Có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ tiếp tục các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, bất chấp các nghị quyết của LHQ. Trong chuyến thăm châu Á vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama ví Triều Tiên như một đất nước “hạ đẳng”. Triều Tiên cũng đã trả đũa bằng cách đưa ra những nhận xét mang tính thóa mạ lãnh đạo Mỹ và cả Hàn Quốc. Những lời lên án nhau qua lại như vậy không phải hiếm và thế giới cũng không lấy gì làm lạ.
Với hệ thống vệ tinh “bủa lưới” toàn cầu và hệ thống gián điệp khổng lồ, Mỹ hiểu quá rõ năng lực quân sự của Triều Tiên. Những vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên do vậy khó mà làm cho Washington lo ngại thật sự. Điều quan trọng là Washington biết sử dụng những vụ này như một công cụ gây sức ép với một đất nước vốn đã bị cô lập.
Nhưng tình thế những ngày gần đây có thay đổi. Sau khi phương Tây siết chặt cấm vận Nga, Mátxcơva đã đẩy mạnh quan hệ với các nước châu Á và Triều Tiên cũng không nằm ngoài tầm ngắm của Nga. Đặc biệt hơn, Triều Tiên là nước láng giềng gần gũi với khu vực Viễn Đông giàu tiềm năng của Nga. Mátxcơva lại đang xúc tiến nhiều chính sách phát triển kinh tế ở vùng Viễn Đông. Ngày mà Mỹ và đồng minh lên án Nga không tiếc lời vì những cáo buộc ở Ukraine thì cũng là ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xóa nợ cho Triều Tiên gần 11 tỷ USD có từ thời Liên Xô. Số nợ còn lại chỉ khoảng 1 tỷ USD và được trả chậm trong 20 năm. Vừa qua, Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev trong chuyến thăm 3 ngày tới Triều Tiên đã ký hiệp định hợp tác kinh tế với Triều Tiên. Theo Itar-Tass, trọng tâm hợp tác của hiệp định này là xây dựng tuyến đường sắt 54km nối liền thị trấn Khasan của Nga và Rason của Triều Tiên. Tuyến đường sắt này sau khi hoàn thành sẽ nối liền bán đảo Triều Tiên với hệ thống đường sắt của châu Âu có tổng chiều dài lên đến 8.000km. Tuyến đường sắt này sẽ giúp Nga đưa hàng hóa sang Đông Á nhanh hơn gấp 3 lần và an toàn hơn khi qua kênh đào Suez. Dĩ nhiên, đoạn đường sắt này cũng giúp Triều Tiên giảm bớt hậu quả của cấm vận. KCNA viết: “Buổi lễ diễn ra đánh dấu mối quan hệ chân thành và hữu nghị với nhân dân Nga, những người đảm bảo sự an toàn của người dân Triều Tiên”. Quan trọng hơn, trong quan hệ giữa Nga và Triều Tiên là kế hoạch xây đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Nga tới Hàn Quốc xuyên qua Triều Tiên. Tập đoàn dầu khí Gazprom từ lâu đã để mắt tới dự án này để bán 10 tỷ m3 khí đốt sang Hàn Quốc. Nền kinh tế 800 tỷ USD của Hàn Quốc đang phải dựa vào 96% nguồn năng lượng nhập khẩu và Seoul cũng đang muốn đa dạng nguồn cung hơn là chỉ dựa vào Trung Đông.
Nhà nghiên cứu Triều Tiên Leonid Petrov thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng, cả Triều Tiên và Nga hiện có nhiều điểm tương đồng vì cả hai nước đều bị cấm vận và cùng chống Mỹ. Tăng cường quan hệ với Nga cũng là cách để Triều Tiên giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu là đồng minh của Bình Nhưỡng nhưng những năm qua cũng tỏ ra lạnh nhạt, thậm chí lên án các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Khó có thể hình dung Trung Quốc cắt quan hệ với Triều Tiên, nhưng quan hệ ở mức không còn khắng khít như trước nữa cũng đủ để Bình Nhưỡng cần có thêm một đồng minh mới.
THỤY VŨ