Đông Nam bộ mất mùa điều

Người trồng điều các tỉnh Đông Nam bộ đang hối hả bước vào vụ thu hoạch. Do thời tiết bất thường, nhiều vườn điều bị thất thu nặng, tuy vậy những vườn điều được chăm sóc tốt vẫn cho năng suất cao...
Sơ chế điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoàng Linh Linh, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
Sơ chế điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoàng Linh Linh, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai

Năng suất chủ yếu phụ thuộc thời tiết

Tỉnh Bình Phước được coi là thủ phủ điều của cả nước với khoảng 170.000ha, sản lượng 243.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các huyện Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bù Đăng và Đồng Phú. Nơi đây giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động tại các vùng nông thôn. 

Gia đình anh Điểu Thanh (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) có 2ha điều trên 20 năm tuổi đang phát triển tốt, không bị sâu đục thân phá hoại như các năm trước. Anh Thanh đã bỏ ra 10 triệu đồng cho 2 lần bón phân và xịt thuốc dưỡng bông điều. Vườn điều đang ra bông nhiều hơn năm trước, thì sau Tết Nguyên đán xuất hiện những đợt mưa muối kéo dài khiến bông điều bị khô, trái non rụng rất nhiều. Thời điểm này năm trước, gia đình anh thu về được 2 tấn điều tươi, nhưng đến nay chỉ được khoảng 100kg. Nhiều hộ dân ở trong xã cũng điêu đứng vì thất thu trong vụ này.

Trái ngược là gia đình anh Nguyễn Văn Long (xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài) với vườn điều 3ha đang cho năng suất cao. Hiện gia đình anh Long đang bước vào đợt 2 của vụ thu hoạch điều với năng suất 2 tấn/ha. Giá điều ổn định từ 24.000-27.000 đồng/kg điều tươi, trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 1 tỷ đồng. Anh Long nói: “Cây điều được mùa hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và chăm bón. Ngay từ đầu năm, gia đình đã tiến hành cắt tỉa cành, loại bỏ những cây điều già cỗi cho năng suất thấp; chi gần 20 triệu đồng để bón phân và xịt thuốc nên vườn điều sạch, không bị sâu bệnh”. 

Khảo sát nhiều vườn điều ở các địa phương có diện tích điều lớn như Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập cho thấy, các vườn được chăm sóc tốt thì cây ít sâu bệnh, cho năng suất trung bình 2 tấn/ha. Nhiều vườn điều gần nhau, nhưng năng suất có sự chênh lệch khá lớn do khả năng chăm sóc, canh tác của từng hộ gia đình khác nhau.

Do điều năm nay ra trái muộn nên vườn điều organic đạt chuẩn châu Âu 250ha của ông Dụng Quý Đông (xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) mới cho thu hoạch nửa tháng nay. Theo ông Đông, trồng điều organic không bị tác động lớn của thời tiết và sâu bệnh nên năng suất năm sau cao hơn năm trước.

“Năm 2020, vụ thu hoạch đầu tiên với gần 100ha, gia đình tôi thu về hơn  200 tấn điều. Dự kiến vụ mùa 2021 sẽ thu hoạch khoảng 500 tấn điều/250ha. Với giá hiện nay sẽ thu về hơn 10 tỷ đồng. Tôi lo lắng là điều thu hoạch với diện tích lớn nhưng nhân công lượm điều đang thiếu”, ông Đông nói.

Hiện mỗi ngày gia đình ông Đông cần 150-200 nhân công, nhưng mới thuê được 100 lao động thường xuyên với giá 250.000 đồng/người/ngày (cao hơn vụ thu hoạch 2020). 

Chăm chút cây “xóa đói, giảm nghèo”

Sở NN- PTNT tỉnh Bình Phước thừa nhận, năm nay do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá cao, tác động xấu tới quá trình ra bông và đậu trái điều, nhưng những vườn được chăm sóc tốt, ít sâu bệnh gây hại năng suất vẫn cao. Sở khuyến cáo nông dân cần chăm sóc vườn thường xuyên, không nên lạm dụng thuốc trừ sâu, đặc biệt là cần sử dụng đúng loại thuốc, liều lượng và lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho cây trồng, đảm bảo sức khỏe con người, giảm chi phí chăm sóc. 

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Thống kế tỉnh Đồng Nai, cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 36.000ha điều (giảm gần 14.000ha so với năm 2010). Nông dân vẫn tiếp tục chặt bỏ cây điều để chuyển sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn do giá hạt điều thấp, năng suất điều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. 

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, cây điều có thể trồng được ở những vùng đất dốc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Cây điều vẫn được xem là cây “xóa đói, giảm nghèo” và là cây trồng chủ lực. Ngành sẽ thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân như tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ và khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh chế biến sâu.

Tỉnh Bình Phước đang đối mặt với tình trạng bán điều non trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như năm 2017 chỉ có 482 hộ bán điều non (diện tích 683,75ha) với số tiền 28,8 tỷ đồng, thì đến năm 2020 đã có 663 hộ (diện tích 1.161,13ha) với hơn 37,5 tỷ đồng, tập trung ở 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Để ngăn chặn, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn của các đối tượng thu mua điều non để đồng bào dân tộc nâng cao nhận thức, tránh bị lừa đảo dẫn đến nợ nần và bị siết nhà, mất đất sản xuất. 

Tin cùng chuyên mục