
Chủ nhật tuần trước, tôi có bài viết về cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Đó chỉ là cảm xúc của một người đã có tuổi thơ trải qua sự tàn khốc của chiến tranh, yêu quí những gì tốt đẹp và trong sáng của tâm hồn. Nhưng thật bất ngờ, sau khi bài báo phát hành, nhiều người và bạn bè đã nhắn tin, gọi điện chia sẻ cảm xúc với tôi, trong sự đồng cảm của những tâm hồn thuần Việt.
Tin nhắn đầu tiên với số đuôi thật dễ nhớ… 1818: “rất cảm động khi đọc bài và đã tìm đọc ngay cuốn sách, thật xúc động”. Truy mãi và thật bất ngờ, đó chính là số điện thoại của một nhân viên ngay trong tòa soạn của chúng tôi.
Hàng ngày cô ấy tất bật với bao công việc hành chính của cơ quan. Cô ấy đã từng một thời như con chim sơn ca, hát rất hay và cũng hay cười. Thế rồi, gánh nặng gia đình, khối lượng công việc hàng ngày của tòa soạn rất lớn khiến cô miệt mài trong công việc, nhiều khi lặng lẽ đến mức có lúc tôi quên cả sự hiện diện của cô.
Vậy mà cô ấy đã mua cuốn sách, đọc và thổn thức, chia sẻ với tôi về lẽ sống, sự cống hiến vô tư, tình yêu đất nước và yêu cuộc sống trong sáng của chị Trâm đã đánh thức những cảm xúc cao thượng dường như có lúc ngủ quên.

Thanh niên tình nguyện dạy học cho em nhỏ dân tộc thiểu số tại Gia Lai. Ảnh: Đ.V.D.
Có những người gọi đến cùng bình luận về những chi tiết xúc động giữa cái sống và cái chết trong chiến tranh, về lẽ sống và tình yêu, quan tâm thân phận của người lính chế độ cũ đã có công giữ lại cuốn sách. Chúng tôi cùng nhớ lại một thời chiến tranh khắc nghiệt, phải theo trường sơ tán để tiếp tục học còn ba mẹ thì bám nhà máy để sản xuất.
Ngày ấy còn rất nhỏ, khi nghe tiếng kẻng báo động là tự động lần lượt chạy xuống giao thông hào đến chiếc hầm chữ A của mình. Cứ 5 đứa một hầm, chúng tôi lấp ló bên miệng hầm, lo lắng nhìn lên bầu trời trong tiếng máy bay gầm rú. Giờ nhớ lại, tôi luôn thầm cảm ơn các thầy cô đã đặt những viên gạch đầu tiên về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu con người trong tâm hồn chúng tôi.
Từng ngày, rất tự nhiên, những điều ấy cứ ngấm dần vào tâm hồn chúng tôi. Tôi đã từng lặng hàng giờ, đau đáu hướng về dòng sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương, khi nghe cô Tân Nhân hát qua loa phóng thanh: nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi, gió lộng buồm bay ươm chân trời…
Với thế hệ chúng tôi lúc đó, miền Nam là nơi đẹp nhất, cần chúng tôi nhất. Những điều tốt đẹp và trong sáng ấy đã lắng đọng trong tâm hồn chúng tôi, chìm xuống đâu đó trong những ngày tất bật vì cuộc mưu sinh. Và để rồi khi đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, những mơ mộng và khát khao trong sáng lại cuồn cuộn trào lên.
Một tin nhắn vào máy: em chia sẻ và cũng đồng cảm như chị, cảm ơn chị đã nói hộ những tình cảm ấy của bọn em… Cô gái nhắn tin là một đồng nghiệp bên đài phát thanh. Có những lúc tôi không thích cô ấy vì thấy cô sao khéo quá, khôn ngoan quá, dường như để được hưởng những gì tốt nhất cho mình. Chúng tôi không có dịp giải tỏa những khó chịu và cứ xa nhau dần.
Nhưng khi cùng chia sẻ cảm xúc về cuốn nhật ký, cô ấy làm tôi nhớ lại, cô ấy là một người yêu nghề biết bao. Cô ấy từng lang thang khắp vùng Đông Nam bộ, qua Campuchia cùng những đội quân tìm kiếm hài cốt bộ đội, từng khắc khoải khi tìm mãi không thấy hài cốt như mong đợi.
Tôi nhớ, cô đã khóc nức nở khi nhìn những hộp đựng hài cốt bộ đội xếp hàng trong lễ tưởng niệm trước khi đưa về Việt Nam. Những con người như thế tâm hồn không thể xấu được. Qua cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, chúng tôi hiểu nhau, xích lại gần nhau. Và hơn thế, tôi đã hiểu những người bạn quanh tôi giống như tôi, đều mang một tâm hồn Việt.
Tôi biết một giám đốc doanh nghiệp, nhiều người đánh giá anh ấy khôn ngoan, trên thương trường anh ấy quyết liệt, khiến nhiều người vừa nể phục vừa e ngại. Thế nhưng, mấy ai biết những ngày rảnh việc là anh ấy mang cuốc xẻng xăm xắm đi tìm mộ cha. Nghe nói ở đâu có nhà ngoại cảm giỏi, anh đón về nhờ tìm mộ.
Cha anh, một liệt sĩ, sau 30 năm hòa bình nhưng vẫn còn nằm đâu đó chưa rõ, chỉ có tên ông được đặt cho một con đường ở Thủ Đức đã luôn nhắc anh nhớ đến khi đi qua con đường này. Và tôi hiểu vì sao anh luôn trân trọng và tham gia nhiệt tình các chương trình về nguồn, nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Chính anh là người luôn chia sẻ với tôi những cuốn sách hay, ý tưởng lạ, không thấy e ngại khi nói về lý tưởng cao đẹp trong môi trường kinh doanh ngày một khắc nghiệt. Anh cho rằng, cuốn sách nhỏ này xuất hiện đúng vào lúc mà đất nước đang đến khúc quanh lịch sử, chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập với thế giới.
Nó góp phần đánh thức những gì trong sáng nhất, tự hào nhất trong tâm hồn mỗi người Việt Nam. Đó phải chăng là dấu hiệu vận nước đang vào thời kỳ mới, nếu biết sử dụng đúng “sức dân” thì sẽ tạo thành sức mạnh mới đưa đất nước ta đi lên.
Tôi, bạn và thế hệ trẻ tự hào là người Việt Nam, qua “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” những tâm hồn Việt càng thêm đồng cảm chia sẻ và kết đoàn.
VĂN THIÊN LỘC