Những ngày giáp tết, trong khi rất nhiều người náo nức trở về quê ăn tết, TPHCM vẫn còn hàng vạn sinh viên, công nhân và người lao động hành nghề tự do không có điều kiện về quê sum họp cùng gia đình.
“Tết này con không về”
Trong buổi họp mặt “Sinh viên đón tết xa nhà” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM tổ chức, Đặng Văn Quảng (quê Quảng Nam, sinh viên năm 4 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) kể: “Dạo này, trên mạng xã hội có nhiều sinh viên rủ nhau nhắn tin “Tết này con không về” để xem phản ứng của phụ huynh. Mình cũng thử nhắn như vậy, mẹ mình chỉ hồi đáp rằng “Vậy là cái tết thứ ba con không về!”. Năm nay mình không về, cả nhà chỉ đón tết qua loa cho có lệ. Để mình có thể theo học đại học, gia đình đã phải hy sinh rất nhiều. Ba mất đã 7 năm, một mình mẹ làm quần quật cả ngày, đến tận khuya mới chịu nghỉ ngơi, hai đứa em nhỏ cũng phải phụ mẹ việc đồng ruộng, chăn nuôi sau giờ đến trường. Gần 4 năm nay mình chỉ về quê đúng vào ngày giỗ ba, còn lại dịp tết và hè đều kín lịch làm thêm. Ngày tết không có gì hạnh phúc bằng quây quần bên gia đình, nhưng ở lại TPHCM trong những ngày tết vừa đỡ tốn tiền tàu xe vừa dễ kiếm được việc làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt và gửi chút đỉnh về để ở nhà ăn tết”. Nghe chưa dứt lời kể của Đặng Văn Quảng, nhiều bạn sinh viên đang có mặt trong hội trường đã chạnh lòng, có tiếng sụt sịt và có những bàn tay len lén quệt nước mắt, vì gần 1.000 bạn sinh viên có mặt trong buổi họp mặt này đều chung cảnh ngộ, tâm trạng như vậy. Đến hôm nay, những người ở lại càng thấm nỗi cô đơn, trống trải trong những dãy phòng trọ vốn thường ngày luôn nhộn nhịp người.
Chúng tôi gặp Phạm Quỳnh Thương (quê ở Nghệ An, sinh viên năm thứ 3 Đại học Sài Gòn) trong dãy trọ sinh viên ở hẻm 160 Tô Hiến Thành (quận 10) khi Thương vừa dứt cuộc điện thoại. Lau vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, Thương ngậm ngùi phân trần: “Nhỏ bạn ở trọ chung với em vừa gọi vào báo đã về tới nhà rồi, nó bảo vừa xuống xe là thấy không khí tết liền nên tự nhiên em thấy tủi thân quá, giá mà em cũng có điều kiện về thì hạnh phúc lắm. Năm nay là cái tết thứ hai em không về”. Được biết Thương mồ côi mẹ, còn ba và đứa em trai út ở quê, Thương cùng chị gái (đang làm công nhân tại Bình Dương) ở lại tết này để đi làm thêm, kiếm thêm tiền đóng học phí và phụ ba trang trải số tiền vay mượn chữa bệnh cho mẹ.
Sinh viên đón tết xa nhà ấm lòng khi được nhận quà tết
Về quê ăn tết, lo nợ cả năm
Trong số hơn 20 phòng trọ của bà Năm Bền trên đường Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh), có tới 7 phòng có người ở lại ăn tết. Anh Vũ Văn Nguyên (công nhân Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Nam Phong, quê Thanh Hóa) nói vui: “Năm nay ở lại 7 gia đình là ít đấy cô, năm trước có 11 gia đình cùng ở lại. Mọi người quây quần gói bánh chưng, ăn tết chung nên cũng đỡ buồn!”. Anh Nguyên vừa dứt lời, chị Phan Thị Trinh (vợ anh Nguyên, làm nghề thu mua ve chai) mắt đã đỏ hoe, với giọng thật thà chia sẻ: “Ông ấy nói vậy thôi chứ tủi lắm cô ạ! Chúng tôi vào đây 10 năm có lẻ, mà mới về quê ăn tết hai lần, 5 năm nay vợ chồng tôi không về, thi thoảng vào dịp hè tôi cho bọn trẻ về chơi với ông bà nội, ngoại thôi, chứ tết nhất chi phí đi lại cao quá. Làm quần quật mà chưa hết tháng đã hết tiền, không dư dả mà kéo nhau về quê ăn tết thì đói mất”.
Những gia đình khác ở lại đón tết mỗi nhà một hoàn cảnh nhưng điểm chung đều là công nhân hoặc lao động chân tay. Tiền nhà, chi phí sinh hoạt và học hành của con cái đã tiêu trọn đồng lương hàng tháng của họ. Chị Lê Thị Thành (quê Nam Định, làm nghề giúp việc nhà) tâm sự: “Về quê ăn một cái tết có mấy ngày, tính sơ sơ cũng ngót 30 triệu đồng. Gia đình tôi con còn nhỏ, chi phí học hành chưa mất nhiều, mà làm cả năm cũng chỉ để dành được vài ba triệu bạc phòng khi đau bệnh, có bấy nhiêu mà năm nào cũng về quê thì cả đời không hết nợ cô ơi. Chúng tôi ráng 2 năm về một lần, mà về ngày thường thôi, không dám về tết”.
Đã có “thâm niên” 5 năm ăn tết Sài Gòn nhưng chị Cao Thị Duyên (quê Bình Định, công nhân may tại Thủ Đức) vẫn không khỏi chạnh lòng. Chị kể: “Những ngày này, lòng chị cũng nôn nao, hình dung cảnh ba mẹ ra tận bến xe đón như thời chị còn độc thân vào TPHCM làm công nhân. Nhưng hiện tại, với gia đình chị thì tết xa xứ cũng như ngày nghỉ bình thường thôi, ban ngày lủi thủi trong căn phòng trọ, tối đến cả nhà chở nhau đi lòng vòng Sài Gòn ngắm đèn, ngắm hoa xíu rồi về. Xóm trọ cũng có người ở lại nhưng không ai hào hứng đón tết”.
Mấy ngày lui tới thăm các dãy nhà trọ sinh viên, công nhân, chúng tôi cảm nhận rõ sự trống trải, cô đơn của những người ăn tết xa quê. Thật may mắn khi nhiều cá nhân, tổ chức đã có những việc làm thiết thực để giúp những người con xa xứ không có điều kiện về quê ăn tết thêm ấm lòng.
THU HƯỜNG