Thư Seoul

Đong đầy nỗi nhớ

Đong đầy nỗi nhớ

Tác giả bài viết - một cộng tác viên thân thiết của Tuần san SGGP Thứ Bảy - là sinh viên Việt Nam duy nhất tham dự “Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo trẻ toàn cầu” tại London ngày 9-1-2006. Đặng Tất Dũng sinh năm 1979 tại TP.HCM, cử nhân Luật, giảng viên khoa Luật hành chính-ĐH Luật TPHCM. Hiện anh đang theo học cao học Luật, chương trình học bổng toàn phần tại Trường Transnational Laws and Business University, Hàn Quốc. Trên xứ người, nỗi nhớ Tết quê luôn đau đáu trong anh.

Đong đầy nỗi nhớ ảnh 1
Đặng Tất Dũng (bìa phải) cùng bè bạn ở Hàn Quốc.

Vậy là đã lại gần Tết Nguyên đán. Mấy ngày nay lên mạng xem tin ở nhà, thấy Tết đã đến gần, thật gần. Tự nhiên thấy trong người cũng chộn rộn, dù rằng ở Hàn Quốc giờ này vẫn đang là mùa đông, chỉ có gió lạnh, tuyết và trời thì xám xịt, không có vẻ gì là sắp Tết cả.

Có đón Tết xa nhà, mới thấy hết nỗi nhớ dài như thế nào. Nỗi nhớ bắt đầu từ cái chuyện cỏn con như chuyện lau nhà cửa đón Tết thôi. Đêm tối thì ở đâu cũng giống nhau nhưng cứ mỗi sáng (nhất là những ngày cận Tết) thức dậy, đám sinh viên xa nhà lại có nhiều người ngẩn ngơ. Tìm đâu ra được cái khoảng vườn nho nhỏ có chậu mai vàng hay cái cửa sổ lưới, chiếc tủ, chiếc bàn thờ bám lớp bụi mờ trên ấy để những ngày cuối năm cả nhà xúm nhau lại dọn dẹp nhỉ? Anh Hai thì tất tả đi mua sơn và giấy nhám về chà cửa chính, cửa sổ rồi sơn lại.

Mẹ thì tất bật dọn lại phòng khách, cọ rửa bếp để còn kịp ngâm măng nấu giò heo. Tôi thì hơi tỉ mỉ, cẩn thận nên được giao dọn dẹp lại bàn thờ, cọ rửa các khung kính. Vẫn nhớ như in đấy thôi cái mùi nhang trầm thơm ngai ngái trên bàn thờ mà mẹ tôi vẫn thường thắp rồi lại khen “thằng út lau bàn thờ sạch quá ta!” rồi cùng cười.

Nỗi nhớ nối dài thêm đến cái chuyện quần áo Tết. Hôm trước, ở đây, đám sinh viên xa nhà cũng đi mua mấy bộ đồ mới cất vào tủ đợi đến Tết đem ra mặc. Quần áo rất đẹp nhưng sao vẫn thấy như thiếu thiếu điều gì đó. Có lẽ là thiếu cái cảm giác được chờ đợi. Mọi năm, dù hai anh em đã lớn nhưng năm nào mẹ cũng thích đi mua cho anh em tôi những bộ đồ mà mẹ thấy là “đẹp nhất” để ngày mùng một Tết mặc về thăm bà ngoại. Bây giờ tụi tôi - dù lớn - vẫn thích cái cảm giác của những ngày gần Tết, đợi những bộ đồ mới của mẹ. Mà mẹ cũng “kỳ” ghê, làm vậy… làm chi để đứa nào đi xa cũng nhớ nhà hết!

Nhớ lắm, tất cả cái không khí ấy, nhớ đến nao người cái cảm giác của đêm giao thừa, đợi đúng thời khắc chuyển giao để ra ngoài sân cùng cả nhà thắp nén nhang thơm lên bàn thờ thiên cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Năm nay, chắc mẹ sẽ thắp nhang lâu hơn mọi năm nhỉ vì phải cầu mong nhiều điều hơn cho thằng út xa nhà. Bà ngoại chắc cũng sẽ trầm ngâm hơn bên mâm cỗ Tết, năm nào bà cũng nấu món măng nhiều hơn một chút vì “thằng cháu thích nhất, chắc nó sẽ ăn nhiều đấy”. Thôi thì, năm nay nấu ít lại hơn tí xíu sẽ đỡ mệt ngoại nhỉ!

 …Sáng nay, nhận được email của cô giáo: “Học xong về nước ngay em nhé, về đón Tết cùng mọi người, mọi người vẫn nhớ em lắm!”. Chắc chắn là thế rồi, cô ạ! Hình như có gió xuân vừa thổi ngang qua mặt, có cả hương hoa mai, cả nắng Sài Gòn làm hăng hăng đầu mũi.

ĐẶNG TẤT DŨNG

Tin cùng chuyên mục