như thịt kho tàu, bánh chưng, khổ qua nhồi thịt, gà luộc… Tết này, dòng sản phẩm hữu cơ Co.op Organic của Saigon Co.op cũng tham gia thị trường với khoảng 100 tấn gạo, rau củ quả và thịt cá đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh những mặt hàng được UBND TPHCM giao bình ổn giá, các mặt hàng thiết yếu khác vẫn được Saigon Co.op chủ động tham gia giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5% - 10%  với các sản phẩm cùng chủng loại. Đặc biệt, vào những ngày cận tết, Saigon Co.op sẽ cùng với một số nhà cung cấp giảm giá thêm hàng ngàn sản phẩm đặc trưng với mức khuyến mãi từ 10% - 50%, kết hợp các dịch vụ tiện ích để giúp khách hàng mua sắm đầy đủ và tiết kiệm.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết Vissan cũng đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu sản xuất cho thị trường tết ngay từ tháng 6-2017. Theo đó, công ty đã hoàn tất kế hoạch cung ứng ra thị trường trên 3.000 tấn thịt heo và thịt bò tươi sống (tăng 30% so mùa tết năm trước) và trên 3.500 tấn thực phẩm chế biến các loại (tăng 15%). Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ đợt tết năm nay là 650 tỷ đồng. Với cách chuẩn bị như vậy, Vissan đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường tết với nguồn hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả ổn định.
Trong dịp tết năm nay, Vissan cũng đưa ra thị trường những dòng sản phẩm mới với mong muốn tết cổ truyền của dân tộc sẽ đậm đà và phong phú hơn. Bên cạnh giò lụa và lạp xưởng - 2 sản phẩm chủ đạo trong mùa tết, năm nay công ty đưa thêm ra 15 sản phẩm mới, như gà sấy lá chanh, chả giò thịt, chả giò tôm cua đặc biệt, lạp xưởng tôm đặc biệt, lạp xưởng bò, giò lụa lá chuối, bò trộn lá lốt, giò heo xông khói, bì heo, pate thịt đặc biệt, xá xíu, nem lụi, xúc xích trộn đều xốt chanh dây, xúc xích trộn đều xốt mayonnaise, xúc xích trộn đều tacha… 
Tương tự, tại nhiều DN chủ lực của chương trình BOTT như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà (chuyên cung ứng mặt hàng trứng và thịt gia cầm) cũng đã tăng tổng đàn lên từ 15% - 30%; đồng thời, tăng cường khâu dự trữ nguyên liệu để cung ứng cho các đối tác, đảm bảo đủ nguồn hàng để sản xuất các loại bánh tết với mức giá ổn định. Tại các DN, HTX cung cấp rau như Thảo Nguyên, Anh Đào, Phú Lộc, An Phước… cũng tăng diện tích gieo trồng cho kịp thu hoạch vụ tết. Theo các DN, thời tiết đã giảm mưa nên việc xuống giống gặp nhiều thuận lợi hơn.
Mở rộng mạng lưới tiêu thụ 
Theo Sở Công thương TPHCM, để đảm bảo đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các DN BOTT dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán mới, gồm các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cũng tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia bán hàng BOTT, phát triển điểm bán tại chợ truyền thống; phối hợp với Saigon Co.op phát triển cửa hàng liên kết... tăng cường nguồn hàng cung ứng vào chợ truyền thống; công tác tuyên truyền, kiểm tra kiểm soát nguồn hàng đầu vào để đảm bảo an toàn thực phẩm; tiểu thương kinh doanh niêm yết và bán đúng giá quy định. Trong khi đó, Thành đoàn TNCS TPHCM sẽ tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu động, tổ chức các phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Thanh niên, phiên chợ Thanh niên - công nhân... phục vụ đối tượng công nhân và người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Riêng Saigon Co.op cũng sẽ tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, phục vụ nhu cầu mua sắm tết của đông đảo người dân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TPHCM và các địa phương có siêu thị Co.opmart hiện diện. 
