Đồng loạt ứng phó nguy cơ sạt lở

Ngày 1-8, các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận, Đồng Nai... đồng loạt triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sạt lở, phòng chống thiên tai, hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã được mở lại sau vụ sạt lở. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã được mở lại sau vụ sạt lở. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Đảm bảo an toàn lưu thông qua đèo Bảo Lộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, đèo Bảo Lộc đã được mở lại từ 10 giờ 30 ngày 1-8, sau gần 2 ngày bị chia cắt do sự cố sạt lở. Theo ghi nhận, các phương tiện lưu thông 2 chiều lên xuống đèo Bảo Lộc trên QL20 tương đối thuận lợi. Tương tự, các tuyến quốc lộ khác như 28B, 28 từ Lâm Đồng đi Bình Thuận cũng không ghi nhận các sự cố làm ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân.

Để đảm bảo thông tuyến QL20, đoạn qua đèo Bảo Lộc, ngày 1-8, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, có văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị trong tỉnh nghiên cứu phương án ứng trực 24/24 trong trường hợp thời tiết có mưa lớn, nếu xảy ra sạt taluy, nền đường thì phải có biện pháp khắc phục, nối lại giao thông nhanh nhất.

Trong khi đó, ông Bùi Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 (Khu Quản lý Đường bộ IV, Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết, trong ngày 1-8, Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật đường bộ (Cục Đường bộ Việt Nam) khảo sát, xác định được 7 vị trí có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, lên phương án trình cấp thẩm quyền xử lý, trong đó có tính phương án gia cường tại các vị trí sạt lở để đảm bảo khai thác vận hành an toàn.

Tại tỉnh Đắk Nông, ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, cho biết, lực lượng chức năng đã di dời hàng chục người dân ở bon Bu Krắc, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương đã di dời và bố trí chỗ ăn ở tạm thời an toàn cho bà con. UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT tỉnh và các ngành chức năng khảo sát điểm nứt gãy tại bon Bu Krắc để có hướng chỉ đạo, khuyến cáo người dân nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Trước đó, do mưa lớn kéo dài, rạng sáng 1-8, trên địa bàn bon Bu Krắc xảy ra hiện tượng nứt gãy đất kéo dài. Nhiều đoạn nứt gãy khoảng 200m tại khu vực đồi dốc bon Bon Krắc nơi có hàng chục hộ dân đang sinh sống.

Khẩn trương hỗ trợ người dân

Ngày 1-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, tình hình mưa lũ trên địa bàn vẫn phức tạp và khó lường, gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương. Khoảng 3 ngày qua, mưa lớn ở thượng nguồn đổ về đã gây ngập 726ha cây nông nghiệp ở huyện Hàm Thuận Bắc. Tại huyện Tánh Linh, mưa lũ gây thiệt hại 2.600ha sản xuất nông nghiệp, tổng thiệt hại ước hơn 60 tỷ đồng. Còn tại huyện Đức Linh, từ đêm 31-7 đến ngày 1-8, nhiều nơi mưa rất to kéo dài kèm theo lốc xoáy đã gây ngập úng, ngã đổ khoảng 400ha cây nông nghiệp; cuốn trôi hơn 500 con gia cầm; gây sạt lở hơn 3.400m đường... UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản hỏa tốc đến các đơn vị, địa phương liên quan về kiểm tra, tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất và chủ động phòng chống, ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn.

Cùng ngày, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo gửi Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) liên quan đến tình hình sạt lở QL55, đoạn qua tỉnh Bình Thuận, kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, kết hợp với địa hình đèo dốc, QL55 đoạn qua tỉnh Bình Thuận xảy ra 43 vị trí bị sạt lở, trong đó có 7 vị trí sạt lở nặng gây ách tắc giao thông cục bộ.

Tại tỉnh Đồng Nai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết, đã có hơn 2.000 tấn cá nuôi lồng bè của ngư dân 2 huyện Định Quán và Tân Phú bị thiệt hại do mưa lũ trong những ngày qua. Tỉnh đang bố trí cán bộ trực phòng chống thiên tai 24/24 giờ, giúp ngư dân di dời lồng bè vào nơi an toàn, chằng chéo lại bè cá để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và hỗ trợ người dân bán cá để bù lại thiệt hại cá chết và cá trôi ra ngoài bè do mưa lũ.

Trong khi đó, tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã thống nhất chủ trương xuất hơn 2,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại tài sản, nhà cửa, rau màu… do thiên tai. Đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Trước tình hình thời tiết xấu, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có công văn đề nghị ban chỉ huy tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ triển khai ứng phó một đợt mưa lớn từ ngày 1-8. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tại các khu vực này theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân; tổ chức lực lượng hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp; đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 2 và 3-8, Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục mưa vừa đến mưa rất to; khu vực Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to trên 150mm (thời gian tập trung vào chiều và đêm). Từ đêm 3-8 trở đi, mưa vừa, mưa to ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ có thể có xu hướng giảm dần.

Tin cùng chuyên mục