° PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, là người kế nhiệm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, với đồng chí đâu là dấu ấn nổi bật nhất của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh?
° Nguyên Chủ tịch nước TRẦN ĐỨC LƯƠNG: Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một cán bộ tài cao, cả cuộc đời công tác của đồng chí luôn gánh 2 vai: quân sự và chính trị. Cả thời gian rất dài, đồng chí hoạt động trong lĩnh vực quân sự, làm lãnh đạo nhiều cấp khác nhau, chủ yếu gắn bó với vùng đất quê hương Nam bộ, Quân khu 9, Quân khu 7 và cơ quan lãnh đạo toàn miền. Khi là vị tướng, đồng chí là một vị tướng tài, năng nổ, xốc vác, lập được nhiều chiến công gắn bó với quân và dân ở các vùng, các đơn vị mà đồng chí phụ trách. Khi được giao nhiệm vụ chính trị như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước, đồng chí luôn gắn chặt chẽ hai mặt quân sự quốc phòng và chính trị xã hội.
Tôi được làm việc với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhiều, biết nhiều về đồng chí là những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đầu thập kỷ 1990, vào lúc đồng chí được giao nhiệm vụ Chủ tịch nước. Trong nhiệm vụ Chủ tịch nước của đồng chí Lê Đức Anh, tôi đã theo sát và có ấn tượng rất sâu sắc về những hoạt động của đồng chí, dĩ nhiên cũng không ngoài nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, kết hợp chính trị và quân sự. Tôi nhớ vào đầu những năm 1990 là thời kỳ quân đội ta, sau nhiệm vụ chính trị quân tình nguyện ở Campuchia thì rút về nước, là giai đoạn Bộ Quốc phòng tái cơ cấu tương đối lớn. Giai đoạn đó ra quân rất đông, hàng chục vạn cán bộ chiến sĩ. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi sau đó là Chủ tịch nước, đồng chí hết sức quan tâm đến đời sống của cán bộ chiến sĩ, những người đã lăn lộn trên các mặt trận bảo vệ Tổ quốc cũng như làm nhiệm vụ quốc tế nay trở về trong điều kiện đầy khó khăn. Đồng chí đã chỉ thị Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chính sách đối với cán bộ chiến sĩ ra quân, tiếp đó là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang.
Thời kỳ đó đã có nhiều chính sách được ban hành hoặc hỗ trợ tích cực để bớt khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ ra quân đầu những năm 1990. Anh em được hỗ trợ về nhà ở, điều kiện đi lại, học hành, sản xuất… Đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo các cơ quan chính sách của Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội những chính sách quan trọng để chăm lo cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ, kể cả thang bảng lương riêng của lực lượng vũ trang với sự ưu đãi đặc biệt. Ngày nay, chúng ta thấy thang bảng lương riêng của lực lượng vũ trang cao hơn tất cả các ngành nghề khác, đó là kết quả đợt vận động tích cực của Bộ Quốc phòng, trong đó có sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh.
Thời kỳ đầu làm Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cũng chỉ đạo các cơ quan quốc phòng và các cơ quan chính sách của Nhà nước xem xét một cách tích cực, đề xuất Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương về danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thời kỳ đồng chí làm Chủ tịch nước, việc xem xét để tuyên dương các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn quốc được làm rất chu đáo, kịp thời. Tháng 12-1994, chúng ta đã tổ chức lễ tuyên dương Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc rất long trọng và xúc động lòng người. Chính sách vinh danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng đầy tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Nhờ đó, không những thế hệ những người sinh ra trong chiến tranh mà cả thế hệ sau này đều cảm nhận được vinh dự rất to lớn của các bà mẹ đã hy sinh những người con thân yêu của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Nói điều đó để thấy rằng khi là tướng lĩnh cũng như cán bộ lãnh đạo cao cấp thì đồng chí Lê Đức Anh luôn luôn quan tâm đến chiến đấu và chăm lo đời sống cán bộ chiến sỹ, cũng như chính sách hậu phương quân đội, với những gia đình có công với nước một cách chu đáo và ấn tượng.
° Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một trong những người tiên phong thời kỳ mở cửa hội nhập, ở thời điểm đó có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa đồng chí?
° Như tôi đã nói ở trên, đầu tiên là bắt nguồn từ giải tỏa, bình thường hóa quan hệ với hai nước Trung Quốc và Mỹ. Điều này đồng chí Lê Đức Anh đã nói rõ về đóng góp của mình vào việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ như thế nào trong hồi ký của đồng chí.
Ở Đại hội VI, Đảng ta quyết định tiến hành đường lối đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ đổi mới kinh tế, xã hội, mà đổi mới toàn diện. Không chỉ đổi mới về đối nội mà còn về đối ngoại. Đảng, Nhà nước ta lúc đó đã công bố tinh thần “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới”, “Việt Nam muốn tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động liên kết quốc tế và khu vực”. Đó là đường lối chung nhất. Nhưng thể hiện rõ nhất là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị (Khóa 8) và Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng (Khóa 9), nói rất rõ về đường lối đối ngoại. Mở cửa hội nhập đầu những năm 1990 bắt đầu bằng kinh tế là bước khởi đầu. Ngay năm 1986, mới xác lập đường lối đổi mới thì năm 1988, ta đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, tinh thần là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm tại Việt Nam, được nhà nước Việt Nam bảo vệ và hỗ trợ cho họ làm ăn chính đáng.
Từ năm 1988, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng dần đầu tư vào nước ta cho đến ngày hôm nay, tổng mức đầu tư quốc tế vào Việt Nam vô cùng lớn. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng gấp đôi GDP hàng năm của cả nước. Điều đó chứng tỏ mở cửa hội nhập đi liền, và là một bộ phận tất yếu của đổi mới. Điều rất tốt đối với chúng ta là quốc tế hưởng ứng và ngày càng tin cậy, hợp tác với Việt Nam. Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới có tinh thần bỏ khái niệm “bạn-thù”. Nên nhớ, tất cả quá trình xa xưa từ trước, một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của công dân và cán bộ Việt Nam là biết phân biệt “bạn-thù”, thứ nữa là phải biết đâu là “bạn-thù” số 1, 2. Nhưng đến nghị quyết trên, Đảng đi đến kết luận không có “bạn-thù” cố định, tất cả các nước đều là đối tượng, đối tác. Ai chống lại ta, phá hoại ta là đối tượng; hoặc cùng 1 nước, nhưng phần hợp tác thì tôn trọng, phần đối phó thì đối phó lại, không có chuyện nước này là bạn, nước kia là thù như trước.
Như vậy, đổi mới là quá trình toàn diện sâu sắc và ngày càng tích lũy kinh nghiệm. Soi lại mới thấy cả quá trình đi lên, chúng ta đã hội nhập nhanh chóng. Trong quá trình hội nhập, đường lối chung của Đảng là phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, hội nhập quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của ta chứ không phải hội nhập với bất cứ giá nào. Ngày hôm nay đã cho thấy rõ, đó là đường lối đúng đắn và đưa lại tác động vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
° Xin cảm ơn đồng chí!