Đồng hành cùng nông thôn mới

Tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức lễ công bố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Có được thành tích trên, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì phải kể đến sự đóng góp, đồng hành của hệ thống ngân hàng, mà chủ lực là Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank chi nhánh Đồng Nai).      

Thời điểm 30-6-2018, khi chưa sắp xếp lại hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh, Agribank Đồng Nai có 13 chi nhánh và 26 phòng giao dịch với tổng dư nợ hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 14.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015 (chiếm gần 88% tổng dư nợ). Từ ngày 1-7-2018, thực hiện nghị quyết của Hội đồng Thành viên Agribank Việt Nam về việc sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trên địa bàn tỉnh, hiện Agribank Đồng Nai có một hội sở trung tâm đặt tại TP Biên Hòa và mạng lưới gồm 7 chi nhánh loại 2 (Tam Phước, Tân Hiệp, Xuân Lộc, Long Khánh, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất) và 12 phòng giao dịch. 

Sau khi chia tách, Agribank Đồng Nai tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở thực tiễn và với những kinh nghiệm đã rút ra, Agribank Đồng Nai luôn nghiên cứu, triển khai các mô hình cho vay mới, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn và đối tượng khách hàng. Tiêu biểu là mô hình tổ vay vốn với sự phối hợp, giám sát của hội nông dân. Thông qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, áp dụng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại của khách hàng còn khó khăn, ngân hàng sẽ đưa dịch vụ đến tận địa bàn nơi khách hàng cư trú, giúp giảm bớt áp lực đối với cán bộ ngân hàng, tăng sự kết nối giữa các thành viên tổ vay vốn (không chỉ trong hoạt động vay vốn mà còn hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh). Hiện Agribank Đồng Nai có 1.400 tổ vay vốn, với 15.900 hộ gia đình tham gia, tổng dư nợ là 1.237 tỷ đồng. 

Theo ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank Chi nhánh Đồng Nai, ngoài đầu tư qua mô hình tổ vay vốn, chi nhánh còn tập trung cho vay các dự án cánh đồng lớn, giúp nhiều nông hộ thành công chuyển đổi mô hình sản xuất. Như trường hợp ông Nguyễn Thế Bảo, với số vốn vay ban đầu từ năm 2008 là 500 triệu đồng, đến năm 2014 tăng lên 800 triệu đồng. Năm 2018 tham gia dự án Cánh đồng lớn cây xoài trên địa bàn xã Xuân Hưng và Xuân Hòa (theo Quyết định 1257 của UBND tỉnh Đồng Nai), ông Bảo vay thêm 1,5 tỷ đồng để đầu tư 7ha xoài, trong đó có 0,5ha trang bị hệ thống tưới thông minh để nâng cao năng suất. Ông trở thành một trong những nông dân tiêu biểu của huyện. 

Có thể nói, việc chú trọng định hướng đầu tư nguồn vốn tín dụng cho các trang trại, hợp tác xã, các hộ sản xuất quy mô lớn của Agribank Đồng Nai chính là nguồn lực quan trọng giúp ngành nông nghiệp tỉnh chuyển đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ, thủ công sang mô hình sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục