Chiều 30 Tết, theo chân đoàn lãnh đạo trung ương và TPHCM do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu đi thăm và chúc tết công nhân (CN) tại khu nội trú CN lao động (phường Bình Trị Đông quận Bình Tân) và CBCNV ngành điện - nước, chúng tôi có dịp hiểu thêm về họ - những người đón tết xa nhà.
- Nỗi nhớ vỡ òa theo câu hát
| |
Con gái mới sinh được hơn 3 tháng tuổi, còn quá nhỏ nên tết này, chị Phan Thị Mai (SN 1984, CN Công ty Pouyuen) không cùng chồng con về quê đón tết, dù trong lòng cồn cào nỗi nhớ người thân. Tuy nhiên, lý do chính vẫn là vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Chị Mai tâm sự: “Tiền lương của hai vợ chồng mỗi tháng cộng lại chỉ 3,3 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ lo cho em bé, không còn dư để gửi về gia đình. Trừ con gà dành để cúng giao thừa, hai vợ chồng không sắm sửa gì, ngay cả bánh mứt cũng không. Ra tết, hết thời gian nghỉ thai sản, tôi không biết gửi con ở đâu để đi làm lại. Một mình chồng tôi làm việc thì làm sao lo nổi cho cả gia đình!”.
6 năm sống tại khu nội trú CN lao động (phường Bình Trị Đông quận Bình Tân) cũng là 6 năm chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh không về quê nhà ở Tam Kỳ, Quảng Nam đón tết bên gia đình. Chị bộc bạch: “Thời gian này, con của tôi còn nhỏ quá nên không thể bỏ cháu để đi làm được. Vì vậy, các khoản chi tiêu chỉ trông chờ vào đồng lương khoảng 2,2 triệu đồng của chồng. Phải ăn tết xa nhà, vợ chồng tôi buồn lắm. Vì vậy, mỗi khi có ai đó đến thăm, tặng quà là cả nhà cùng vui”.
Cùng có “thâm niên” ở lại TP mỗi khi năm hết tết đến là anh Phạm Xuân Huỳnh (quê tỉnh Thái Bình). Năm qua, thu nhập ít ỏi của vợ chồng anh chỉ đủ lo tiền chợ, tiền học cho con và gửi về gia đình nên ước mong về quê ăn tết vẫn hoài là ước mong. Anh tâm sự: Để vơi bớt nỗi nhớ quê, tết này gia đình chúng tôi sẽ đi xem Hội hoa xuân rồi tụ tập đến nhà mấy người bạn CN liên hoan đón tết… Được nghỉ mấy ngày cũng phải vui xuân chứ.
Trong buổi chiều 30 tết, chỉ còn vài tiếng đồng hồ là đến thời khắc đón giao thừa, nỗi nhớ nhà nơi nhiều anh chị em tại khu nội trú CN lao động đã bật thành tiếng khóc khi nghe chị Hạnh hát - chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi.
- “Trực chiến” cho tết an vui
Người không có điều kiện đã đành, nhưng lại có những người sẵn sàng hy sinh niềm vui riêng, ăn tết “xa nhà” để góp phần cho người dân được hưởng những ngày tết an vui, trọn vẹn. Trong đó có lãnh đạo, CBCNV các công ty, nhà máy thuộc hai ngành điện - nước. Họ đã chia sẻ thời gian lẽ ra được vui vầy bên gia đình, chia ca trực 24/24 giờ nhằm cung cấp nguồn điện chiếu sáng, nước sạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và đảm bảo xử lý nước thải của các khu dân cư trước khi thải ra môi trường.
Ông Trần Kim Sơn, Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (thuộc Công ty Thoát nước đô thị TPHCM), nói: “Ngoài những người quê ở tỉnh được giải quyết về phép, các anh em còn lại chia ca trực vận hành và xử lý sự cố (nếu có). Cơ bản là hoàn thành nhiệm vụ, nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng cố gắng chăm lo về tinh thần và vật chất, như tặng quà tết, bố trí nơi ăn uống, đọc báo, nghỉ ngơi cho anh em”.
Còn theo ông Mai Lương Binh, Phó Giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức (đơn vị sản xuất lượng nước chiếm 55% nhu cầu của thành phố, thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn), hơn 180 CBCNV của nhà máy chia thành nhiều kíp trực, nhờ vậy đảm bảo nguồn nước ổn định cho người dân không chỉ trong 3 ngày tết mà đến hết mùng 10.
Lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 4 (thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia) được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống lưới điện cao áp trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam, từ Lâm Đồng, Ninh Thuận đến Cà Mau, chia sẻ: “Để giữ vững dòng điện trong ngày tết, các CN truyền tải điện vất vả hơn ngày thường vì phải “rải” trên lưới, nhất là ở những khu vực trọng điểm mới có thể xử lý kịp thời các sự cố do người dân vô ý thức đốt pháo hoặc do sự phá hoại gây nên”.
Có thể nói, sự vất vả trong những ngày tết của “lính” truyền tải chỉ đứng sau lực lượng công an. Ngoài phụ cấp ngày lễ được hưởng theo quy định của Bộ luật Lao động, anh em không còn khoản gì khác nên làm việc ngày tết chủ yếu là vì trách nhiệm.
Tết cổ truyền là thời điểm quan trọng nhất trong năm, mọi người được sum họp, đoàn tụ bên gia đình. Vì thế, ngày xuân đối với những nguời đón tết xa nhà - dù tự nguyện hay không - sẽ ấm áp hơn rất nhiều khi được sự quan tâm, động viên của xã hội.
ÁI CHÂN