Đông Bắc Á tăng tốc đua vũ trang

Trong phiên họp Quốc hội khóa XII, Chính phủ Trung Quốc khẳng định, năm nay ngân sách quốc phòng đạt mức 802,2 tỷ nhân dân tệ (132 tỷ USD), nhiều hơn 12,2% so với năm ngoái. Các chuyên gia quân sự nhận định, động thái này sẽ đưa cuộc đua vũ trang tại khu vực Đông Bắc Á càng nóng hơn.
Đông Bắc Á tăng tốc đua vũ trang

Trong phiên họp Quốc hội khóa XII, Chính phủ Trung Quốc khẳng định, năm nay ngân sách quốc phòng đạt mức 802,2 tỷ nhân dân tệ (132 tỷ USD), nhiều hơn 12,2% so với năm ngoái. Các chuyên gia quân sự nhận định, động thái này sẽ đưa cuộc đua vũ trang tại khu vực Đông Bắc Á càng nóng hơn.

        Ưu tiên không quân và hải quân

Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) dự báo, với tốc độ tăng chi phí quân sự như trong những năm vừa qua, có thể vào cuối những năm 2030, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tương đương với Mỹ. Tính riêng trong năm 2013, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 10,7%, lên tới 115,7 tỷ USD.

Theo chuyên gia cấp cao Felix K. Chang thuộc Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Geneva), Trung Quốc đã tái phân bổ ngân sách, chuyển nguồn lực từ các lực lượng bộ binh sang lực lượng hải quân và không quân. Đồng thời giảm mạnh lực lượng bộ binh khi cho xuất ngũ hơn một triệu quân, quân đội giảm từ hơn 120 sư đoàn xuống còn chưa tới 60 sư đoàn nhưng được phát triển theo hướng tinh nhuệ hơn với các trang thiết bị vũ khí hiện đại. Điểm đáng chú ý là quá trình này đi kèm với việc thúc đẩy các nguồn lực dành cho nghiên cứu, phát triển và mua lại của các hệ thống vũ khí mới. Viện thiết kế máy bay Thành Đô của Trung Quốc và Tổng công ty máy bay Thẩm Dương còn cho ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo J-20 và J-31. Lực lượng không quân của Trung Quốc cũng từng bước thay thế các máy bay chiến đấu cũ bằng các loại máy bay chiến đấu Su-30MKK và Su-27SK hiện đại hơn của Nga và những loại máy bay chiến đấu sản xuất trong nước J-10 và J-11. Lực lượng không quân cũng được hiện đại hóa thích nghi với chiến trường “thông tin hóa”. Lực lượng quân sự thông thường cũng đã có tên lửa không đối không mới và tên lửa hành trình phóng từ dưới biển chống tàu đầu tiên. Trung Quốc đưa vào quỹ đạo vệ tinh quân sự riêng của mình cũng như thiết kế và thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh.

Tàu khu trục DDH 181 JDS Huyga của Nhật Bản.

Tàu khu trục DDH 181 JDS Huyga của Nhật Bản.

Trên thực tế, giới lãnh đạo Trung Quốc chỉ nhận ra sự cần thiết phải hiện đại hóa lực lượng vũ trang từ những năm 1990. Nhưng mãi cho đến khi Bắc Kinh thất bại qua việc ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ trong nỗ lực đe dọa lãnh thổ Đài Loan trong thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào năm 1995 và 1996, Trung Quốc mới tiếp tục mục tiêu hiện đại hóa quân sự một cách nghiêm túc, nhằm cạnh tranh với sức mạnh hải quân và không quân của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương và ngăn chặn các nước khác tác động đến “lợi ích cốt lõi”. Sự gia tăng nhanh chóng trong chi tiêu quân sự kết hợp với đường lối ngoại giao quyết đoán hơn của Trung Quốc đang gây ra lo ngại khắp châu Á. Đáng chú ý là sau nhiều năm chủ yếu hạ thấp hoặc bỏ qua những tác động của việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, nay các quan chức Mỹ đã phải thay nhau lên tiếng báo động. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ), gây đe dọa trực tiếp lên các nước đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

