Đầu tư cho HTX
Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, từ năm 2003 đến nay để hỗ trợ cho KTTT và HTX phát triển, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách như hỗ trợ thành lập HTX, đào tạo, bồi dưỡng HTX; chính sách khuyến khích đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị; chính sách thí điểm hỗ trợ 50% lãi suất khi vay vốn thuê đất để tăng quy mô sản xuất và thực hiện san bằng đồng ruộng; chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai được thí điểm áp dụng trong lĩnh vực trồng lúa, trồng cây ăn trái, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…
vừa phục vụ du lịch, nhằm tăng doanh thu cho xã viên
Từ năm 2004 đến nay, Đồng Tháp triển khai thực hiện mới 26 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh phục vụ cho phát triển KTTT, HTX, các tổ hợp tác và hội quán phát triển. Tất cả các đề tài, dự án sau đánh giá nghiệm thu được chuyển giao đến cơ quan chuyên ngành, doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất để phổ biến, áp dụng, nhân rộng vào thực tế sản xuất trên địa bàn. Đã hỗ trợ 1 trang trại áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất lúa, với tổng kinh phí 60 triệu đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc thù của địa phương, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Đối với chính sách hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, hàng năm tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các HTX tham gia cùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi học tập, nghiên cứu, tiếp cận kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tham gia hội chợ triển lãm... Qua đó, các HTX có dịp giới thiệu, quảng bá và ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Thay đổi tư duy trong sản xuất
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến tháng 9-2021, toàn tỉnh có 178 HTX nông nghiệp; ước tính đến cuối năm 2021 sẽ có 185 HTX nông nghiệp (tăng 105 HTX nông nghiệp so với cuối năm 2001); với tổng số 29.192 thành viên (tăng 16.298 thành viên so với năm 2001), bình quân mỗi HTX có 164 thành viên; tổng diện tích đất canh tác được HTX nông nghiệp cung cấp dịch vụ là 48.060 ha. Doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp trong năm 2021 là 2,17 tỷ đồng, lãi bình quân 1 HTX hơn 267 triệu đồng...
Có thể nói, phần lớn các HTX nông nghiệp đã chủ động trong kinh doanh; mở rộng thêm nhiều dịch vụ phục vụ thành viên như sản xuất nước uống đóng chai, chế biến gạo cung ứng cho thành viên, xây dựng quầy kinh doanh nông sản an toàn để tiêu thụ sản phẩm, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân tham gia. HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả là nhân tố tích cực, tác động đến quá trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định: “Thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng nhiều mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đạt hiệu quả tích cực. Nhiều HTX đã tăng vốn, thu hút thành viên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cải tạo đồng ruộng, tăng năng lực cạnh trạnh của sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cung ứng... Các HTX đã có những chuyển biến trong phương thức hoạt động, đầu tư, liên kết, liên doanh, sản xuất gắn với chuỗi giá trị của các thành phần kinh tế khác”.
Có thể nói, việc cùng nhau thực hiện các hoạt động mua chung thông qua HTX để cung ứng các loại vật tư đầu vào với giá cả rẻ hơn và chất lượng được đảm bảo, tiết kiệm chi phí; cùng với việc bán chung các sản phẩm thông qua HTX giúp cho việc tiêu thụ nông sản của thành viên đạt hiệu quả cao hơn so với từng hộ bán riêng lẻ, giá bán ổn định hơn; đồng thời cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng thu mua được khối lượng nông sản lớn, đồng đều về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng do được sự giám sát và cam kết từ HTX. Các HTX cũng phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hợp lý; là cầu nối tạo ra liên kết dọc, là khâu trung gian giữa người sản xuất, người tiêu dùng, nơi tiếp nhận thông tin thị trường, đầu mối đảm nhận khâu thu mua và đưa hàng hóa đến thị trường; từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thực hiện sản xuất xanh và bền vững.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới thì vai trò của HTX nông nghiệp được thể hiện nổi bật thông qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng kết nối để tiến tới phát triển ổn định và bền vững; tham gia xây dựng cánh đồng lớn, hình thành vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung; tham gia kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. HTX hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện cho thành viên sản xuất ổn định, giúp đời sống nông dân không ngừng được nâng lên, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đặc thù của HTX ở Đồng Tháp là đi lên từ mô hình Hội quán Nông dân. Toàn tỉnh có 112 hội quán, đến nay có 27 HTX được thành lập từ mô hình này. Theo đó, HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các HTX điển hình như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình), HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò), HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười), HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới (huyện Lai Vung), HTX Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh)… Ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã tặng bằng khen cho 29 tập thể và 14 cá nhân. |