(SGGP).- Sáng 6-2 (tức mùng 7 Tết), tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn, lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, đã được tổ chức với sự tham dự của đông đảo người dân địa phương và du khách. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương cùng đại diện một số tỉnh bạn tham dự lễ hội.
Lễ hội năm nay diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi khi Hà Nam đạt nhiều thành tích đáng biểu dương trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau khoảng 3 năm thực hiện phong trào, toàn tỉnh đã có 6 xã, trong đó có xã Đọi Sơn, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hơn 1.700km đường giao thông nông thôn đã được xây dựng, gần 1.300 phòng học và 160 nhà văn hóa xã, phường được hoàn thành, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn trong tỉnh.
Sau phần lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu hành lễ, lễ hội Tịch điền được cử hành trang trọng theo trình tự với các màn múa rồng, đọc văn trình, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội và lễ dâng hương thành kính. Một cụ ông cao niên của xã Đọi Sơn khoác áo long bào, đeo mặt nạ, nhập linh khí quân vương khoan thai đi những đường cày đầu tiên trong tiếng hò reo cổ vũ của đông đảo du khách. Tiếp đó là những đường cày thẳng tắp của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và huyện Duy Tiên.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam, ông Trần Xuân Lộc, nhấn mạnh: Phát huy truyền thống trọng nông có từ thời xưa, lãnh đạo tỉnh Hà Nam luôn coi phát triển nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng. Nhiều mô hình sản xuất mới đã được thử nghiệm và áp dụng tại các địa phương trong tỉnh, bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, giúp họ xóa giảm đói nghèo và dần tiến đến làm giàu. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm và có biện pháp khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả, giúp nông dân tiếp tục nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
* Sáng 6-2, người dân các làng Mường: Cao Sơn, Thịnh Lang, Lạc Sơn, Mường Bi… ở xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã tổ chức lễ hạ nêu, xuống đồng. Buổi lễ diễn ra trong không khí rất trang nghiêm với nghi thức cúng thần hoàng và cầu mùa để mong một năm mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên, no ấm, mùa màng bội thu... Sau phần lễ trang nghiêm, người dân nơi đây đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian vui nhộn và đặc sắc như: kéo co, đấu vật, tung còn, nhảy bao bố, leo cột mỡ (ảnh).
* Đến hẹn lại lên, chợ Viềng, Nam Định - phiên chợ “bán rủi mua may” lại họp vào tối 6-2, tức mùng 7 Tết. Ngay từ buổi chiều, hàng đoàn phương tiện của người dân địa phương và nhiều tỉnh, TP lân cận như Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… đã chen vai, thích cánh trên mọi nẻo đường dẫn vào khu vực trung tâm của chợ với tâm lý không muốn bỏ lỡ phiên chợ cầu may duy nhất trong năm.
Theo lời người già giải thích, chợ Viềng Phủ có ý nghĩa như chợ thần tiên trên trời (còn gọi là chợ âm phủ). Đi chợ kết hợp với cúng bái, cầu may ở các đền, phủ. Đến chợ Viềng, người dân mua các loại cây ăn quả, cây cảnh, các loại hoa với mong muốn năm mới có thêm nhiều lộc may mắn. Bên cạnh đó, những người nông dân lại mua thêm cho mình những nông cụ đầu năm như cuốc, xẻng, liềm, dao… mong cho một năm mới mùa màng bội thu.
NGỌC MINH - CÔNG HOAN - MAI AN