Đồng Tháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cây sen

Thời gian gần đây, cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó… mà cây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm như tinh dầu sen, tơ sen, trà sen, nước uống từ sen… đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo ra chuỗi giá trị từ cây sen. 

Ngày 21-5, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ sen Đồng Tháp”, đồng thời tôn vinh những nông dân trồng sen giỏi và những cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen.

Đồng Tháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cây sen ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: ÁNH NGUYỆT

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, cây sen gắn liền với vùng đất này từ xa xưa và được nhiều người yêu mến. Năm 2015, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh khoảng 1.265ha, sản lượng đạt 984 tấn.

Song, đến giai đoạn năm 2016 - 2019, diện tích sen giảm còn từ 790 - 880ha, sản lượng dao động từ 590 – 712 tấn. Đến năm 2020, diện tích sen phục hồi trở lại khoảng 1.252ha, sản lượng trên 1.000 tấn; tập trung tại các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng và Lấp Vò.  

Cánh đồng sen ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HUỲNH LỢI 

Có thể nói, diện tích sen không ổn định mà dao động từng năm bởi phụ thuộc vào giá cả và tình hình tiêu thụ. Thời gian gần đây, cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó… mà cây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm như tinh dầu sen, tơ sen, trà sen, nước uống từ sen… đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo ra chuỗi giá trị từ cây sen.

Hiện nay, cây sen được tỉnh Đồng Tháp chọn, đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực giai đoạn 2021- 2025.
Đồng Tháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cây sen ảnh 3 Chế biến các sản phẩm từ sen ở Đồng Tháp. Ảnh: HUỲNH LỢI 
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, đang phối hợp với Sở KH- CN tỉnh Đồng Tháp xây dựng “đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, có nhiều giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển sen như, xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; tuyển chọn và lai tạo bộ giống sen mới, phân theo các nhóm trồng sen để lấy hoa, ngó, củ và các giống sen trồng chậu làm cảnh; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen; quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản, chế biến sâu về sen, để tạo ra nhiều sản phẩm từ sen hơn nữa.
Đồng Tháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cây sen ảnh 4 Đồng Tháp tôn vinh nông dân trồng sen giỏi và những người sản xuất, chế biến sen... Ảnh: ÁNH NGUYỆT 

Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn tỉnh tiếp tục nâng tầm cây sen, cũng như khẳng định thương hiệu Đồng Tháp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh phải có những chương trình, kế hoạch phát huy giá trị sen nhiều hơn nữa và thực hiện thường xuyên. Theo đó, cần đẩy mạnh kết nối các tour du lịch, lữ hành, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sen, đưa các món ăn về sen vào các nhà hàng, quán ăn; đa dạng hóa sản phẩm từ sen và cả việc tạo ra những giống sen mới.

Điều quan trọng là nông dân cần gắn bó, liên kết với nhau nhiều hơn và Hội ngành hàng Sen của Đồng Tháp vừa ra đời là điều kiện để hợp sức cùng nhau phát triển cây sen, tạo ra giá trị cao hơn từ cây sen.

Đồng Tháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cây sen ảnh 5 Đồng Tháp mong muốn tất cả nông dân trồng sen, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen. Ảnh: HUỲNH LỢI 

Cảm ơn ý kiến tâm huyết của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, những trăn trở của Bộ trưởng đối với ngành hàng sen cũng chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp mong muốn tất cả nông dân trồng sen, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen, không chỉ tạo dựng thương hiệu địa phương, mà còn không ngừng phát huy giá trị chuỗi ngành hàng sen.

Tin cùng chuyên mục