Đó là khẳng định mới nhất của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm 2016 nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Cụ thể, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra trong năm 2016 ở mức 18%-20%, từ nay đến cuối năm, NHNN định hướng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Sản xuất xúc xích ở Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG
Hơn 800.000 tỷ đồng cho DN vay mới
Theo báo cáo từ NHNN, tính đến cuối tháng 8-2016, tín dụng toàn ngành tăng 9,67%. Trong đó, cơ cấu cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến ngày 31-8 đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Liên quan đến cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ, cũng tính đến thời điểm trên, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 663 tàu, trong đó đóng mới 590 tàu, nâng cấp 73 tàu, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay 6.574 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 4.294 tỷ đồng, dư nợ đạt 4.288 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, NHNN đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN. Theo số liệu thống kê mới nhất từ các ngân hàng, đến hết quý 2-2016 đã có trên 540 hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng với các DN được tổ chức tại 63 tỉnh, thành trên cả nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 DN và hơn 120.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình…) trong việc vay vốn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, cho vay mới. Cụ thể, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014 (217.000 tỷ đồng) - thời điểm NHNN nhân rộng mô hình này trên toàn quốc. Lãi suất cho vay mới phổ biến trong khoảng 6% - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9% - 11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn, giảm khoảng 1%/năm so với trước đây.
Riêng tại TPHCM, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, tính đến cuối tháng 8-2016, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 1,374 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 11,24% so với cuối năm 2015 và 20,16% so với cùng kỳ. Nguồn vốn cho vay của các ngân hàng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chiếm khoảng 80%, bất động sản chiếm 13%, còn lại là lĩnh vực khác. Tiếp tục đẩy mạnh vốn cho DN, trong tuần qua, NHNN chi nhánh TPHCM, Sở Công thương TP đã phối hợp với UBND quận 1 tổ chức kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn quận 1. Theo đó, 4 ngân hàng thương mại là Sacombank, Vietinbank, Vietcombank và Agribank đã ký kết hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho 34 DN gần 3.200 tỷ đồng, tạo điều kiện để các DN thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Liên quan đến kết quả của Chương trình Kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn TP, tính đến tháng 7-2016, TP đã thực hiện cho vay với tổng số tiền gần 75.000 tỷ đồng cho gần 400 khách hàng, trong đó đã giải ngân gói tín dụng của các tổ chức tín dụng cam kết được gần 67.200 tỷ đồng cho gần 2.750 khách hàng vay. Riêng qua ký kết tại các hội nghị kết nối theo các chuyên đề đã đạt 4.304 tỷ đồng, với gần 550 khách hàng là DN được vay với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa chỉ 7%, cho vay trung - dài hạn tối đa khoảng 9%.
Giữ lãi suất cho vay ổn định
Với mục tiêu trọng tâm của NHNN là tiếp tục tập trung nguồn vốn cho DN vào sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều áp lực nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua vẫn được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước. “Lãi suất cho vay hiện nay về cơ bản ổn định, có một số tổ chức tín dụng và cũng có một số đối tượng khách hàng nhất định đã giảm được lãi suất”, bà Hồng cho hay. Theo bà Hồng, từ cuối tháng 4-2016, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung - dài hạn về tối đa 10%/năm đối với khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đại diện Ngân hàng Vietinbank cũng cho biết, thời gian qua, ngân hàng này không chỉ không tăng mà còn giảm lãi suất cho vay đáng kể, kể cả cho vay ngắn hạn. “Đối với các DN tốt, chúng tôi cho vay ngắn hạn chỉ ở mức 5% - 6%, trung và dài hạn khoảng 8% - 9%. Đây là mức lãi suất khá tốt cho DN để phát triển sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm cũng như Tết Nguyên đán”, vị này cho hay.
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, lãi suất huy động thời gian qua của không ít ngân hàng tại TPHCM đã tăng từ 0,1%-0,3%/năm và có xu hướng tiếp tục tăng. Đây là điều quan ngại của không ít DN vì lãi suất đầu vào tăng sẽ ít nhiều kéo lãi suất cho vay tăng theo. Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, thông thường, quý 4 hàng năm, nhu cầu vốn của khách hàng luôn cao hơn các quý trong năm vì là giai đoạn kinh doanh của DN vào mùa cao điểm. Cùng với đó, thị trường bất động sản ấm dần lên, đặc biệt là phân khúc nhà ở “vừa túi tiền” đang thu hút cá nhân vay mua nhà là những lý do để các ngân hàng tăng huy động, chuẩn bị tốt nguồn cung đáp ứng nhu cầu vay. “Lãi suất đầu vào của một số ngân hàng có nhích lên nên các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cũng sẽ không tăng vì trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đang tập trung đầy vốn cho DN vay sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các ngân hàng cũng phải lựa DN tốt mới dám đẩy vốn vì ngại rủi ro”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định. Để nhiều DN có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, hiện cơ quan này đang phối hợp với quận, huyện rà soát các DN tại từng quận, huyện nhằm nắm được DN có nhu cầu nhưng chưa được vay từ Chương trình Kết nối ngân hàng DN để tư vấn, đưa ra những giải pháp cho các DN này tiếp cận được nguồn vốn nhằm hoàn thành chỉ tiêu 250.000 tỷ đồng mà UBND TPHCM giao.
VI QUÂN