

Nhạc sĩ Kim Tuấn.
Nói đến nhạc sĩ Kim Tuấn, người ta thường nhắc đến một số ca khúc ruột của anh đã gắn liền với tên tuổi của các ca sĩ nổi tiếng: “Tôi ngàn năm đợi” (Lam Trường thể hiện), “Hãy để mưa rơi” (Đan Trường), “Đổi thay” (Bằng Kiều), “Biển cạn” (Cẩm Vân, Bảo Yến)… Kim Tuấn đã phấn đấu sáng tác được cả 3 dòng nhạc: dân tộc, cổ điển, trẻ.
Anh bày tỏ: “Trong âm nhạc không nên bỏ đi cái hồn dân tộc vì chính điều này là cội nguồn của cảm xúc thật, của tấm lòng đối với quê hương đất nước và công chúng”. Những bài hát mang âm hưởng dân ca của anh như “Lời ru của mẹ” (Như Quỳnh hát), “Nước trôi qua ghềnh” (Quang Linh), “Nhớ mẹ” (Bảo Yến) đã để lại ấn tượng khó phai trong tâm tưởng khán giả. Kim Tuấn là em út trong gia đình có 2 danh ca Bảo Yến, Nhã Phương. Anh được làm quen và học nhạc từ nhỏ. Năm 1983 anh lên TPHCM tham gia phong trào âm nhạc và đàn trong ban nhạc của người anh rể, nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Tuấn quê gốc ở Quảng Trị, sinh ra tại Đà Nẵng, lớn lên ở Cần Thơ, sáng tác nhạc và trưởng thành tại Sài Gòn - TPHCM.
- Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong sáng tác?
Tôi nghĩ ngoài vốn sống thực tế, khi sáng tác nên chú ý đến phần giai điệu là phải mới, đẹp, không trùng lắp. Và một mong ước của người sáng tác là làm sao tìm được giọng ca phù hợp để giới thiệu bài hát đến với công chúng. Với tôi, sáng tác, trước hết là sự thỏa mãn nội tâm, những bức xúc sẽ được giải tỏa bằng âm nhạc. Sự đồng cảm sẽ giúp tác phẩm dễ đi vào lòng người.
- Còn khuynh hướng sáng tác sắp tới?
Những sáng tác trong tương lai hướng tới sự chia sẻ tình cảm, những trăn trở, lạc quan và sự sâu lắng, tĩnh lặng trong tâm hồn. Giống như tôi có cùng cảm xúc với tác giả Hoàng Tuấn Anh trong bài thơ “Về miền Tây” - bây giờ mới được biết ông là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - nên đã phổ nhạc và sẽ trình diễn trong chương trình “Xuân cho những mảnh đời bất hạnh” của Báo Công an TPHCM vào đêm 19-12-2007 tại sân Phan Đình Phùng, trực tiếp trên sóng HTV9. Hoạt động của âm nhạc cũng để phục vụ xã hội và chính cuộc sống xã hội là nhân tố kích thích sáng tác.
- Gần đây, dư luận phàn nàn nhiều về ca từ trong ca khúc. Anh nghĩ sao?
Vâng, giai điệu đẹp nhưng ca từ phải hay. Tôi nghĩ cũng chẳng cần thiết tốn công phê phán thứ ca từ sáo rỗng hoặc rẻ tiền, bởi chỉ trong một thời gian là nó không còn chỗ đứng trong lòng khán giả. Tôi nhớ thời học phổ thông, tôi được học thầy Kiểu dạy văn rất giỏi của Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Tôi hấp thụ lời hay ý đẹp từ người thầy ấy và đọc nhiều sách, đọc thơ văn hay để trau chuốt ca từ...

Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt.
Còn đối với Vũ Quốc Việt thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ 7X, là một tay sáng tác khá tài hoa, đa phong cách. Anh nói: “Nhạc như số phận con người. Ca khúc “Còn đó chút hồng phai”của tôi đưa tới ca sĩ Cẩm Vân trình bày thành công năm 2003, tôi cảm thấy như một giấc mơ. Đến năm 2005 thì bài hát trở nên nổi tiếng với tiếng hát Quang Dũng”.
Nhạc sĩ trẻ Vũ Quốc Việt còn được lứa tuổi trung niên, có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống biết đến qua một bài hát ngồ ngộ “Bình thường thôi”. Đây là một câu chuyện kể mang đầy cảm xúc thật, không tính ước lệ, và ai nghe cũng thấy được mình có một chút gì trong đó. Chính tác giả - “ông cụ non” Vũ Quốc Việt - là người thể hiện thành công bài hát mang triết lý sâu sắc về cuộc sống nhân gian này. Khi được hỏi về nguồn cảm xúc trong sáng tác, Vũ Quốc
Rồi tình yêu đến trong dại khờ, cháy bỏng. Trái tim nhiều lần đau đớn, rồi lại tiếp tục yêu nồng nàn, tha thiết. Tôi hiểu ai sáng tác cũng muốn mình viết cái gì đó cho cuộc đời”. Vũ Quốc Việt còn được yêu mến qua nhiều bản nhạc có hồn khác: “Lời nói từ trái tim” (Nguyên Thảo, nhóm bè Huỳnh Lợi biểu diễn) được dùng làm nhạc hiệu trong cuộc thi MC hàng năm của Đài Truyền hình TPHCM, dân ca “Ru lại câu hò” (Cẩm Ly, Hương Lan hát), “Bóng cả” (Mỹ Tâm, Mây Trắng, Tam ca Áo Trắng), “Về đây” (Việt Quang), “Nắng về miền nhớ nhung” (Cẩm Vân)...
- Là một nhạc sĩ trẻ dồi dào tâm huyết và ước mơ, Việt có kế hoạch gì cho công việc tương lai?
Năm 2008 tôi làm phim ca nhạc, vừa làm nhạc cho phim, vừa đóng phim luôn, đóng chung với Nguyễn Phi Hùng trong bộ phim truyền hình của HTV 45 tập nói về âm nhạc. Dự kiến phát sóng vào giữa tháng 3-2008. Tôi ước mơ lập một ban nhạc riêng. Vì tôi viết được nhiều “e” nhạc khác nhau nên không sợ bị nhàm chán khi tham gia viết nhạc phim.
Xuân Thái