Đồng tình nâng cấp Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành luật

Đồng tình nâng cấp Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành luật

(SGGPO). - Sáng 29-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Luật phí, lệ phí. Đồng tình với việc nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành luật, nhưng nhiều ĐB cho rằng dự luật còn quá cứng nhắc, thiếu sự phân cấp cho các địa phương, nhất là các đô thị trong việc chủ động thu để điều chỉnh, quản lý.

Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), điểm tồn tại của pháp lệnh hiện hành là chính quyền địa phương chỉ quyết định mức thu trên danh mục. Tại đô thị có những loại đặc thù mà nông thôn không có. Việc phân quyền cho địa phương quy định phí, lệ phí, nếu không trái luật, thì tại sao không cho, vì điều này gắn với phân quyền của chính quyền địa phương. Còn nếu trái luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu hủy. "Việc cào bằng các loại phí, lệ phí cho tất cả các địa phương là không ổn", ĐB Trần Du Lịch nói.

ĐB Trần Du Lịch (người đứng) đang phát biểu tại tổ. Ảnh: Lã Anh

ĐB Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TPHCM cũng cho rằng các địa phương có những đặc thù nên luật cũng cần có sự linh hoạt. Chẳng hạn như tại TPHCM, có những đường phố trung tâm dễ bị ách tắc. Nếu cho địa phương sự phân cấp thì có thể thu phí cao để hạn chế tình trạng này. Chia sẻ quan điểm này, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), dự luật quy định như vậy không tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong điều chỉnh quản lý đô thị, thiết kế, nâng cấp... Bởi muốn làm được điều đó thì phải có chính sách, công cụ trong việc định hướng hành vi, nhu cầu của người dân. Đi sâu hơn vào phân tích cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, điều 16 quy định thẩm quyền của Chính phủ quy định chi tiết và phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí quy định tại danh mục phí, lệ phí; quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí; quy định việc miễn, giảm phí, lệ phí theo nguyên tắc miễn, giảm.. trong khi đó trách nhiệm của địa phương quyết định mức thu; miễn, giảm; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí được phân cấp... Nếu vậy thì đâu có phân cấp, phân quyền gì cho địa phương được.
 
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây là lĩnh vực phân cấp dễ nhất mà không làm được thì các lĩnh vực khác không hình dung làm được gì? "Nếu đối chiếu với dự luật chính quyền địa phương thông qua tới đây thì mới thấy luật đó chỉ là lý thuyết. Bởi lẽ, dự luật đó quy định việc phân cấp cho chính quyền địa phương do các luật chuyên ngành. Trong khi luật chuyên ngành là dự thảo Luật phí và lệ phí có phân cấp đâu? Chính quyền địa phương chỉ ngồi chơi?", ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục