Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn, mặn

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn, mặn

Vựa lúa, thủy sản, trái cây ĐBSCL đang đối diện muôn vàn khó khăn bởi thời tiết ngày càng khắc nghiệt. ĐBSCL lâu nay được xem là “túi nước ngọt” ở hạ lưu dòng Mê Kông, nay đang tìm cách tích nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp.

Đất trồng lúa ĐBSCL đang đối diện với hạn hán và mặn xâm nhập (Ảnh: CAO PHONG)

Không còn bất thường

Hậu Giang là nơi cuối nguồn lũ ĐBSCL. Thường thì đầu tháng 11-2015, nước lũ về là hiện tượng trắng đồng. Thế nhưng, nhiều nông dân đánh bắt thủy sản năm nay ở Hậu Giang thất vọng vì nước lũ gần như không về. Dễ thấy nhất, nông dân huyện Phụng Hiệp không còn cảnh thu hoạch mía chạy lũ như mọi năm. Không phải vì có hệ thống đê bao mía mà cái chính là nước lũ về nhỏ bất thường. Anh Sáu Rồng, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) ngao ngán nhìn đồng nước lắp xắp ngang mặt đất ruộng, than thở: “Hơn 20 năm qua đây là năm thấy nước về yếu như thế, chẳng đánh bắt cá gì được hết. Điều tôi lo hơn là vụ lúa đông xuân sẽ thiếu phù sa, chi phí phân bón sẽ nhiều hơn, khả năng thiếu nước cuối vụ là rất cao”.

 

Các cơ quan chuyên môn dự báo, vùng ĐBSCL xâm nhập mặn xuất hiện sớm và nước mặn sẽ vào sâu trong đất liền so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, từ tháng 12-2015, ở các vùng cách biển từ 25 - 35km mặn có khả năng vượt quá 4g/l. Sang tháng 1 và tháng 2-2016 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt. Đối với các vùng cách biển từ 40 - 65km, khả năng bị mặn 4g/l xâm nhập vào tháng 3 và tháng 4-2016, nếu mùa mưa đến chậm có thể kéo dài đến tháng 6-2016, gây ảnh hưởng nặng nề tới việc canh tác vụ đông - xuân và xuân - hè 2016; trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi thủy sản...

 

Các nhà khoa học nhận định: Nhiều khả năng hiện tượng El Nino 2014 - 2016 sẽ là một trong El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, từ cuối năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng EL Nino, mưa và dòng chảy sông, suối ở hầu hết các khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Khả năng cường độ của El Nino sẽ mạnh kỷ lục như hồi năm 1997 - 1998 và xác suất kéo dài đến hết mùa đông xuân 2015-2016 là 90%.

“Lũ thấp, thời tiết cực đoan không còn là hiện tượng bất thường mà dần thành quy luật ở ĐBSCL”, một nhà khoa học nhận định.

Tại Sóc Trăng, nhiều khu vực mà nông dân trồng lúa (giáp ranh với khu vực nước mặn nuôi tôm) đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Máy bơm nước của nông dân được huy động hàng loạt nhưng đành “treo máy” vì nước ở các kênh mương đã bắt đầu kiệt. Trong khi đó, nhiều hệ thống thủy lợi điều phối nước trên sông Tiền đang lo lắng sẽ thiếu nguồn nước ngọt phân phối cho hơn 30.000 ha đất trồng lúa vì không có hồ trữ nước mà chủ yếu dựa vào hệ thống kênh trục. Nông dân nên tranh thủ xuống giống vụ lúa đông - xuân sớm thay vì chờ nước rút hết. Nguy cơ thiếu nước ngay cuối vụ đông - xuân là rất lớn chứ chưa nói tới vụ hè - thu kế tiếp, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo.

Cần có dự án trữ nước ngọt

“Có thời điểm, vùng thượng nguồn mực nước trên sông Mê Kông thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử ở cùng thời kỳ từ 1 - 2m. Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1,5 - 1,8m. Nguyên nhân là cuối năm 2014 hiện tượng El Nino đã xuất hiện, tạo ra nền nhiệt cao, gây mưa muộn và lượng mưa thấp. Ngoài nguyên nhân mưa ít, lũ thấp còn có nguyên nhân chủ quan từ phía con người. Nước ít, các hồ chứa, đập thủy điện tích cực trữ nước phục vụ cho mục đích của họ, dẫn đến lượng nước tự nhiên trên sông giảm thêm. Hạn hán, thiếu nước ngọt vào mùa khô 2016 ở Tây nguyên, Nam bộ và Trung bộ là điều khó tránh khỏi”, ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết. Có thể nói, lũ ở ĐBSCL ngày càng “nhỏ lại” cũng có nguyên nhân từ các đập thủy điện chắn dòng Mê Kông? “Chúng tôi rất lo lắng khi lũ nhỏ. Nói nôm na, lũ nhỏ người dân Bến Tre sẽ khốn đốn vì mặn lớn. Vì lũ nhỏ, lượng nước ngọt ít, khả năng dự trữ giảm, nước mặn xâm nhập sớm và vào sâu nội đồng hơn”, một lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết.

Lúa thất mùa do hạn, mặn

Trước tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập ngày càng trầm trọng, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương về công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn, phương án bảo đảm cung ứng điện, nước cho sinh hoạt, sản xuất vụ đông - xuân năm 2015 và năm 2016. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn khi hiện tượng El Nino là kỷ lục trong 60 năm qua, lượng mưa giảm và các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường nhất. Cần sẵn sàng trong mọi trường hợp, luôn chủ động để giảm thiểu thiệt hại”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương ưu tiên cho nước sinh hoạt của nhân dân, nước cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, rồi mới đến sản xuất công nghiệp.

“Túi nước ngọt” ĐBSCL một thời giờ đang phải tìm cách xây dựng hệ thống thủy lợi để nước ngọt thoát ra biển Tây, để tránh tình trạng ngập lụt gây thiệt hại nặng nề. Giờ đây, vựa lúa đang rơi vào cảnh thiếu nước ngọt sản xuất nông nghiệp. “Tôi nghĩ đã đến lúc Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu để đầu tư các dự án trữ nước ngọt cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng đề xuất.

CAO PHONG

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định, vụ đông - xuân 2015 - 2016 này toàn vùng ĐBSCL sẽ gieo sạ hơn 1,56 triệu ha, năng suất khoảng 7,13 tấn/ha, sản lượng 11,1 triệu tấn. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là có khoảng 620.000ha lúa ở các tỉnh ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng mặn xâm nhập gây khó khăn. Trong đó, hơn 100.000ha lúa ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu); Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Tân Phú Đông, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công (Tiền Giang)… sẽ có khả năng bị mặn tấn công dữ dội nhất. Nếu mặn tràn vào thì lúa đông - xuân ở các khu vực này sẽ ảnh hưởng quá trình trổ bông và chín vì không thể sử dụng được nước mặn cung cấp cho lúa, khả năng mất mùa rất lớn. Đối với khu vực nuôi tôm - lúa cũng bị hệ lụy và về lâu dài đất trồng lúa bị nhiễm mặn sẽ khó cải tạo. Để giảm thiểu thiệt hại cho vụ đông - xuân 2015-2016, Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL chủ động xuống giống sớm, bắt đầu từ giữa tháng 10-2015 và cố gắng kết thúc vụ khoảng giữa tháng 1-2016.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục