Với hơn 70% dân số là người Hoa, đảo quốc sư tử biển Singapore cũng đang nhộn nhịp đón mừng năm mới âm lịch. Từ hơn 1 tháng trước, khi không khí rộn ràng của Tết Dương lịch chưa kịp lắng xuống, người dân Singapore đã rục rịch dọn dẹp nhà cửa và trang trí đường phố. Cái se lạnh những ngày đầu năm dường như cũng được sưởi ấm lên bởi sắc đỏ của đèn hoa. Giữa khu phố Tàu là chú rắn dài 108m được ghép lại từ hơn 5.000 chiếc lồng đèn đỏ. Khu trung tâm mua sắm Orchard cũng được thắp sáng bởi hàng ngàn ngọn đèn nhỏ lấp lánh.
Singapore và Việt Nam cùng chia sẻ nhiều phong tục tập quán truyền thống trong ngày đầu năm. Ngày 23 tháng chạp, người Singapore đốt hình nhân Táo để tiễn ông Táo về trời. Môi của ông Táo được quết mật ong, đường và rượu ngọt để ông chỉ báo cáo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng. Nhà cửa được quét dọn sạch sẽ để đón chào những điều may mắn đến trong năm mới. Người người xúm xít quần áo mới đi chúc tết họ hàng và người quen. Trẻ em tíu tít vì được nhận quà bánh và bao lì xì. Những ngày này, người ta hay trao nhau những trái quýt căng mọng, ngọt ngào vì quýt chính là biểu tượng của sự may mắn. Tất cả những tặng vật đều có cặp có đôi, vì người dân Singapore tin rằng số lẻ là biểu tượng của sự không may, không tốt lành.
Điểm nhấn cho Tết Âm lịch của người Singapore là bữa cơm đoàn viên đêm giao thừa. Dù bận rộn với trăm công ngàn việc, mọi người vẫn cố gắng sắp xếp để về nhà quây quần bên mâm cơm nóng hổi. Món ăn quen thuộc của người dân Singapore vào dịp tết là “juan he”, “peng cai” hay “yu sheng”. “Juan he” của xứ sư tử biển chính là bánh mứt, trái cây khô như ngày tết ở Việt Nam, tượng trưng cho hòa bình, hòa hợp và thống nhất. “Peng cai” là món lẩu gồm nhiều món cao lương mỹ vị như hải sâm, bào ngư, sò điệp, vi cá, nhân sâm..., tượng trưng cho sự sung túc và giàu có của người dân.
Nhưng phổ biến nhất có lẽ vẫn là “yu sheng” - món gỏi cá sống cùng nhiều thứ rau củ, gia vị xé nhỏ khác. Người chủ bữa tiệc lần lượt thêm các thành phần vào món gỏi và đọc những lời chúc tụng năm mới. Mỗi thành phần lại ứng với một lời chúc khác nhau - cá sống là sự sung túc, chanh và tiêu là sự may mắn, bột quế là tuổi trẻ và sức khỏe… Tất cả thực khách sẽ cùng nhau tung những món ăn lên cao và cùng cầu chúc cho một năm mới thật tốt lành và may mắn. Thức ăn càng được tung lên cao càng nhiều may mắn và hạnh phúc sẽ đến trong năm mới.
Các hoạt động văn hóa cũng nhộn nhịp trên khắp phố phường Singapore, cả ngày lẫn đêm. Tiếng trống múa lân, múa rồng đã rộn rã ngay từ sáng sớm mùng 1 Tết. Các trung tâm văn hóa của từng khu dân cư cũng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, lễ hội Hongbao ở quảng trường Marina Bay và nhà hát Esplanade cũng góp phần làm cho ngày tết thêm màu sắc. Các nghệ sĩ điêu luyện biểu diễn trên khắp các đường phố. Các ki-ốt nhỏ mọc lên dọc bờ sông để người dân đến xin chữ hay đọc tử vi. Quảng trường nhỏ trước nhà hát Esplanade cũng là nơi mọi người thường tập trung để lắng nghe các ca khúc trong và ngoài nước. Lễ hội Hongbao là một dịp không thể bỏ qua nếu bạn muốn trải nghiệm một cái tết thật Singapore.
Diễu hành Chingay là cao trào và cũng là điểm kết thúc của 2 tuần Tết Âm lịch linh đình. Cuộc diễu hành thường niên này chính là bữa tiệc của màu sắc, âm thanh và ánh sáng của hàng ngàn nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư đến từ khắp nơi trên đất nước. Bên cạnh các tiết mục biểu diễn văn nghệ, người xem không ngớt trầm trồ, ngạc nhiên bởi độ quy mô và hoành tráng của các xe diễu hành. Năm Quý Tỵ này, người dân Singapore đang ngóng chờ cuộc diễu hành lớn nhất với chủ đề “Lửa trong tuyết”. Lửa là biểu tượng của sự kiên cường, dũng cảm, niềm đam mê và sự quyết tâm. Ngược lại, tuyết lạnh tượng trưng cho những thách thức và khó khăn và được khắc phục bằng ánh sáng của ngọn lửa hy vọng. Đây cũng chính là ước vọng của người dân Singapore trong năm Quý Tỵ này - ước vọng giữ được lửa nhiệt huyết, đam mê để học tập và làm việc.
TRẦN ÁNH NHI