
Lầu Năm Góc vừa thông báo, nhiều “đồ chơi điệp vụ” giống như trong các phim 007, đã được điệp viên nước ngoài cài vào người những nhà thầu quốc phòng Mỹ. Những đồng xu giấu thiết bị thu-phát tín hiệu radio nhỏ xíu đã được bỏ vào túi quần áo những nhà thầu quốc phòng Mỹ, khi họ thực hiện những “nhiệm vụ nhạy cảm” ở Canada...
Công nghệ tiên tiến

Báo cáo này dựa trên phân tích 971 “hợp đồng đáng ngờ” do các nhà thầu quốc phòng Mỹ báo lên trong năm 2005, nêu những hội nghị, hội thảo và triển lãm do nước ngoài tổ chức đều là những “sân chơi” để các điệp viên đánh cắp bí mật quân sự.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thiết bị nghe lén nhỏ xíu này không thể phát tín hiệu đến thiết bị nhận sóng ở xa, nghĩa là phải có ai đó bám theo đối tượng. Nữ chuyên gia Katherine Albrecht nói: “Ai tạo ra được thiết bị ấy rõ ràng đã có một công nghệ rất tiên tiến”.
Nhưng việc sử dụng đồng xu “biết nghe” cũng có rắc rối: người bị cài có thể móc nó ra để mua cà phê hoặc một tờ báo, thậm chí cho ăn xin! Báo cáo không cho biết đồng xu “biết nghe” có mệnh giá nào, nhưng đồng xu có mệnh giá lớn nhất của Canada là 2 USD, có đường kính hơn 2,5 cm và độ dày đủ giấu một thiết bị thu-phát tín hiệu. Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã trưng ảnh một đồng xu giả của họ – giống đồng USD bạc thời Tổng thống Eisenhower – được tách làm đôi để chứng minh nó có thể giấu thông tin hoặc vi phim mà không bị phát hiện do rất giống đồng xu bình thường.
Ai bị nghi ngờ?
Báo cáo nêu rõ, Chính phủ Canada hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực tình báo nên không bị nghi ngờ, và họ cũng bác bỏ mọi dính líu. Cục Tình báo an ninh Canada (CSIS) nói không biết gì về đồng xu “biết nghe” và sẽ phối hợp với CIA để tìm thêm thông tin.
Lầu Năm Góc không nói quốc gia nào chủ mưu sử dụng đồng xu “biết nghe” này. Với lý do giữ bí mật, Lầu Năm Góc cũng không cho biết vì sao họ phát hiện, và thiết bị nghe lén hoạt động thế nào...
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh nghi đó là điệp viên của Pháp, Nga hoặc Trung Quốc. Tờ Times nêu, Nga và nhất là Trung Quốc đều có những chiến dịch tình báo quân sự và công nghiệp tại Mỹ và Canada. Họ nhắc vụ năm ngoái điệp viên Trung Quốc Ko-Suen “Bill” Moo đã bị một tòa án Mỹ buộc tội âm mưu mua tên lửa hành trình và động cơ của máy bay chiến đấu F-16 từ một nhân viên chìm của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Báo cáo cũng nêu nhiều “đồ chơi” khác như bút thu âm nhỏ xíu cùng “cách chơi” của tình báo nước ngoài, như trường hợp một nữ điệp viên quyến rũ một nhà thầu Mỹ để đánh cắp mật mã máy vi tính của ông ta. Hoặc một công ty tráng rửa phim đã báo động với FBI sau khi rửa phim của một nhà thầu quốc phòng, gồm những phim thuộc diện “bí mật”: về những vệ tinh của Mỹ, được chụp từ một cửa sổ văn phòng....
Trần Trí (Theo Times)