>> Trần Văn Giàu - Người cộng sản kiên trung, xuất sắc thuộc thế hệ đầu tiên của vùng đất Nam Bộ
Từ bỏ vinh hoa phú quý, đồng chí Trần Văn Giàu dấn thân vào cuộc đấu tranh đầy gian nan, nguy hiểm. Rồi khi đang là một nhà lãnh đạo nổi tiếng, ông từ biệt vũ đài chính trị, rời bỏ nhẹ như lông hồng, để làm một nhà khoa học. Nhân cách, tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Trần Văn Giàu đã khiến đại biểu dự tọa đàm “Đồng chí Trần Văn Giàu - nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học - dấu ấn một nhân cách” tại TPHCM vào ngày 15-9, xúc động và nhìn nhận bây giờ không phải ai cũng học được, làm được như thế.
Con người “3 trong 1”
Tọa đàm được Thành ủy TPHCM trang trọng tổ chức nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Trần Văn Giàu (1911 - 2016). Trong niềm tự hào, vinh dự và trách nhiệm, các đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành bạn; các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các học trò và đại diện gia đình GS Trần Văn Giàu… đã tham dự.
Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. 130 bài tham luận gửi tới tọa đàm đã phản ánh phong phú, sinh động, sâu sắc về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Văn Giàu theo các nhóm nội dung: nhà cách mạng lão thành, kiên trung; nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học lớn của đất nước; một nhân cách lớn, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, trong hành trình lớn lao 100 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, đồng chí Trần Văn Giàu đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do và sự phồn vinh của đất nước. PGS-TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận, trong con người GS Trần Văn Giàu là 3 con người: người cách mạng chuyên nghiệp, người thầy giáo mẫu mực, nhà khoa học lớn. Trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực nào GS Trần Văn Giàu cũng để lại những dấu ấn.
Đồng chí Trần Văn Giàu gia nhập Đảng Cộng sản khi Đảng ta đang chuẩn bị ra đời, giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ trước và trong Cách mạng Tháng 8-1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ lúc cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bắt đầu.
Ở vai trò một nhà cách mạng lão thành, theo PGS-TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng chí Trần Văn Giàu đã hiến dâng cả cuộc đời cho suốt cuộc hành trình đầy hào quang của Đảng ta. Ở vai trò người thầy, “thầy giáo đỏ” Trần Văn Giàu lấy sàn xi măng làm bảng, lấy gạch vụn làm phấn, đã truyền giảng cho đồng chí, đồng đội ngay trong chốn lao tù thực dân, đế quốc. Sau này, đồng chí Trần Văn Giàu là một trong những giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, là người góp phần hình thành, phát triển Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nói đến đồng chí Trần Văn Giàu còn là nói về một nhà khoa học lớn, cây đại thụ của khoa học xã hội Việt Nam với hơn 150 công trình khoa học. Sách của giáo sư nếu đem ra cân thì chắc chắn trọng lượng lớn hơn cơ thể ông; nếu đem xếp chồng lại thì cao hơn chiều cao của ông.
Ngời sáng một nhân cách
Xúc động trước lựa chọn của đồng chí Trần Văn Giàu - sinh ra trong gia đình giàu có, sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý, theo tiếng gọi non sông lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, PGS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích, bản lĩnh cách mạng của đồng chí Trần Văn Giàu thể hiện ở 3 sự kiện: ngay từ trong Khám lớn Sài Gòn, địa ngục trần gian Côn Đảo và trại Tà Lài (Biên Hòa), Trần Văn Giàu đều là người dẫn đầu phong trào đấu tranh. Khi chuẩn bị tổng khởi nghĩa năm 1945, trong điều kiện không liên lạc được với Trung ương Đảng, ông đã nhanh chóng xây dựng Xứ ủy Tiền Phong, trở thành nhạc trưởng, chỉ huy phong trào cách mạng, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn. Không lâu sau, ngày 23-9-1945, đồng chí Trần Văn Giàu đã thay mặt Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến.
“Danh” và “lợi”, hai thứ vốn là đích đến của nhiều người, lại được đồng chí Trần Văn Giàu từ bỏ một cách nhẹ nhàng. Thêm một lựa chọn nữa chứng tỏ điều đó: Khi đang là một nhà lãnh đạo nổi tiếng, ông từ biệt vũ đài chính trị để làm một nhà khoa học, làm việc nghiên cứu cật lực. “Đó là một nhân cách, là bản lĩnh, đạo đức tuyệt vời!”, GS-TS Tạ Ngọc Tấn nhận xét. Theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, nếu chúng ta ai cũng học được cách ứng xử như vậy thì tình trạng suy thoái về đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên không phức tạp như ngày hôm nay. GS-TS Tạ Ngọc Tấn đúc kết, tổng thành quan trọng nhất về đồng chí Trần Văn Giàu, không đơn thuần là nhân cách, mà đó là một tấm gương trong sáng như pha lê về đạo đức cách mạng để lại cho chúng ta và muôn đời sau.
Về nhân cách của nhà khoa học lớn Trần Văn Giàu, PGS-TS Phan Xuân Biên chia sẻ, có trước tác đồ sộ nhưng chưa bao giờ GS Trần Văn Giàu nhờ ai làm tư liệu, chưa bao giờ nhờ ai viết rồi mình đứng tên. Dù trong chiến tranh hay sau này tuổi cao sức yếu, GS Trần Văn Giàu vẫn tự tìm tòi, cần mẫn viết từng trang bản thảo. “Bây giờ, rất nhiều giáo sư, tiến sĩ chủ biên mà không “biên” tí nào. Có lẽ nhiều người nên xem lại, đối chiếu với bản thân xem sao!”, PGS-TS Phan Xuân Biên soi chiếu với thực tế nghiên cứu hiện nay.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang nhấn mạnh, đồng chí Trần Văn Giàu không chỉ để lại cho đời một di sản khoa học đồ sộ, mà còn để lại cho hậu thế một tấm gương mẫu mực, thanh liêm, một thần tượng. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tên tuổi Trần Văn Giàu luôn là một sự khẳng định về uy tín của một con người chính trực, thể hiện son sắc một tinh thần cách mạng cao quý, kiên định gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng.
MẠNH HÒA