Song song đó, Saigon Co.op tiếp tục khai trương thêm 4 - 5 siêu thị  Co.opmart và Co.opXtra, khoảng 10 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại TPHCM và Hà Nội để tăng độ phủ và tính kết nối cho hàng bình ổn giá, hàng tết đối với người tiêu dùng trên cả nước. Tính đến thời điểm này, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã có hơn 500 điểm bán trên cả nước gồm 93 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 3 trung tâm thương mại Sense City, hơn 180 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, gần 80 của hàng Co.op Smile, hơn 170 cửa hàng Co.op… Và với sức mua dự kiến tăng cao so với ngày thường, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op đã lên kế hoạch tăng giờ mở cửa, tăng cường nhân sự và trang thiết bị để phục vụ khách hàng tốt nhất.
Theo số liệu của các sở ngành, hệ thống phân phối tại TPHCM hiện có 239 chợ; 207 siêu thị (tăng 18 siêu thị so với đầu năm 2017); 43 trung tâm thương mại (tăng 3 trung tâm); 1.100 cửa hàng tiện lợi (tăng 218 cửa hàng); trong đó chủ yếu là cửa hàng tiện lợi của hơn 20 chuỗi như cửa hàng Co.opFood (không gồm cửa hàng Co.op), SatraFoods, Vissan, Foodcomart, Shop & Go, Circle K, Family mart, Cocomart… góp phần tích cực vào phát triển hệ thống phân phối hiện đại của thành phố.
Về mạng lưới điểm bán hàng BOTT, tính đến nay, tổng số điểm bán hàng của 4 chương trình là 10.602, tăng 1.397 điểm bán so với năm trước. Riêng chương trình BOTT lương thực - thực phẩm có 4.127 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 477 cửa hàng tiện lợi, 922 điểm bán trong 131 chợ truyền thống, 2.616 điểm bán trong khu dân cư. Đây cũng là những điểm phân phối chủ lực hàng tết để người dân có thể mua sắm mọi nơi, mọi lúc. 
Nhằm tránh tình trạng khan hàng, sốt giá vào dịp cận tết; đồng thời loại trừ khả năng hàng tết dội chợ, rớt giá, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp các sở ngành liên quan, UBND 24 quận huyện triển khai các giải pháp như nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng cân đối cung - cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn TP. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán; Chi cục Quản lý thị trường phối hợp UBND 24 quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường bán hàng lưu động, bình quân 120 chuyến/tháng; riêng 2 tháng cao điểm trước tết, thực hiện 307 chuyến tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp có  đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện… để phục vụ người lao động thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết... Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 giờ cho xe tải của DN BOTT để kịp thời cung ứng hàng hóa đến các điểm bán.
                                     Hơn 7.000 tỷ đồng bình ổn thị trường tết 
Theo Sở Công thương TPHCM, lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết Mậu Tuất 2018 tăng từ 15% - 20% so với kế hoạch TP giao và tăng 20% - 30% so với kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 hơn 17.800 tỷ đồng, tăng 743,3 tỷ đồng (4,1%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017; trong đó, giá trị hàng hóa BOTT hơn 7.000 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng được dự trữ với sản lượng lớn, chi phối từ 32% - 55% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 57,1%), trứng gia cầm (47,1%), thực phẩm chế biến (39,1%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Để kích cầu sức mua, đồng thời tạo ổn định về mặt bằng giá hàng tết, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các DN, nhà phân phối về việc phối hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm. Trong tháng cận tết, các DN đã đăng ký thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung các mặt hàng nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... với tổng giá trị khuyến mãi khoảng 1.200 tỷ đồng. 
Riêng DN BOTT cùng các hệ thống phân phối xây dựng kế hoạch giảm giá đồng loạt nhiều mặt hàng bình ổn vào những ngày cận tết như trứng và thịt gia cầm, thịt gia súc, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…

Tin cùng chuyên mục