
Những ngày qua, ĐBSCL rộ lên chuyện người làm công đốn mía, cắt lúa đồng loạt “hét giá”. Thực tế, tình trạng này đã diễn ra từ giữa tháng 3 đến tuần đầu tháng 4-2009. Đây là lẽ thường tình cũng như diễn biến của thị trường: khi cầu lớn, giá thuê nhân công sẽ tăng vọt, nhưng đằng sau chuyện này cho thấy, “lỗ hổng” của việc cơ giới hóa nông nghiệp ĐBSCL thật đáng bàn.

Cần thay thế nhân công cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: V.T.
Cuối vụ mía, 10 nhà máy đường ở ĐBSCL dồn về Sóc Trăng tranh nhau mua mía “vét đuôi”! Giá nhân công đốn mía cũng “ăn theo” sự cạnh tranh này. Cụ thể, giá thuê nhân công đốn mía ngày thường là 250 đồng/thước (250.000 đồng/công), nhưng hiện nay đã bị đẩy lên 300.000 đồng/công.
Trong khi đó, giá công cắt lúa từ 150.000 đồng đã nhảy lên 230.000 – 250.000 đồng/công (1 công lúa = 1.000m2). Nhiều nơi, thu hoạch lúa rộ như Hậu Giang lại thiếu nhân công nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết: Toàn tỉnh hiện chỉ có 120 máy gặt đập liên hợp (GĐLH), đáp ứng khoảng 20% diện tích thu hoạch lúa. Để có được 20% diện tích thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa như hiện nay, Hậu Giang đã phải thực hiện “gói kích cầu” hỗ trợ lãi suất 0% trong 3 năm cho người mua máy GĐLH. Nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng thực hiện tương tự như Hậu Giang. Tuy nhiên, Hậu Giang vẫn là tỉnh yếu nhất trong khâu cơ giới hóa thu hoạch lúa ở ĐBSCL do mới chia tách.
Phần lớn các tỉnh ĐBSCL đều gặp khó khăn trong việc triển khai cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa! Đất đai manh mún, độ “lệch” của đất trồng lúa còn cao, người dân thiếu vốn… là những nguyên nhân tạo ra “sức ì” trong tiến trình cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa. Số liệu thống kê từ các tỉnh ĐBSCL cho biết, toàn vùng có gần 5.000 máy GĐLH, máy gặt xếp dãy.
Số máy này chỉ đáp ứng khoảng 15%-20% diện tích thu hoạch lúa. Phần còn lại phải thu hoạch bằng tay, tương ứng với tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch khoảng 13%, cao hơn mức bình quân của thế giới là 5%-8%. Nếu giảm được con số thất thoát sau thu hoạch 5%-6%, nông dân trong vùng sẽ thu thêm hàng ngàn tỷ đồng.
ĐBSCL đã nhận ra khoản thất thoát rất lớn trong thu hoạch lúa nên tích cực đầu tư để lắp “lỗ hổng” này. Đi đầu trong cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa là tỉnh An Giang. Hiện tỉnh này có hơn 1.100 máy gặt lúa, trong đó 700 máy GĐLH và hơn 400 máy gặt xếp dãy, tăng 260 máy gặt xếp dãy và GĐLH so với năm ngoái. Con số ấn tượng này đã đưa An Giang lên vị trí dẫn đầu ĐBSCL trong cơ giới hóa nông nghiệp - với 36% diện tích thu hoạch bằng cơ giới.
Mục tiêu của An Giang đặt ra: 50% diện tích thu hoạch bằng máy vào năm 2010. An Giang cũng là một trong những tỉnh đưa máy san phẳng ruộng lúa điều khiển bằng tia laser do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chuyển giao để cải tạo đất.
Ngoài ra, tỉnh này có nhiều doanh nghiệp và bề dày truyền thống về cơ khí - chế tạo máy GĐLH lớn nhất trong vùng. Hàng năm, các doanh nghiệp cơ khí An Giang cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL hàng trăm máy GĐLH. Năm 2009, Công ty cổ phần Cơ khí An Giang đã cho xuất xưởng sản phẩm máy GĐLH GĐ 1.4 và GĐ 1.6 chính hiệu “Made in Vietnam”.
Theo khảo sát của một số doanh nghiệp cơ khí An Giang, chi phí nhân công thu hoạch lúa bằng lao động sức người là 2,710 triệu đồng/ha, thu hoạch bằng máy gặt xếp dãy 2,404 triệu đồng/ha, máy GĐLH chỉ còn 1,977 triệu đồng/ha. Ưu điểm của máy GĐLH vừa rút ngắn thời vụ thu hoạch, ít hao hụt và khắc phục được tình trạng thiếu nhân công thời điểm chính vụ.
Phải chăng, các tỉnh ĐBSCL cần học tập kinh nghiệm từ thực tiễn của ngành cơ khí và cơ giới hóa trong khu thu hoạch lúa của An Giang?
Chuyện thiếu nhân công đốn mía và tình trạng “hét giá” công đốn mía đã kéo dài gần 10 năm qua ở ĐBSCL. Tình trạng này tái diễn hàng năm, song hành với chuyện các nhà máy đường tranh nhau mua mía nguyên liệu cuối vụ.
Cách đây vài năm, tình trạng thiếu nhân công đốn mía cũng xảy ra nghiêm trọng ở ĐBSCL. Khi đó, một cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL đã mạnh dạn “đặt hàng” các nhà khoa học, cơ sở sản xuất cơ khí: nghiên cứu, chế tạo máy đốn mía.
Đơn “đặt hàng” này đến nay vẫn chưa có địa chỉ “phúc đáp”. Phải chăng, đó cũng là “dấu lặng” trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp ĐBSCL?
Cao Phong