Những ngày cuối tháng 10-2011, vùng mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp - Hậu Giang trở nên “nóng bỏng” khi hàng trăm hécta mía đứng trước nguy cơ chết vì nước lũ dâng cao, cánh thương lái thì im hơi, lặng tiếng! Nguyện vọng của hàng ngàn nông dân ở đây là sớm bán được mía!
- Lúng túng khi nước lũ dồn về!
“Giá mía chỉ còn 800 đồng/kg nhưng chẳng thấy bóng dáng thương lái đâu. Trong khi nước lũ đã ngập hết gốc mía, lá mía vàng úa đang chết dần” - anh Ba Bảnh, nông dân trồng mía ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, nói như mếu! Đây cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn nông dân trồng mía ở các xã Phương Bình, Hòa An, Hòa Mỹ. Nhiều nông dân tức tưởi: “Biết rơi vào cảnh này thà bán mía non đầu vụ với giá 1.000 - 1.100 đồng/kg sướng hơn”.
Với 8.813ha, Phụng Hiệp là một trong những huyện có diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL hiện nay (chiếm khoảng 17% diện tích) và hiện còn 4.515ha chưa thu hoạch. “Đặc biệt có gần 700ha mía bị ngập nặng và đang chết dần. Trên 2.100ha mía có hiện tượng lá mía vàng úa. Tiến độ thu mua của các nhà máy đường quá chậm so với nhu cầu bán mía của nông dân. Nếu không có giải pháp can thiệp nhanh, vùng mía nguyên liệu này sẽ tiêu điều” - ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, bức xúc.
Tỉnh Hậu Giang hiện có 3 nhà máy đường hoạt động. Tuy nhiên, số diện tích mía bị lũ uy hiếp hiện nay nằm chủ yếu trong phạm vi vùng nguyên liệu của Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát. Lý giải về sự chậm trễ trong tiêu thụ mía, ông Nguyễn Văn Chính, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát, cho rằng: Công ty được giao tiêu thụ 3.000ha mía chủ yếu nằm trong vùng bị ngập lũ sâu, khoảng 700ha mía (khoảng 50.000 tấn) bị nước lũ đe dọa. Hiện công suất của nhà máy 2.000 tấn/ngày, trong 15 ngày tới chỉ giải quyết được khoảng 30.000 tấn, còn dư khoảng 20.000 tấn. Công ty đang khẩn trương nâng công suất nhà máy từ 2.000 tấn lên 3.000 tấn/ngày trong đầu tháng 11-2011. Trước mắt, chúng tôi mong muốn các nhà máy đường trong vùng sẽ hỗ trợ tiêu thụ nhanh vùng nguyên liệu mía đang bị ngập trong lũ”.
- Bao giờ có đê bao mía!
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: “Trước mắt, các nhà máy đường trong khu vực đăng ký sản lượng có khả năng thu mua mía chạy lũ từ nay đến ngày 5-11. Các nhà máy đường ngoài tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… cần ưu tiên mua mía ngập lũ tại các xã có mía bị ngập lũ nặng”. Giá sàn các nhà máy đường đưa ra mua mía tại rẫy phổ biến hiện nay là 1.000 đồng/kg (mía 10 chữ đường). Trong khi đó, tiền công vận chuyển của nhà máy ở gần vùng nguyên liệu Phụng Hiệp dao động 70 - 90 đồng/kg, còn các nhà máy ở xa như Cà Mau, Bến Tre đến đây mua, phí vận chuyển về nhà máy vọt lên 100 - 140 đồng/kg. Như vậy, liệu các nhà máy đường có thống nhất mua giá sàn bằng nhau! Trong khi đó, do áp lực thu hoạch mía chạy lũ ngày càng tăng, giá nhân công tăng vọt đến 150.000 đồng/công, cao gần 50% so với năm ngoái. Nếu không có giải pháp căn cơ, nông dân sẽ chịu thiệt hại kép từ sự “chèn ép” của thương lái và nhân công đốn mía.
Câu chuyện mía chạy lũ ở Phụng Hiệp đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có hồi kết đẹp. “Chúng tôi mong sớm có hệ thống đê bao khép kín để bảo vệ diện tích mía. Các nhà máy đường khai thác vùng nguyên liệu ở đây cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ cơ sở hạ tầng về điện để nông dân bơm tưới, phòng khi bị lũ uy hiếp” - ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, kiến nghị. Nếu có hệ thống đê bao vững chắc, Phụng Hiệp mới tính đến chuyện trồng mía rải vụ, giảm áp lực thu hoạch mía đồng loạt cùng một thời gian như hiện nay.
CAO PHONG