Đồng minh biết rõ chính sách diệt chủng của Hitler?

Đồng minh biết rõ chính sách diệt chủng của Hitler?

Ngày 16-4 tới, người Israel sẽ đứng yên hai phút tưởng nhớ 6 triệu người Do Thái chết trong Thế chiến II. Tội ác diệt chủng ngày xưa vẫn là vết thương vô hình trong tâm tư người Đức, khiến nữ Thủ tướng Angela Merkel mới đây phải lên tiếng xin lỗi người Do Thái.

Anh đã sớm giải mật…

Các tài liệu mật gần đây được chính phủ Mỹ, Anh giải mật cho thấy phe Đồng minh thời ấy đã biết rõ chính sách diệt chủng của phát xít Đức. Cuốn sách Những bí mật chính thức của giáo sư sử học Mỹ Richard Breitman chuyên nghiên cứu về việc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức nêu: “Phương Tây thừa biết Adolf Hitler rất căm ghét người Do Thái. Từ năm 1925, Hitler đã viết trong cuốn Mein kamp về ý định sử dụng hơi độc để diệt người Do Thái. Không lâu sau khi lên cầm quyền, Hitler liên tiếp tung ra những chính sách thù nghịch chống người Do Thái, trước nhất là ở Đức rồi lan dần sang các nước bị Đức chiếm đóng”. Nhưng thái độ của giới cầm quyền lúc ấy tại Washington, Paris, London rất dửng dưng.

Đồng minh biết rõ chính sách diệt chủng của Hitler? ảnh 1

Nạn nhân Israel trong trại tập trung.

Mùa xuân năm 1941, tức trước khi diễn ra cuộc họp tại Wannsee (quyết định tiến hành giải pháp cuối cùng, tức tàn sát dân Do Thái khắp châu Âu), trong lâu đài tại Wewelsburg của chỉ huy SS Heinrich Himmler đã diễn ra cuộc họp kín giữa Himmler, Reinhard Heydrich và Kurt Daluege (phụ trách cảnh sát trật tự, tức mọi đơn vị cảnh sát thành phố, khu vực, cảnh binh và lính cứu hỏa). Tất cả nhất trí sẽ không dung tha bất kỳ người châu Âu gốc Do Thái nào.

Việc quân đội của Hitler tấn công Liên Xô (Chiến dịch Barbarossa, ngày 21-6-1941) là cú bật đèn xanh cho cuộc tàn sát. Từ Berlin, Himmler chỉ huy và kiểm tra mọi cuộc bắt bớ và tàn sát người Do Thái. Những bức điện tín khẩn và tuyệt mật gửi về tổng hành dinh SS luôn nhắc đến những “biệt đội” thay cho đơn vị tàn sát; “đơn vị” hoặc “phần tử chống đối, thù địch” thay cho người Do Thái; “di tản” hoặc “nhiệm vụ đặc biệt” và “chuyển dịch” thay cho tiêu diệt và “bình định hóa” thay cho thanh sạch sắc tộc.

Tất cả những báo cáo, thông tin này đều được các sĩ quan SS gửi về cho Himmler. Nhưng chúng cũng bị đồng minh giải mã ngay tức khắc và trở thành tài liệu tuyệt mật gửi đến bàn làm việc của Thủ tướng Churchill.

…nhưng giả vờ không biết

Biết rõ tất cả nhưng không phản ứng vì cần phải bảo vệ bí mật, tiếp tục đánh lừa Đức. Ngày 24-7-1941 trong bài diễn văn truyền thanh ông Churchill ca ngợi sự can đảm của Hồng quân Liên Xô, rồi nói thêm: “Vài chục ngàn người châu Âu bị các đơn vị cảnh sát Đức giết chết, đây là những cuộc tàn sát quy mô, có kế hoạch hẳn hoi”. Bài phát thanh vừa dứt, các sĩ quan cao cấp của S.I (Special Intelligence Service, cơ quan tình báo Anh) chạy ào đến trách thủ tướng có thể làm lộ bí mật khiến Đức sẽ sử dụng mật mã khác.

Các quan chức ngành truyền thông khuyến cáo nhà lãnh đạo Anh không nên hé lộ rằng những cuộc tàn sát ấy đã bị thế giới biết đến vì như thế chỉ có lợi cho Joseph Goebbels (phụ trách công tác tuyên truyền cho chính quyền Hitler). Ông Churchill đành im lặng.

