Đồng bằng sông Cửu Long giữ chân người “trồng” chữ

Điểm hội tụ của những tấm lòng…
Đồng bằng sông Cửu Long giữ chân người “trồng” chữ

Hơn 5 năm qua, một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã có mô hình nhà nước và nhân dân cùng chăm lo đời sống giáo viên, nhất là những thầy cô giáo từ xa đến địa phương dạy học. Từ những điểm sáng này, các tầng lớp trong xã hội đã kế thừa truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc.

Điểm hội tụ của những tấm lòng…

Đồng bằng sông Cửu Long giữ chân người “trồng” chữ ảnh 1
Có nhà công vụ, giáo viên yên tâm công tác

Bà Hồ Thị Hòa, Chủ tịch Công đoàn Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ cho biết, theo đánh giá của sở, mặc dù là huyện vùng sâu vùng xa nhưng Cờ Đỏ là nơi đang có phong trào cất nhà công vụ cho giáo viên mạnh nhất trên địa bàn.

Vào những ngày tháng 5, chúng tôi trở lại Cờ Đỏ, huyện được tách ra từ Ô Môn cách nay hơn 4 năm. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Cờ Đỏ, báo tin vui: “Mới đây, UBND xã Đông Hiệp đã mua 500m2 đất xây dựng 6 căn nhà công vụ cho giáo viên; đồng thời bán giá rẻ 3 nền còn lại, mỗi nền diện tích 120m2, chỉ thu lại tiền san lấp mặt bằng với giá 2 triệu đồng/nền nhằm tạo điều kiện cho giáo viên nơi xa đến an tâm dạy học”.

Nằm trong chương trình xã hội hóa giáo dục, từ năm học 2004-2005 đến nay, Hội Cha mẹ học sinh và công đoàn các trường trong huyện đã vận động các nguồn quỹ tương trợ 481 triệu đồng để cất mới 41 căn nhà công vụ cho giáo viên từ địa phương khác đến công tác, mỗi căn trị giá hơn 10 triệu đồng. Riêng UBND xã Đông Thuận đã hỗ trợ quỹ đất xây dựng 6 căn.

Thầy Phan Quốc Dũng, quê Hà Tĩnh vào đây dạy môn Giáo dục công dân, cùng với vợ là cô Nguyễn Thị Hải, giáo viên Sinh học được bố trí ở một căn nhà công vụ tại Trường THCS Đông Hiệp. Ngoài tiền lương hàng tháng, hai vợ chồng thầy Dũng làm thêm dịch vụ photocopy cải thiện cuộc sống. Cùng ở tập thể với gia đình thầy Dũng còn có cô Trương Thị Kim Thơ, giáo viên văn, quê ở xã Trường Thành; cô Đỗ Thị Ngọc, giáo viên Sử, quê ở Thanh Hóa; thầy Phan Duy Linh, giáo viên Mỹ thuật, quê ở phường Thới An, quận Ô Môn…

Kể từ khi tách ra khỏi Trường THPT Hà Huy Giáp, Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ được hình thành, Hội Cha mẹ học sinh đã coi trọng việc ổn định nơi ăn chốn ở cho giáo viên từ xa đến địa phương công tác. Nhiều mạnh thường quân đã đóng góp tiền, công sức xây nhà công vụ.

Mở đầu là ông Cao Phát Vượng (Bảy Bắc), quê gốc ở Cờ Đỏ, hiện nay ở khu Trung tâm Thương mại Cái Khế (Cần Thơ) tình nguyện góp 5 triệu đồng. Kế đến là ông Lê Lý, chủ tiệm vàng ở Cờ Đỏ; ông Lại Hiền Trí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Miền Tây, cũng quê ở Cờ Đỏ, mỗi người ủng hộ 5 triệu đồng; ông Võ Văn Kiệt, chủ cây xăng góp 2 triệu đồng… Chính các vị trong Hội Cha mẹ học sinh đã đứng ra tổ chức chỉ đạo, trực tiếp thi công và giám sát công trình nên giá thành rẻ hơn so với thuê nhân công.

Đôi điều trăn trở

Đầu tháng 5 này, Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành khởi công xây dựng 15 căn nhà công vụ. Trước đó, năm 2000, Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ đã trích quỹ vận động từ 1.800 cán bộ, giảng viên, công nhân viên chức thuộc diện quản lý của trường, mỗi người đóng góp 4 ngày lương xây dựng nhiều căn nhà công vụ cho các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, để giúp các thầy cô an tâm công tác, mỗi căn hộ được miễn trả tiền sử sụng điện, nước hàng tháng.

Ở Đồng Tháp, từ năm 2004 đến năm 2007, toàn tỉnh đã xây được hơn 220 căn nhà công vụ cho ngành giáo dục phục vụ chủ yếu các huyện vùng sâu, vùng biên giới như: Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng. Riêng huyện Tam Nông đã xét ưu tiên giải quyết bán nền trả chậm cho giáo viên từ nơi xa đến địa phương công tác đang gặp khó khăn về nhà ở.

Ông Lê Đăng Cao, Phó phòng Giáo dục huyện Tam Nông, vùng rốn lũ của tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Mỗi nền trị giá 10 triệu đồng, ưu tiên cho thầy cô giáo được trả chậm trong 10 năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền di dời chỗ ở cho mỗi giáo viên”.Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương dùng ngân sách nhà nước xây nhà công vụ cho giáo viên vẫn còn một vài bất cập.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, bức xúc nói rằng không nên rót kinh phí cào bằng. Do địa hình vùng đất yếu ngập sâu hàng năm, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tiền Giang và nhiều tỉnh trong khu vực châu thổ Cửu Long không có nền hạ tương đối vững chắc giống như các vùng khác. Do vậy, kinh phí quy định chung của trung ương sẽ không đủ chi dùng.

Hiện nay, ở nhiều nơi vẫn còn không ít gia đình giáo viên khó khăn về nhà ở. Các nhà công vụ phần lớn đều cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng và xây dựng không đúng quy cách, thậm chí tạm bợ. Có nơi thiếu điện, nước sạch sinh hoạt và thiếu… nhà vệ sinh. Một bộ phận phải chạy vạy thuê nhà trọ bên ngoài, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Nếu có sự quan tâm hỗ trợ của các mạnh thường quân từ nhiều phía thì những bất cập trong việc sinh hoạt của thầy cô giáo ở vùng ĐBSCL sẽ sớm được khắc phục để thúc đẩy họ tạo động lực tận tâm tận lực phục vụ cho sự nghiệp trồng người

Nguyễn Hà Phương

Tin cùng chuyên mục