
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau khi các tỉnh, thành phố chính thức sáp nhập từ 1-7, nhu cầu di chuyển nội tỉnh, đặc biệt giữa các trung tâm đô thị cũ đã gia tăng, gây áp lực cho hệ thống giao thông hiện hữu vốn đã có mật độ tương đối cao.
Để bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo trì, nâng cấp hoặc mở rộng các tuyến đường kết nối hiện hữu; huy động nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm hành chính cấp tỉnh theo quy hoạch và thẩm quyền.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực, bao gồm cả kinh phí bảo trì để thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì trên các tuyến quốc lộ được phân cấp; nghiên cứu phương án đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng liên đô thị như xe buýt liên vùng, đường sắt đô thị.
Đặc biệt, đối với các khu vực đô thị dự kiến tập trung đông dân số, các địa phương cần bảo đảm hạ tầng thiết yếu đáp ứng điều kiện và môi trường sống của người dân. Trong đó, các địa phương cần quy hoạch và bảo vệ các nguồn nước mặt quan trọng phục vụ cho cấp nước sinh hoạt, hệ thống cung cấp nước sạch, hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn...
Bộ Xây dựng cũng cho biết đã thiết lập đường dây nóng, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ, giải đáp, hướng dẫn địa phương trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng sẽ phân công cán bộ để hỗ trợ trực tiếp cho địa phương.