Đồng Nai: Vườn sầu riêng đang… sầu

Đồng Nai: Vườn sầu riêng đang… sầu

Chưa bao giờ người dân Đồng Nai “ngán ngẩm sầu riêng” như hiện nay. Hàng loạt diện tích sầu riêng đang bị chặt hạ bởi dịch bệnh hoành hành, năng suất kém, trái xấu, bán giá thấp…

Ào ạt chặt hạ

Đồng Nai: Vườn sầu riêng đang… sầu ảnh 1

Cây sầu riêng bị chặt hạ đã... lên mầm!

Ở 3 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Long Thành là những nơi có vườn sầu riêng nhiều nhất tỉnh Đồng Nai. Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe người dân than chuyện trồng sầu riêng lỗ vốn.

Ông Tư Đáng, hơn 20 năm trồng sầu riêng ở Xuân Lộc, chua chát: “Hồi trước gia đình tui sống nhờ vườn sầu riêng, chi tiêu trong nhà rồi lo cho con ăn học cũng từ tiền thu hoạch sầu riêng mà có. Tuy nhiên, cả năm nay vườn cây thất bát trong khi chi phí vật tư tăng quá cao nên càng làm càng lỗ”.

Dọc theo tỉnh lộ 764, nhiều vườn sầu riêng xanh tươi ngày nào giờ chỉ còn trơ trụi gốc. Những thân cây, cành, nhánh sầu riêng vừa đốn hạ đang vứt nằm ngổn ngang khắp nơi trong vườn chờ…bán củi!

Anh Bùi Xuân Tình, ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, lắc đầu: “Mấy năm trời, được bao nhiêu vốn đều đầu tư hết vào vườn sầu riêng nhưng do giống cũ, dịch bệnh liên tục nên trái bị èo uột, năng suất thấp, không bán được. Tiền thu hoạch không đủ chi phí đầu tư”.

Gia đình anh Tình trồng 6 công sầu riêng gồm giống địa phương và giống Thái Lan, thế nhưng anh quyết định đốn bỏ hết. Theo anh Tình, đa số vườn sầu riêng từ 5 đến 10 năm tuổi. Vậy mà nhiều cây quanh năm chẳng thu hoạch được trái nào, hoặc trái quá nhỏ và xấu nên bị thương lái chê. “Chăm sóc cực nhọc nhưng chẳng bán được thì đốn bỏ cho rồi”, anh nói.

Cạnh đó, vườn sầu riêng của anh Phạm Quang Tùng cũng tương tự. Anh Tùng kể: “Hàng trăm gốc sầu riêng trong vườn đã gần 10 năm tuổi, năm nào cũng tốn bạc triệu mua thuốc trị bệnh xì mủ, thán thư cho cây nhưng tất cả đều vô vọng. Hiện giờ, không còn khả năng theo đuổi nên đành phá bỏ vườn sầu riêng để trồng tiêu và cao su hy vọng gỡ nợ!”.

Theo nhiều hộ dân ở huyện Cẩm Mỹ thì thập niên 1990 được xem là thời “hoàng kim” của cây sầu riêng. Ở vùng này, ai nấy đều mở rộng diện tích trồng sầu riêng, bởi thu nhập cao gấp cả chục lần so trồng lúa hay các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, chẳng bao lâu thì nhiều diện tích sầu riêng bị đổ bệnh xì mủ, héo rũ… rồi chết lần chết mòn. Nhiều hộ thấy “xót” nên chạy khắp nơi tìm “thầy” cứu chữa nhưng không tác dụng.

Vườn sầu riêng, còn hay mất?

Tình trạng đốn sầu riêng lan rộng nhiều nơi ở Đồng Nai khiến chính quyền địa phương lo lắng. Tuy nhiên, trong điều kiện sầu riêng thất thế còn tiêu, cao su, cà phê… lợi nhuận cao hơn nên rất khó vận động người dân giữ lại vườn sầu riêng.

Nhiều hộ chuyên canh sầu riêng lâu năm cho biết, do canh tác quá lâu nên giống sầu riêng đã già cỗi, kém chất lượng dẫn đến năng suất thấp. Mặt khác thiếu cải tạo vườn, trong khi dịch bệnh lây lan ngày càng nhiều, rồi vật tư quá cao, giá bán không ổn định… từ đó nhà nào cũng quay lưng với sầu riêng.

Ông Đặng Đình Hiệp ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ thừa nhận, dù rất ray rứt nhưng phải đốn sầu riêng để trồng cây khác, “do càng làm càng lỗ vốn, không thể sống nổi”. Những hộ ở Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch… cũng cho rằng càng “ôm” sầu riêng mãi thì càng nghèo.

Ông Trần Xuân Kim, Phó Phòng NN-PTNT huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Toàn huyện hiện có khoảng 1.500ha sầu riêng và đây là loại cây chủ lực về nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhiều diện tích sầu riêng do trồng lâu năm đã già cỗi, cho năng suất, chất lượng kém, do vậy, nhiều hộ dân đã đốn bỏ. Chúng tôi dù có khuyên can nhưng rất khó”.

Trong khi đó, Sở NN-PTNT Đồng Nai cho hay, toàn tỉnh có 4.294ha sầu riêng, theo chủ trương chung là khuyến khích người dân cải tạo những vườn đã già cỗi, sau đó trồng mới bằng những giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh… Tuy nhiên, hiệu quả cây sầu riêng ngày càng thấp và các ngành chức năng chưa giúp người dân phòng trị bệnh hiệu quả thì tới đây vườn sầu riêng ở Đồng Nai sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

NGUYỄN MINH

Tin cùng chuyên mục