Như vậy, thay vì trước đó xác định năm nay GDP phải tăng 8% trở lên thì Chính phủ đã cụ thể ở mức cao hơn. Điều này là có cơ sở khi trong nửa đầu năm 2025, dù kinh tế toàn cầu vật lộn giữa áp lực thuế quan, suy giảm tiêu dùng và sự phân mảnh chuỗi cung ứng nhưng Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi với mức tăng trưởng GDP đạt 7,52% - cao nhất cùng kỳ trong vòng 14 năm qua.
Sự vươn lên của Việt Nam không phải là kết quả ngẫu nhiên mà phản ánh quá trình chuẩn bị nền tảng suốt nhiều năm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh đàm phán thương mại và chủ động nắm bắt làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút hơn 21,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 32,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 14,4%, tạo thặng dư thương mại gần 7,63 tỷ USD; tín dụng ngân hàng tăng mạnh, hỗ trợ sản xuất và đầu tư. Niềm tin doanh nghiệp và thị trường tài chính được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, trong ánh sáng của tăng trưởng vẫn tồn tại không ít mảng tối, những thách thức đang tích tụ cần được nhận diện sớm để có giải pháp kịp thời. Trước hết, tăng trưởng chưa thực sự bền vững khi vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI và xuất khẩu.
Khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn yếu thế trong chuỗi giá trị, thiếu vốn, thiếu công nghệ và khả năng cạnh tranh thấp. Cạnh đó, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp yêu cầu chuyển dịch. Việt Nam đang thu hút dòng vốn công nghệ cao nhưng chưa đảm bảo đủ nhân lực trình độ kỹ thuật để tiếp nhận.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kết nối và thể chế vẫn còn là điểm nghẽn. Chính sách ưu đãi đầu tư xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vẫn ở mức định hướng, chưa hình thành khung khuyến khích đủ mạnh.
Cuối cùng, rủi ro bên ngoài không thể coi nhẹ, thuế quan từ Mỹ có thể tác động gián tiếp đến chuỗi cung ứng, lãi suất quốc tế chưa hạ rõ rệt, biến động tỷ giá và địa chính trị toàn cầu khiến dòng vốn quốc tế có thể đảo chiều nhanh chóng nếu môi trường trong nước mất ổn định.
Để sớm hóa giải những thách thức này, Việt Nam cần triển khai đồng bộ một số giải pháp cốt lõi. Trước hết, thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, bằng các chương trình tín dụng ưu đãi đi kèm yêu cầu đổi mới công nghệ. Đồng thời, các nút thắt về đất đai, quy hoạch, thủ tục môi trường cần được tháo gỡ triệt để bằng các mô hình thử nghiệm đặc khu công nghiệp công nghệ cao có cơ chế linh hoạt hơn so với khung pháp luật chung.
Bên cạnh đó, đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục mà phải là chiến lược liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - viện nghiên cứu với ngân sách và chính sách cụ thể cho từng ngành then chốt như bán dẫn, tự động hóa, vật liệu mới. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ gia công sang sáng tạo.
Cần khuyến khích hình thành cụm công nghiệp đổi mới sáng tạo nội địa, nơi doanh nghiệp Việt chủ động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất phụ trợ và kết nối ra khu vực. Chủ động hội nhập có chọn lọc, cần đóng vai trò tích cực trong các thiết lập luật chơi mới về chuỗi cung ứng xanh, thương mại số, thuế carbon. Đây là không gian thể chế quyết định sức cạnh tranh trong 5-10 năm tới.
Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam đến từ vị thế đang lên trong chuỗi giá trị toàn cầu và cải thiện môi trường đầu tư. Để giữ vững đà này, cần những cải cách đủ mạnh, đủ nhanh và thực chất.
Để duy trì đà bứt phá, Việt Nam cần kiến tạo thể chế hiện đại, thích ứng nhanh với các chuẩn mực toàn cầu mới như thương mại số, chuyển đổi xanh và thuế tối thiểu toàn cầu. Cần tận dụng ngay giai đoạn tăng trưởng cao để thúc đẩy cải cách mạnh mẽ khi dư địa còn rộng, đồng thuận dễ tạo và hiệu ứng lan tỏa là lớn nhất.
Tăng trưởng chỉ mở lối, cải cách mới vươn xa. Tốc độ tăng trưởng cao tạo lợi thế về niềm tin và sức hút với nhà đầu tư toàn cầu nhưng chỉ là bước khởi đầu. Nếu tận dụng đúng thời cơ, xử lý sớm các điểm nghẽn và nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành trung tâm sản xuất, sáng tạo và liên kết khu vực, khẳng định vị thế trong trật tự kinh tế toàn cầu đang tái định hình.