Tháng 7-1942, BBC từ chối phát đi lời kể của một nhân chứng đã tận mắt trông thấy lính Đức thẳng tay sát hại những người Đức gốc Do Thái bị bắt vào các trại tập trung. Nhiều báo cáo kể rõ các vụ hãm hại người Do Thái đều bị đóng dấu “Bí mật quốc phòng” nên giới truyền thông ở Anh không dám loan tải. Những người Anh và người Mỹ gốc Do Thái biết sự việc đang xảy ra rất kinh hoàng cho đồng bào ở châu Âu nên Thông tấn điện tín Do Thái (J.t.a) không ngày nào không phát đi các bản tin báo động nhưng rất ít khi chúng được loan tải lại trên các mặt báo và đài phát thanh ở Anh, Mỹ.

Chính sách làm ngơ này tiếp tục được London theo đuổi, dù vào ngày 30-7-1942, ông Edouard Schulte, một nhà công nghiệp người Đức ở Breslau có nhiều hầm mỏ gần Auschwitz đã mô tả trại tập trung này có những lò thiêu người hiện đại và ý định thanh sạch toàn châu Âu khỏi sắc dân Do Thái của Hitler là chuyện có thật đang xảy ra.

Thế nhưng những gì ông Schulte kể và được Gerhart Riegner, đại diện Đại hội Do Thái toàn cầu, báo cáo lại cho Bộ Chiến tranh Anh, lại bị các quan chức Anh cho là “những lời đồn đại xuất sứ từ nỗi lo sợ người Do Thái”. Nhiều sĩ quan cao cấp và chính khách Anh lập luận rằng những chuyện tàn sát ấy thật vô lý vì một điều dễ hiểu: trong chiến tranh, Đức cần nhiều lao động thì việc gì họ lại tốn kém nhiều tiền của, phương tiện thu gom người Do Thái đến trại tập trung giết hại.

Phản ứng yếu ớt

Mãi đến tháng 12-1942, phe Đồng minh mới chính thức lên án chính sách diệt chủng Do Thái của phát xít Đức. Ngoại trưởng Anh Anthony Eden khi đọc diễn văn tố cáo này ở Quốc hội, đã mời mọi người đứng lên, dành một phút tưởng nhớ các nạn nhân.

BBC khai thác sự kiện này, đưa tin bằng tiếng Đức kêu gọi người Do Thái nào còn sống sót hãy mau ẩn náu. 150.000 tờ truyền đơn được rải xuống Berlin nhưng chẳng mấy hiệu quả. Chính Himmler phản ứng nhanh hơn khi đề nghị với Hitler nhân cơ hội này trao trả tự do cho một số nhân vật Do Thái quan trọng đổi lấy tiền chuộc hoặc nguyên vật liệu cần thiết cho nỗ lực chiến tranh. Những cuộc thương lượng được mở ra với Thụy Sĩ và Thụy Điển.

Tháng 5-1943, khi nghe tin chính quyền Rumani định thả tự do cho 70.000 Do Thái nếu như Anh đồng ý nhận, ông Eden tìm cách thoái thác, bằng cách cho rằng Đức sẽ gài vào đó hàng ngàn điệp viên.

Ngày 29-9-1943, Thụy Điển biết tin Đức sẽ trục xuất người Do Thái ra khỏi Đan Mạch nên ngỏ ý đón nhận hết 8.000 người. Thụy Điển thành công trong thương thảo, đánh thức các tổ chức Do Thái ở Mỹ. Ngày 6-10-1943, một đoàn 400 giáo sĩ Do Thái giáo chính thống tổ chức diễu hành từ tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng để phản đối thái độ làm ngơ của chính quyền Washington trước cuộc thảm sát người Do Thái.

Ngày 22-1-1944, bị thúc bách bởi Bộ trưởng Ngân khố Henry Morgenthau, người Mỹ gốc Do Thái duy nhất trong chính quyền Mỹ, Tổng thống Roosevelt quyết định thành lập Văn phòng cứu giúp người tị nạn chiến tranh với mục đích tìm mọi cách cứu những người có nhiều nguy cơ bị Đức quốc xã tiêu diệt.  

Anh Thao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục