(SGGPO). - Không chỉ thấp thỏm, âu lo khi động đất liên tiếp xảy ra kể từ khi hồ thủy điện A Lưới tích nước, nhiều hộ dân sống bên thủy điện này tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang bị đảo lộn cuộc sống sinh hoạt và sản xuất khi mạch nước ngầm bị tụt giảm bất thường.
Đảo lộn cuộc sống
Chưa kịp mừng khi cơn “mưa vàng” xuất hiện trên diện rộng sau nhiều tháng nắng nóng và khô hạn thì người dân huyện A Lưới lập tức lại nghe cảm giác rung lắc bởi một cơn rung chấn đến thóp tim. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết hiện tượng rung lắc là do một trận động đất độ 2,5 độ richter xảy ra tại địa bàn huyện A Lưới vào lúc 2 giờ 35 phút 25 giây ngày 11-5.
Ông Đoàn Quang Huy (50 tuổi, ngụ xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) nói: “Trước đây không hề có động đất, nhưng kể từ khi nhà máy thủy điện A Lưới tích nước phát điện thì động đất xảy ra liên tục nên ai cũng âu lo. Chưa hết, sản xuất và cuộc sống của người dân cũng bị đảo lộn khi các mạch nước ngầm tụt giảm nghiêm trọng khiến ao hồ trơ đáy”.
Ao nuôi cá của gia đình ông Lê Thuấn, xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị hoang hóa do khô cạn kéo dài
Dẫn chúng tôi đi xem một loạt hồ ao nuôi cá trong vùng cạn kiệt nguồn nước, phải chuyển sang trồng tràm hoặc bỏ hoang, ông Lê Thuấn (80 tuổi, ở thôn Phú Xuân, xã Phú Vinh, huyện A Lưới) phân trần, nguồn nước nuôi cá xưa nay lấy từ khe Ông Mô, nối với sông A Sáp. Nhưng mấy năm trở lại đây, thủy điện chặn dòng nên nước sông A Sáp không chảy vào khe Ông Mô”.
Ông Thuấn cho biết: “Nguồn thu chính của người dân chủ yếu nhờ nuôi cá nước ngọt. Nhà nhiều thu nhập 40 triệu đồng/năm, nhà ít 15 triệu đồng/năm. Nhưng giờ cá nuôi không được nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn”.
Tình trạng thiếu nước còn khiến cây trồng héo hon, giếng đào sâu cả chục mét cũng cạn trơ đáy làm đời sống người dân bị đảo lộn.
Ông Hồ Văn Liêm, Trưởng thôn Căn Tôm, xã Hồng Thượng cho hay, thôn có 96 hộ thì có đến 45 hộ thiếu nước sinh hoạt do giếng khơi nay đã trơ đáy. Còn ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh dẫn giải, để dẫn nước từ hồ chứa trên sông A Sáp về nhà máy thủy điện A Lưới, chủ đầu tư cho đào kênh dẫn lớn dài trên 2 km từ xã Hồng Thượng đến cửa hầm lấy nước xã Phú Vinh. Kênh đào đi vào hoạt động, nước mạch ngầm tại khu vực này bắt đầu tụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh với cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết căn cơ.
Chẳng biết phải giải thích thế nào với dân (!)
Đem những âu lo của người dân đến gặp ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới thì được ông này cho biết, trước năm 2012 khi chưa xây dựng đường hầm dẫn nước thủy điện A Lưới, các khe suối, hồ cá và giếng khơi tại các xã Hồng Thượng và Phú Vinh dồi dào nước. “UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành quan trắc tài nguyên môi trường khu vực nói trên để tìm nguyên nhân. Trường hợp do công trình thủy điện A Lưới gây ra thì cần sớm có hướng khắc phục và hỗ trợ cho bà con”.
Ông Hùng cho biết thêm, Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp cơ quan chức năng đã khảo sát, lấy mẫu nước tại xã phú Vinh và kiến nghị cần có các dự án nghiên cứu về vấn đề mất nước mặt và tụt giảm nước ngầm từ 2-3m tại huyện A Lưới. Riêng động đất xảy ra liên tục tại huyện A Lưới là hiện tượng rất lạ khiến bà con hoang mang.
“Hiện chúng tôi đang chờ kết luận từ phía cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học nên cũng chẳng biết phải giải thích thế nào để người dân an tâm tiếp tục sản xuất”. - ông Hùng phân trần.
Kênh đào dẫn nước từ hồ chứa trên sông A Sáp vào nhà máy thủy điện A Lưới
Trao đổi với phóng viên SGGPO, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã ghi nhận hơn 15 trận động đất từ 2,5-4,7 richter xảy ra tại Thừa Thiên – Huế. Trong đó, tính riêng 19 ngày trong tháng 12-2015, tại khu vực huyện A Lưới và khu vực thị xã Hương Trà (giáp ranh với huyện A Lưới) liên tiếp xảy ra 4 trận động đất từ 2,5 đến 2,9 độ richter. Hầu hết những trận động đất xảy ra ở khu vực nói trên đều có cấp độ rất nhỏ, khó nhận biết, không gây thiệt hại về người và tài sản. Nhưng số lần xuất hiện dồn dập, nhất là 2 năm trở lại đây nên UBND tỉnh đã đề xuất Bộ KH-CN hỗ trợ để sớm có đánh giá, phân tích cụ thể. Bộ KH-CN vừa mới phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặt hàng "Nghiên cứu, đánh giá độ nguy hiểm động đất phục vụ quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ, bảo đảm an toàn công trình thủy điện, thủy lợi và di tích văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế" để tuyển chọn thực hiện trong kế hoạch năm 2016. Theo đó, định hướng mục tiêu là làm sáng tỏ đặc trưng hoạt động động đất tỉnh Thừa Thiên - Huế, trọng tâm là khu vực các hồ chứa; đánh giá chi tiết độ nguy hiểm động đất khu vực TP Huế; đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại phục vụ quy hoạch, đảm bảo an toàn công trình hồ đập và công trình di tích văn hóa… Trước mắt, để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan, mời chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu tổ chức các lớp tập huấn và giới thiệu phương pháp phòng chống động đất cho các xã, thị trấn thuộc huyện A Lưới; hướng dẫn cho cán bộ Phòng NN-PTNT huyện A Lưới sử dụng các tờ rơi, áp phích về phòng chống động đất để tuyên truyền rộng rãi cho người dân.
VĂN THẮNG