        Nhật - Hàn lo ngại

Khi Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự, buộc các nước châu Á khác đều nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng cường sức mạnh an ninh quốc phòng. Không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản và Hàn Quốc nhanh chóng hành động. Theo trang tin quân sự Defense News, hai nước đã xây dựng một số đề án đặt mua tàu ngầm, tàu khu trục Aegis và tàu chiến lưỡng cư. Theo nhận định của chuyên gia quân sự Sam Bateman, ngoài cái gọi là “mối đe dọa từ phía Trung Quốc”, còn tồn tại một số nhân tố khác như muốn thực hiện chiến lược hiện đại hóa quân sự, đảm bảo an ninh năng lượng và các vấn đề tranh chấp lãnh thổ từ lâu chưa được giải quyết… Ngoài ra, các hoạt động quân sự của khu vực Đông Bắc Á không ngừng gia tăng nên đã tạo ra “hiệu ứng làm mẫu”. Các nước cung cấp vũ khí tích cực ra sức tiếp thị các mặt hàng vũ khí mới nhằm thúc đẩy tiêu thụ… cũng là những nguyên nhân khiến Đông Bắc Á tăng cường mua sắm vũ khí. Sự kiện Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia tăng tốc trang bị sức mạnh quân sự đã đưa Đông Bắc Á trở thành khu vực thống trị chi tiêu quốc phòng, chiếm gần 64% tổng chi tiêu quốc phòng ở châu Á.

Năm 2014, Tokyo tăng ngân sách quốc phòng lên 2,8%. Nhật Bản sẽ chú trọng lấy tăng cường số lượng nhân viên lực lượng phòng vệ trên bộ làm trung tâm, lấy phát triển vũ khí trang bị của lực lượng phòng vệ trên biển làm trọng điểm phát triển. Chính phủ Nhật Bản chi 70 tỷ yên (720 triệu USD) để mua một tàu khu trục đa chức năng mẫu DD với lượng choán nước lên tới 5.000 tấn, khả năng thăm dò tàu ngầm của loại tàu này được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã bỏ ra 53,1 tỷ yên đặt mua tàu ngầm lớp SS kiểu mới và chi ngân sách kéo dài thời hạn sử dụng của hạm đội tàu ngầm, tăng số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc lên 22 chiếc. Nước này còn đặt mua 2 tàu chiến 13.500 tấn và 2 mẫu hạm 22DDH, dự kiến đưa vào hạm đội năm 2015. Lượng giãn nước của 22DDH là 19.500 tấn, và nếu chở đủ tải, lượng giãn nước của nó sẽ lên tới 27.000 tấn. Chiếc 22DDH có trị giá 1,04 tỷ USD, có thể mang theo 14 trực thăng chiến đấu, 4.000 lính và 50 chiến xa. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, mỗi chiếc tàu 22DDH còn được trang bị 2 hệ thống vũ khí cận phòng và hai hệ thống tên lửa phòng không Sea RAM. Tàu này cũng có thể được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình F-35 phiên bản cất/hạ cánh thẳng đứng.

Chi tiêu quân sự hàng năm của Hàn Quốc chỉ bằng 1/5 của Trung Quốc và bằng 1/2 những gì Nhật chi tiêu mỗi năm. Nhưng năm 2013, chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc cũng tăng 3,9%. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sử dụng 6,2 tỷ USD xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Ulleung (Ulleung-do, phương Tây gọi là Dagelet) và tiếp tục tăng tiền đầu tư kinh phí xây dựng nó trở thành căn cứ hải quân lớn của Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc cũng đóng lớp tàu hộ vệ mới FFX có lượng giãn nước 2.500 tấn.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục