Đồng chí Nguyễn Minh Triết tái đắc cử Chủ tịch nước

Tiểu sử đồng chí Nguyễn Minh Triết
Đồng chí Nguyễn Minh Triết tái đắc cử Chủ tịch nước
  • Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng được đề cử làm Thủ tướng Chính phủ

Trong phiên họp hôm qua, 24-7, QH khóa XII đã tiến hành bầu Chủ tịch nước. Đồng chí Nguyễn Minh Triết tái đắc cử chức vụ Chủ tịch nước với 98,78% số phiếu.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết tái đắc cử Chủ tịch nước ảnh 1

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (phải) chúc mừng đồng chí Nguyễn Minh Triết tái đắc cử Chủ tịch nước. Ảnh: MINH ĐIỀN

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nguyện phấn đấu hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Đồng chí bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đối với QH và nhân dân đã tín nhiệm và mong muốn nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các vị đại biểu QH, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người VN ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chủ tịch nhấn mạnh việc tiếp tục tiến hành cải cách tư pháp đồng bộ, cả tố tụng, điều tra, truy tố và xét xử. Cải cách tư pháp phải nhắm vào xây dựng cơ quan tư pháp vững mạnh, cán bộ tư pháp có trình độ chuyên môn tốt. Đặc biệt, cải cách tư pháp phải gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ngay sau khi phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước đã đọc tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để QH bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo tờ trình, người được đề cử chức vụ Phó chủ tịch nước là bà Nguyễn Thị Doan, hiện là Phó Chủ nhiệm Thường trực UB Kiểm tra Trung ương Đảng; Thủ tướng Chính phủ được đề cử là Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là ông Trần Quốc Vượng, hiện là Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Trung tướng Trương Hòa Bình, hiện là Thứ trưởng Bộ Công an.

Hôm nay 25-7, Quốc hội tiến hành bầu các chức danh trên.

Anh Thư

Tiểu sử đồng chí Nguyễn Minh Triết

Đồng chí Nguyễn Minh Triết sinh ngày 8-10-1942, quê huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; cử nhân Toán, đại biểu Quốc hội khóa IX, XI và XII. Tại Đại hội Đảng lần thứ 10, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 6-2006, tại phiên họp Quốc hội khóa XI giữa nhiệm kỳ, đồng chí Nguyễn Minh Triết lúc đó là UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, được bầu làm Chủ tịch nước.

Ngay trong năm đầu tiên nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công Hội nghị APEC tại Việt Nam. Chuyến thăm Mỹ tháng 6 vừa qua của đồng chí cũng được đánh giá là đã góp phần xây dựng một hình ảnh mới, vị thế mới cho Việt Nam. Trong dịp đó, giới bình luận quốc tế nhận định: “Chủ tịch nước Việt Nam là một nhà cải cách kinh tế có uy tín”, có phong cách “lắng nghe và thấu hiểu, gần gũi và khiêm tốn”.

Các ứng cử viên do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giới thiệu

Ứng cử viên Thủ tướng Chính phủ: Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, người được đề cử giữ chức vụ Thủ tướng trong nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, sinh ngày 17-11-1949, quê thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. đồng chí là cử nhân Luật, đại biểu QH khóa X, XI và trúng cử đại biểu QH khóa XII tại Hải Phòng với số phiếu 99%.

Sau 9 năm làm Phó thủ tướng trực tiếp phụ trách nhiều bộ, ngành quan trọng, tháng 6-2006, tại phiên họp giữa nhiệm kỳ của QH khóa XI, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng được bầu làm Thủ tướng, trở thành người đứng đầu Chính phủ trẻ nhất trong 20 năm gần đây. Qua hơn một năm điều hành Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã và đang thực hiện những cam kết trước QH, đặc biệt là trong công tác chống tham nhũng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hàng loạt vụ án tham nhũng trọng điểm đã hoàn tất điều tra, chuẩn bị đưa ra xét xử. Thủ tướng đã được tờ World Business, một tờ báo có uy tín trên trường quốc tế, bình chọn là một trong 20 nhân vật nổi bật nhất đang đưa châu Á tiến lên. Tác giả bài báo viết về Thủ tướng: “Ông là một nhà kỹ trị có hiểu biết về kinh tế. Tầm nhìn của ông là đưa nền kinh tế Việt Nam theo định hướng thị trường tham gia tích cực vào kinh tế thế giới. Ông cam kết vững chắc vào việc kế tục các chính sách của những người tiền nhiệm, tiếp tục mở cửa và phát triển kinh tế”.

Ứng cử viên Phó Chủ tịch nước: Bà Nguyễn Thị Doan

Bà Nguyễn Thị Doan, ứng cử viên Phó Chủ tịch nước, sinh năm 1951, quê huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là giáo sư, tiến sĩ kinh tế. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, bà Doan được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và hiện là Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Bà Doan vừa trúng cử đại biểu QH khóa XII tại Hà Nam với tỷ lệ phiếu 85%.

Ứng cử viên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Ông Trần Quốc Vượng

Ông Trần Quốc Vượng, ứng cử viên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, sinh năm 1953, quê Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, thạc sĩ Luật. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, ông Vượng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hiện là Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ông Vượng trúng cử đại biểu QH khóa XII tại Lai Châu với số phiếu 87%.

Ứng cử viên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Ông Trương Hòa Bình

Ông Trương Hòa Bình, ứng cử viên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, sinh năm 1955, quê Cần Giuộc, tỉnh Long An, tiến sĩ Luật. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, ông Bình được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hiện là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Bình là đại biểu QH khóa X, XI và vừa trúng cử đại biểu QH khóa XII tại Long An với số phiếu 71%.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:
Tôi nhận nhiệm vụ khi đất nước đang trên đà phát triển

Sau khi tái đắc cử Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Minh Triết đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết tái đắc cử Chủ tịch nước ảnh 2

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời phỏng vấn báo chí sau khi tái đắc cử. Ảnh: M.Đ.

- PV: Thưa Chủ tịch, cảm nghĩ của Chủ tịch thế nào khi tái đắc cử với số phiếu rất cao?

Chủ tịch NGUYỄN MINH TRIẾT: Tôi rất xúc động vì gần như tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm tôi, song dù chỉ còn một vài phiếu không tín nhiệm, tôi cũng sẽ phải tự nhìn nhận lại chính mình, xem còn điều gì thiếu sót không.

- Chủ tịch xác định đâu là nhiệm vụ chính của mình trong thời gian tới?

Khó có thể nói nhiệm vụ nào là chính, vì tôi có tới 12 nhiệm vụ: đối nội, đối ngoại, quốc phòng an ninh, cải cách tư pháp, xây dựng hệ thống tư pháp vững mạnh...

- Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch nước vừa qua, dư luận trong nước và quốc tế đánh giá ông rất cao về những thành công đạt được như việc tổ chức hội nghị APEC…

Phải nói cho công bằng thế này, tôi nhận nhiệm vụ khi đất nước đang trên đà phát triển, nên được thừa kế đà phát triển ấy. Đất nước phấn khởi, cá nhân mình cũng thơm lây. Sắp tới phải tiếp tục cố gắng phát huy.

- Theo Chủ tịch, cải cách tư pháp trong thời gian tới cần tập trung vào những nội dung gì?

Trước tiên là làm sao cho đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Tổ chức lại hệ thống tòa án, viện kiểm sát các cấp, nâng cao vai trò của 2 ngành này để có thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Trong cải cách tư pháp có nội dung đền bù cho người bị oan sai. Nhưng dường như công tác này trong thời gian qua vẫn chưa được thỏa đáng?

Tôi hiểu rằng việc giải quyết sự vụ của các cơ quan trong thời gian vừa qua có chỗ này chỗ kia còn khiếm khuyết. Có điều này cần nói để cho những người bị hàm oan thông cảm: dù có bù cái gì đi nữa thì cũng không đủ đâu, trong thời gian họ bị hàm oan phải hứng chịu muôn vàn nỗi khổ, thậm chí gia đình tan nát… Đúng là bộ máy hành chính của chúng ta còn chậm, tới đây phải cùng nhau xem xét lại để giải quyết cho đúng theo quy định của pháp luật.

- Xin cảm ơn Chủ tịch!

Phương Anh ghi

Tin cùng chuyên mục