(SGGPO).- Ngày 22-8, tại Cần Thơ, Bộ GTVT phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội thảo chuyên đề “Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống Logistics vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng – Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Cầu Cần Thơ động lực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông ở ĐBSCL; nhiều công trình quan trọng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện đi lại và lưu thông hàng hóa dễ dàng, thuận tiện. Trong đó những công trình lớn như: xây đường cao tốc TPHCM- Trung Lương, mở rộng quốc lộ 1A qua các địa phương ĐBSCL; xây cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn… góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội toàn vùng ĐBSCL phát triển. Dù đạt một số kết quả đáng khích lệ về giao thông nhưng so với tình hình chung của cả nước và nhu cầu phát triển của ĐBSCL, thì hệ thống giao thông còn hạn chế, nhất là logistics của vùng chưa được đầu tư khai thác đúng mức. Cũng theo Bộ GTVT, hiện giao thông thủy của vùng ĐBSCL chiếm tới 70% chiều dài đường thủy của cả nước, nhưng khai thác rất thấp. Về vận tải biển thì có tới khoảng 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của các tỉnh ĐBSCL phải thực hiện thông qua TPHCM, Đồng Nai…khiến chi phí tăng, lợi nhuận giảm…Từ những hạn chế đó, việc đẩy nhanh phát triển giao thông ĐBSCL trong thời gian tới là vô cùng cấp thiết.
Theo kế hoạch, giai đoạn từ 2016- 2020, về đường bộ dự kiến triển khai 39 dự án giao thông ở ĐBSCL với kinh phí khoảng 73.033 tỷ đồng; về hàng hải triển khai 23 dự án với tổng kinh phí khoảng 18.006 tỷ đồng; về đường thủy nội địa triển khai 12 dự án với tổng kinh phí dự kiến 11.027 tỷ đồng; về lĩnh vực hàng không sẽ đầu tư thay mới trạm radar thứ cấp sân bay Cà Mau, nâng cấp Cảng Hàng không Phú Quốc… Đối với hệ thống logistics, từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển vùng ĐBSCL ngang tầm với khu vực, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển; trong đó nghiên cứu chọn Cần Thơ làm trung tâm logistics của ĐBSCL.
Cầu Cổ Chiên hoàn thành, rút ngắn việc đi lại từ Trà Vinh lên TPHCM rất nhiều
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tình hình đầu tư cũng như thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở ĐBSCL còn yếu, chưa tạo sự đột phá và chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa, đường biển… Do đó, việc quy hoạch, nhằm lựa chọn được các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng là vô cùng cần thiết, nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, phối hợp với các tỉnh thành ĐBSCL khẩn trương rà soát, chọn các dự án “ưu tiên” đầu tư cấp bách cho giao thông vùng ĐBSCL, từ các nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, vốn tập trung, vốn ODA, các chương trình mục tiêu… Cụ thể, nên xem xét đầu tư nhanh những công trình cấp bách như: Nâng cấp Quản lộ Phụng Hiệp (khoảng 1.500 tỷ đồng), nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu (khoảng 2.200 tỷ đồng), hoàn thiện Quốc lộ 60 (khoảng 1.142 tỷ đồng), đẩy nhanh xây cầu Đại Ngãi (khoảng 8.000 tỷ đồng), xây cầu Rạch Miễu 2 (khoảng 3.700 tỷ đồng), xây cầu Mỹ Thuận 2 (6.000 tỷ đồng)…
HUỲNH LỢI