Những đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân miền Trung nói chung và nông dân nói riêng. Khi lũ vừa rút, nông dân tất bật vệ sinh đồng ruộng, cày đất xuống giống vụ lúa đông xuân với hy vọng một mùa bội thu. Thế nhưng, thời tiết bất thường trong những ngày đầu Tết Đinh Dậu đã khiến hàng trăm hécta lúa vừa gieo sạ bị chết thối.
Nguy cơ đói kém
“Trễ quá rồi, gieo sạ lại sao được nữa?”. Đó là lời than thở mà bà con nông dân các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bình Định đang nói về vụ lúa đông xuân 2017.
Rưng rưng nước mắt bên thửa ruộng 1.500m2 mênh mông nước, bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) nghẹn ngào: “Cuối năm 2016, cả 3 lần gieo sạ, mộng mạ đều chết thối vì lũ chồng lũ. Đầu năm 2017, hạt giống sạ lần thứ 4 vừa nhú lá thì đến sáng mùng 1 Tết mưa xối xả ngập trắng đồng. Đến mùng 4 tạnh mưa, nước rút ai cũng mừng, rủ nhau ra đồng tháo nước, tìm cách cứu lúa non. Ai ngờ từ mùng 5 đến mùng 7 Tết lại mưa to, ruộng đồng tiếp tục bị nhấn chìm. Giờ đành bỏ ruộng hoang chờ gieo sạ vụ sau thôi. Chắc chắn trong vài tháng tới sẽ thiếu lúa ăn”.
Cùng chung tình cảnh gia đình bà Hiền, hàng vạn nông dân khác làm ruộng ở vùng thấp trũng tại miền Trung không những phải bỏ tết ra đồng tìm cách cứu lúa mà còn đang lâm vào tình cảnh trớ trêu khi thóc giống ngâm ủ hư hỏng vì không thể gieo sạ do ruộng đồng ngập nước.
Thừa Thiên - Huế huy động bộ đội cùng các lực lượng xung kích gia cố đê bao cứu đồng ruộng ngập úng sau Tết Đinh Dậu
Ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, ảnh hưởng gió mùa đông Bắc và đới gió đông nên từ ngày 22 đến 26-1 trên địa bàn có mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao khiến 1.200ha lúa gieo sạ của địa phương bị ngập sâu, chết úng. Ước thiệt hại đến thời điểm này khoảng 5 tỷ đồng. Phương án tối ưu là sử dụng giống lúa ngắn ngày thay lúa dài ngày để đảm bảo khung lịch thời vụ, song nhiều nông dân e ngại giống lúa ngắn ngày cho năng suất thấp, chất lượng không cao. Hơn nữa, lúa ngắn ngày đến giai đoạn làm đòng trổ bông dễ bị đổ gãy, đó là chưa tính đến chi phí sản xuất lúa ngắn ngày tăng 1,5 lần so với lúa dài ngày… Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, phân trần, cùng với gần 300ha lúa gieo vừa sạ xong bị ngập úng, Phước Hòa còn nhiều diện tích ruộng bị sa bồi, thủy phá và những vùng trũng chưa thể gieo sạ. “Gieo sạ muộn, không đồng bộ sẽ khó kiểm soát tình hình sâu bệnh, nguy cơ mất mùa rất cao. Giáp vụ năm nay kéo dài, lương thực cạn kiệt nên khả năng thiếu ăn là rất cao” - ông Nhâm âu lo.
Đấu úng để cứu lúa, cứu đê
Sở NN-PTNT các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định cho biết, mưa lớn cộng triều cường dâng cao trước và sau Tết Đinh Dậu đã gây thiệt hại lớn đối với vụ lúa đông xuân. Chỉ tính riêng tại Thừa Thiên - Huế cùng với hàng ngàn hécta mới gieo sạ bị ngập úng thì hơn 2.000ha ruộng lúa ven phá ngập sâu trong nước không thể xuống giống. Trong khi đó Bình Định úng nặng 1.680ha lúa gieo sạ; Quảng Ngãi có gần 1.000ha lúa ở vùng trũng thấp, ven sông bị ngập sâu trong nước từ 0,5 đến 1m…
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại tuyến đê Diên Hồng (đoạn qua trạm bơm tiêu Kênh Trộ, Thừa Thiên - Huế) vừa vỡ, đang có gần 200 cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội cùng các lực lượng xung kích địa phương cật lực đào, đắp và cuối cùng đã chiến thắng dòng lũ dữ. Song chỗ sạt lở vừa vá, đất yếu, mặt đê chỉ cao hơn mực nước sông Bồ 40cm nên một số chiến sĩ công an lại phải lao mình xuống, căng bạt phủ từ đáy sông chùm lên mặt đê để hạn chế xói lở. Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cấp 2 tỷ đồng để gia cố những đoạn xung yếu trên tuyến đê Diên Hồng. Trước mắt, UBND huyện Quảng Điền ứng kinh phí gia cố tạm thời các đoạn đê tràn, có khả năng vỡ toang để đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích lúa đã gieo sạ, cũng như tiêu úng tại các thửa ruộng ngập trũng để xuống giống cho kịp thời vụ.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình ngập úng tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ đạo, Sở NN-PTNT và các địa phương, phải quyết liệt gia cố đê rồi bơm nước ra để cứu lúa, cứu đê. Đồng thời, tìm giống lúa ngắn ngày cấp cho nông dân gieo sạ lại. UBND tỉnh sẽ có hỗ trợ về kinh phí mua giống lúa.
VĂN THẮNG - TÙY PHONG