Đồng thuận về triển vọng lạc quan nhưng không chủ quan

Nhìn chung, dự báo cho năm 2015 dễ dàng hơn so với năm 2014, vì những chỉ dấu rõ rệt hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Đó là nhận định của GS-TS Vương Đình Huệ (ảnh), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP nhân dịp bước vào năm mới 2015.
Đồng thuận về triển vọng lạc quan nhưng không chủ quan

Nhìn chung, dự báo cho năm 2015 dễ dàng hơn so với năm 2014, vì những chỉ dấu rõ rệt hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Đó là nhận định của GS-TS Vương Đình Huệ (ảnh), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP nhân dịp bước vào năm mới 2015.

* Phóng viên: Ông có thể nhận định một cách khái quát về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014?

* GS-TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Năm 2014 có một số điểm sáng. Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định hơn năm 2013. Tăng trưởng đạt 5,98%, trong nhiệm kỳ này, đây là năm đầu tiên chỉ tiêu tăng trưởng đạt vượt kế hoạch. Lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội. Lạm phát có phần tác động của giá thế giới giảm rất mạnh, nhất là giá năng lượng. Nhưng tổng cầu của chúng ta vẫn còn thấp, không được như kỳ vọng, dù không có chuyện tổng cầu giảm. Tập quán chi tiêu của người dân cũng có những thay đổi nhất định, nhưng tôi cho là theo hướng tốt. Quan điểm của Ban Kinh tế Trung ương không cho rằng kinh tế đang thiểu phát hay giảm phát, chúng ta vẫn đang tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước; tổng cầu cũng có tăng, dù chưa được cao như kỳ vọng.

Thị trường tài chính tiền tệ cũng ổn định hơn, biểu hiện qua việc lãi suất cả huy động và cho vay đều giảm. Tỷ giá VNĐ so với USD ít biến động, hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu và củng cố tâm lý thị trường. Thị trường chứng khoán nằm trong 5 thị trường có tăng trưởng mạnh nhất thế giới; dự trữ ngoại hối tăng khá mạnh... Điểm sáng nữa là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhìn chung đã đạt được những tiến bộ đáng kể... Đấy là những điểm sáng cơ bản giúp các hãng đánh giá tín nhiệm trong năm 2014 đều đã nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam. Một phần nhờ đó mà chúng ta đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế với mức lãi suất thấp nhất từ trước tới nay.

Nhưng cũng có những khó khăn thách thức đối với kinh tế năm 2014 và sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2015. Đó là một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc, nhất là thu - chi ngân sách trong điều kiện giá dầu thế giới giảm sâu và kéo dài. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Qua báo cáo của Tổng cục Thuế, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có thuế thu nhập để nộp thuế cũng thấp, khoảng 30% tổng số doanh nghiệp. Khó khăn thách thức nữa là nợ công của chúng ta cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn; nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm và chưa thật sự hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt yêu cầu như mong muốn...

* Vậy trên cơ sở đó, bức tranh kinh tế năm 2015 sẽ có những điểm nào đáng chú ý, thưa ông?

* Xu hướng chung của kinh tế thế giới là phục hồi, tuy còn chậm. Trong nước, như đã phân tích, nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố. Kinh tế Việt Nam có điều kiện để tiếp tục chuyển biến tích cực hơn trong năm 2015, dù chưa thể nói có đột phá mạnh mẽ.

Đáng lưu ý, năm 2015 là năm cuối cùng nhiệm kỳ, các bộ ngành địa phương đều tập trung cao độ để đạt hoàn thành chỉ tiêu cao nhất của kế hoạch 5 năm; đồng thời công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp cũng phải tiến hành khẩn trương, có chất lượng. Năm 2015 đồng thời cũng là năm sẽ kết thúc đàm phán nhiều hiệp định tự do thương mại: với Hàn Quốc, với Liên minh châu Âu; FTA giữa Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus... Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng kỳ vọng năm nay, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các nước tham gia TPP đều tỏ quyết tâm muốn kết thúc đàm phán vào năm 2015; Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng thực hiện vào năm 2015... Tất nhiên điều này tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cũng không nhỏ.

