Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết toàn vùng để phát huy tiềm năng

Ngày 9-3, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị tổng kết năm 2011, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2012. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội nghị.

(SGGP).- Ngày 9-3, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị tổng kết năm 2011, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2012. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ước đạt 12,12%, tổng giá trị đạt 484.897 tỷ đồng. Nông nghiệp vốn là thế mạnh của vùng phát triển toàn diện trên cả 3 mặt: sản lượng, chất lượng và giá trị gia tăng. Đặc biệt, sản lượng lúa đạt trên 22,76 triệu tấn, tăng 1,67 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 6 triệu đồng so với năm trước, ước đạt trên 26,5 triệu đồng/người/năm...

Tại hội nghị, các đại biểu đã mạnh dạn chỉ ra những tồn tại, hạn chế dẫn đến sự phát triển trì trệ, thiếu bền vững của vùng như: chưa được xác định rõ vấn đề tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nhiệm vụ của từng địa phương trong mối liên kết vùng chưa rõ ràng; việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm chưa được đầu tư tương xứng nên không tạo được đầu tàu động lực thúc đẩy phát triển kinh tế…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, để vùng Tây Nam bộ phát triển bền vững, các địa phương cần phát biết phát huy tiềm năng lợi thế của mình trong mối liên kết toàn vùng, không để xảy ra xung đột về lợi ích. Trong sản xuất nông nghiệp phải gắn giữa sản xuất với tiêu thụ, quan tâm đến mối liên kết bốn nhà. Các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng với các địa phương xem xét lại hạ tầng quy hoạch và đề xuất các giải pháp với chính phủ.

Thời gian tới cần quy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng; tăng cường đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, ưu tiên cho vùng nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến gắn với quy hoạch vùng; sơ tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

Tr.Nghĩa

Tin cùng chuyên mục