Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan đang gặp phải bế tắc sau khi Pakistan đóng cửa đường tiếp tế hậu cần của NATO tại biên giới Pakistan - Afghanistan cũng như đóng cửa một căn cứ không quân Mỹ tại nước này.
Đường tiếp viện hậu cần qua ngõ Pakistan đóng góp 30% nhiên liệu, thực phẩm và nhiều thứ khác cho quân NATO ở Afghanistan. Con đường này bị đóng buộc Mỹ phải sử dụng đường khác mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn.
Quan hệ đồng minh chống khủng bố Mỹ - Pakistan kéo dài 10 năm qua đang gặp thử thách nghiêm trọng kể từ sau vụ không kích của NATO tại khu vực biên giới Pakistan - Afghanistan làm 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng hôm 26-11.
Năm 2001, Tổng thống Pakistan lúc đó là Pervez Musharraf bị dư luận trong và ngoài nước lên án về vụ đảo chính để lên cầm quyền. Đúng lúc đó, Mỹ tấn công Afghanistan và cần có một cửa ngõ hậu cần. Không nước nào tốt hơn Pakistan. Vì thế, Mỹ đã bất chấp mọi lên án chống lại ông Musharraf, bắt tay với vị tướng này để hai bên liên kết chống khủng bố. Và một cuộc chiến từ đâu bỗng rơi xuống đầu người dân Pakistan. Đổi lại, chính phủ ông Musharraf vừa được nhận viện trợ từ Washington vừa củng cố vị thế cầm quyền.
Chính trường Pakistan trải qua nhiều sóng gió sau khi ứng viên Tổng thống Benazir Bhutto bị ám sát năm 2007 rồi đến các vụ khủng bố đẫm máu do các tổ chức Hồi giáo cực đoan Pakistan nhằm vào Ấn Độ. Gần đây nhất, vào tháng 5, vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt Osama Bin Laden nhưng không hề báo trước Pakistan đã khiến Islamabad nổi giận. Thực tế cho thấy, bất kỳ chính phủ nào cầm quyền ở Pakistan đều phải chịu sức ép rất lớn khi liên minh với Mỹ vì các nhóm Hồi giáo cực đoan, các đảng phái chính trị và nhất là lực lượng an ninh Pakistan từ lâu không “mặn mà” với Mỹ. Nhiều chính khách Pakistan dẫn lịch sử cho thấy, Mỹ sử dụng vai trò của Pakistan vì lợi ích riêng của Washington chứ không thực sự xem nước này là đối tác thực sự, đôi khi xem như chiếu dưới, xong việc thì đường ai nấy đi.
Cụ thể từ hồi còn chiến tranh lạnh, Mỹ dùng Pakistan làm mặt trận để kiềm chế sức mạnh của chủ nghĩa cộng sản, trong đó có cuộc chiến chống quân đội Liên Xô tại Afghanistan. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ không còn gì ràng buộc với Pakistan. Dường như điều này đang lặp lại tại Pakistan. Trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay, theo dư luận tại Pakistan, Islamabad cũng phải trả giá khi hợp tác với Mỹ trong đó có nhiều vụ không kích nhầm vào thường dân mà số người chết đã lên đến con số hàng ngàn. Hơn thế nữa, lực lượng phiến quân Taliban đôi khi tràn vào Pakistan trả đũa thường dân Pakistan vì chính phủ hợp tác với Mỹ chống lại họ. Ngoài ra, qua hệ thống truyền thông Mỹ, Pakistan còn bị mang tiếng với thế giới là không tích cực hợp tác chống khủng bố.
Ngay từ phía Mỹ, Nhà Trắng cũng phải vượt qua sức ép rất lớn từ Quốc hội. Những ngày này, theo AP, Quốc hội Mỹ đang vận động tìm cách ngừng khoản viện trợ 700 triệu USD cho Pakistan. Nhiều nghị sĩ Mỹ yêu cầu làm rõ vai trò của Pakistan đối với các nhóm tay súng Hồi giáo cực đoan đe dọa các binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Từ những gì xảy ra trong lịch sử, có thể khẳng định rằng quan hệ đồng minh chống khủng bố Mỹ - Pakistan chỉ mang tính chất “thời vụ”, cơ bản nó không dựa trên một nền tảng nào vững chắc. Washington đang lo ngại một khi toàn bộ quân Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan, sẽ để lại một khoảng trống đáng sợ về an ninh tại Afghanistan. Một đồng minh lỏng lẻo như Pakistan khó có thể đảm bảo rằng Afghanistan sẽ yên ổn.
THỤY VŨ