Năm 2015 cũng là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác có liên quan tới thể chế kinh tế thị trường; giúp tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng; tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế. Vấn đề còn lại là xây dựng chương trình hành động, quyết liệt tổ chức thực hiện. Nhìn chung, dự báo cho năm 2015 tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2014 vì những chỉ dấu rõ rệt hơn nhiều so với cách đây 1 năm.

* Là một nước xuất khẩu dầu thô và nhập thành phẩm xăng dầu, xu hướng sụt giảm giá dầu khá mạnh những tháng gần đây sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

* Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu dầu thành phẩm nên tác động của giá dầu thế giới đối với nước ta cũng có tính hai mặt. Như chúng ta đã biết, từ tháng 7-2014, giá dầu thô trên thế giới liên tục giảm và giảm mạnh cho tới nay. Đến ngày 17-12-2014 đã xuyên qua mốc 60 USD/thùng, là mức thấp nhất trong vòng 54 tháng và đã giảm tới 47,8% so với đỉnh lập trong tháng 6-2014. Việc giảm giá xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho người dân tăng nhu cầu chi tiêu, doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo một số phân tích, nếu giá bán xăng dầu giảm 10% thì giá sản xuất giảm 0,57%, CPI giảm 0,55% và GDP tăng trưởng thêm 0,91%. Tuy nhiên, giá dầu thô nếu tiếp tục giảm mạnh trong năm 2015 thì sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước trong năm 2015 vì chúng ta xây dựng dự toán 100 USD/thùng.

Theo tính toán của Chính phủ, nếu giá dầu xuất khẩu giảm 1 USD/thùng thì sẽ làm ngân sách hụt thu từ dầu thô 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, bên cạnh việc tạo hiệu ứng lan tỏa kích thích kinh tế khi giá dầu giảm, chúng ta còn phải tính toán chi tiết cấp độ ảnh hưởng để có phương án bù đắp nguồn thu đi đôi với rà soát, kiểm soát chi tiêu trong bối cảnh nợ công năm 2015 đã gần mức chạm trần cho phép 65% GDP. Đây là điểm mà chúng ta phải hết sức thận trọng, không được chủ quan.

* Trong quản lý giá, theo ông, có vấn đề gì cần lưu ý nữa?

* Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 21 Hội nghị Trung ương 6 khóa X về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã yêu cầu rà soát chuyển đổi chính sách phí và lệ phí đối với một số dịch vụ công sang áp dụng chế độ giá dịch vụ và không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá. Ví dụ như chúng ta định về giá điện chẳng hạn thì khoản dùng để trợ cấp cho người dân thu nhập thấp hoặc khó khăn, đối tượng người nghèo và gia đình chính sách là một khoản trợ cấp riêng còn giá là theo yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường. Việc chuyển một số từ phí sang giá thì chúng ta đã chuyển rồi, cụ thể như giá dịch vụ khám chữa bệnh, tất nhiên phải có lộ trình. Tương tự như vậy, học phí có lẽ cũng phải chuyển sang cách thức như thế. Hiện nay cũng đã cho 4 trường đại học áp dụng thí điểm chế độ tính giá dịch vụ đào tạo có lộ trình. Đầu tiên là những chi phí thường xuyên, rồi những chi phí trực tiếp. Thứ hai là bắt đầu tính cả tiền lương rồi chi phí quản lý. Thứ ba phải tính đủ cả chi phí khấu hao. Sắp tới, chúng ta rà soát lại và chuyển được từ phí sang giá sẽ tạo ra bước tiến rất lớn.

* Theo ông, “vấn đề hiện nay là khâu thực hiện”, vậy cụ thể cần những biện pháp gì để đảm bảo thực thi đúng hướng và hiệu quả, nhất  là ngay trong năm 2015?

* Tôi cho rằng năm 2015, khâu có thể tạo ra được cái mới ngay là trách nhiệm của người đứng đầu, phải tạo ra được động lực và áp lực trách nhiệm cho từng người, từng cơ quan. Nhưng phải giao nhiệm vụ rõ ràng, thời hạn hoàn thành và những “sản phẩm” phải hết sức cụ thể.

* Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục