Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động phòng chống hạn mặn

Những ngày này, các tỉnh ĐBSCL bước vào giai đoạn cao điểm phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại.

Triển khai nhiều công trình ứng phó

Ngay từ đầu năm 2022, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khẩn trương triển khai các công trình phòng chống hạn mặn nhằm bảo vệ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt. Theo dự báo, đến cuối tháng 2 đầu tháng 3-2022, độ mặn 1g/lít sẽ xâm nhập kênh Nguyễn Tấn Thành. Vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định đắp đập thép nhằm bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An, đồng thời bảo vệ khoảng 128.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp.

Thi công đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) 
với kinh phí 10 tỷ đồng. Ảnh: NGỌC PHÚC
Cụ thể, đập thép ngăn mặn trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (thuộc huyện Châu Thành) là công trình ngăn mặn dã chiến có quy mô lớn tại địa phương. Đập thép này được xây dựng với các trụ, khung bằng vật liệu thép đảm bảo an toàn dưới tác động của thủy triều. Đập dài gần 80m, nối liền 2 bờ kênh nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập từ sông Tiền vào kênh và dự trữ nguồn nước ngọt để cung cấp tưới tiêu và sinh hoạt. Dự kiến công trình hoàn thành trước ngày 25-2, tổng chi phí hơn 10 tỷ đồng.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay xâm nhập mặn trên sông Tiền đến sớm hơn so trung bình nhiều năm. Để ứng phó, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề xuất chi khoảng 29 tỷ đồng nạo vét 16 tuyến kênh ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công đang bị bồi lắng, với chiều dài 135.000m; nạo vét nhiều tuyến kênh ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông… phục vụ phòng chống hạn mặn mùa khô năm nay, cũng như các năm tiếp theo.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, để hạn chế mặn xâm nhập nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, tỉnh huy động nguồn vốn để gia cố đê, đắp đập tạm ngăn mặn. Bến Tre nỗ lực gia cố khoảng 60km bờ bao, xây dựng 27 đập để bảo vệ 32.000ha đất sản xuất. Hiện nay, các ngành chức năng Bến Tre đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhằm phòng chống hạn mặn như xây dựng cống Sa Kê, Giồng Võ (huyện Mỏ Cày Nam); cửa cống Thành Triệu (huyện Châu Thành); dự án xây dựng tuyến ống cấp nước khu vực cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và xã Hưng Phong (huyện Giồng Trôm); dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre (có 11 cống thuộc 2 huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú); đê bao ngăn mặn đoạn từ cống Cái Mít, đê bao ngăn mặn từ xã Hưng Lễ đến xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm)…

Bảo vệ an toàn cho sản xuất

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, nhìn nhận: “Qua các đợt hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra liên tiếp trong mùa khô các năm 2015-2016, 2019-2020 và 2020-2021, tỉnh Long An xác định phương châm hàng năm sẽ phải sống chung với hạn mặn và có kế hoạch ứng phó để không bị lúng túng”. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Long An đã rà soát, ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống hạn mặn và đôn đốc thi công để hoàn thành sớm. Sở cũng phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động người dân sản xuất đúng lịch, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước; thường xuyên liên hệ với các ngành chức năng để nắm diễn biến thời tiết nhằm chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Tại Bạc Liêu, dự báo mùa khô năm 2021-2022 có nguy cơ xảy ra hạn mặn khá gay gắt. Cụ thể, đối với vụ lúa đông xuân 2022, do nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu về Bạc Liêu qua trục Quản Lộ Phụng Hiệp dự báo sẽ thiếu hụt, xâm nhập mặn sớm gây khó khăn cho việc tiếp nước từ Sóc Trăng về Bạc Liêu. Trước diễn biến trên, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu cơ quan liên quan chuẩn bị ứng phó tình huống mùa khô năm nay tương đương mùa khô năm 2019-2020. Với kịch bản này, Bạc Liêu sẽ phải giảm 3.400ha lúa đông xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Ngoài ra, tỉnh phải chi hơn 18 tỷ đồng để đắp 89 đập của vụ lúa - tôm, 448 đập bảo vệ lúa đông xuân; cùng hỗ trợ bơm tát nước và kéo dài đường ống nước sạch…

Cà Mau, một trong những địa phương chịu nhiều tác động bởi hạn mặn, thường xuyên thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt. Trước thực tế này, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt diện tích hơn 100ha, với dung tích hồ chứa 3,85 triệu m3 tại xã Khánh An (huyện U Minh). Khi hoàn thành sẽ giúp cho khoảng 113.780 dân của huyện U Minh “giải khát” vào mùa khô. Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, công trình này là cấp thiết bởi công năng đa mục tiêu, như cung cấp nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy rừng… “Trong tương lai, nếu được tiếp nguồn nước ngọt từ sông Hậu về thì hồ này có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và khu công nghiệp Khánh An”, ông Nam chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục