Tình trạng nông dân ồ ạt bỏ ruộng, không còn thiết tha với bờ xôi ruộng mật muôn đời nữa đang xảy ra ở rất nhiều nơi trên cả nước. PV Báo SGGP đã có cuộc đối thoại với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), một chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn xung quanh vấn đề đáng quan tâm này.
- Phóng viên: Thời gian gần đây, dư luận đều nói về chuyện nông dân bỏ ruộng trong khi đây là tư liệu sản xuất, nói nôm na là “chiếc cần câu cơm” chính yếu của họ. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
>> TS NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN: Đây là thực trạng đã và đang xảy ra từ nhiều năm nay, có nơi âm thầm, có nơi ồ ạt. Không chỉ miền Bắc mà cả miền Trung và miền Nam đều như vậy. Từ các miền quê, nông dân phải bỏ làng ra phố làm ăn. Rồi có những người mặc dù không “ly hương” nhưng cũng bỏ ruộng. Một bi kịch có phần hài hước mà chính những người nông dân vẫn nói với nhau, đó là “nông dân chúng tôi muốn được ấm no thì phải… bỏ ruộng”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, gồm cả nguyên nhân dài hạn và ngắn hạn. Trong đó, nguyên nhân dài hạn, sâu xa là thu nhập của người nông dân từ nông nghiệp so với phi nông nghiệp và ở khu vực thành thị hiện nay quá thấp, chênh lệch quá xa. Tuy nhiên nguyên nhân ngắn hạn và trực tiếp nhất làm cho người nông dân “chán ruộng” như hiện nay chính là giá cả của hàng nông sản. Trong khi người nông dân đã phải hứng chịu quá nhiều thất thường của thời tiết, thiên tai thì họ lại đang gánh thêm sức ép về giá cả nông sản quá bấp bênh, chao đảo liên tục. Do giá cả không ổn định nên người nông dân không dám đầu tư mạnh tay vào mảnh ruộng của mình.
Qua theo dõi thì tôi thấy hiện nay bà con không chỉ “bỏ ruộng” mà còn bỏ cả chăn nuôi nữa. Những cảnh đã dần quen thuộc như “treo đàn”, “bỏ hoang chuồng trại”… Chăn nuôi nông hộ “chết” dần, nhường lại “sân” cho các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài và nông sản lậu. Nguyên nhân cũng chỉ vì giá cả: bán ra thì thấp mà “đầu vào” lại quá cao. Cả lúa và heo, gia cầm đều chung cảnh bán không có lãi hoặc lãi quá ít, không đủ để họ trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình, rồi còn “trăm thứ bà rằn” như chăm lo sức khỏe, chữa bệnh, con cái học hành, nộp các khoản phí… Ở nhiều nơi, chúng tôi tính toán thì một hạt thóc đang phải “cõng” tới hàng chục loại phí, ngoài các khoản chi tiêu, còn phải lo chi trả nhiều khoản phí cho sản xuất nông nghiệp, nào vệ sinh môi trường, quản lý trạm thủy lợi, trạm điện... Có những khoản phí mặc dù chỉ “đánh” vào thương lái nhưng sau đó thương lái lại đẩy về người nông dân thông qua ép cấp, ép giá…
- Trước thực trạng nông dân bỏ ruộng, chúng ta lo ngại, nhưng đó có phải là xu thế của xã hội?
Thực tế và theo chủ trương thì việc nông dân chuyển dịch dần từ làm nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp và dịch vụ chính là mục đích mà chúng ta đang đặt ra nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông nghiệp, giảm dần tỷ lệ làm nông nghiệp như Nghị quyết về “tam nông” đã đặt ra. Nhưng sự “chuyển dịch” như hiện nay là hoàn toàn manh mún và tự phát, không theo một sự sắp xếp có quy hoạch nào cả. Dẫn đến tình trạng người cần có ruộng, “yêu ruộng” thực sự để làm thì không có đủ thửa lớn, diện tích lớn. Trong khi người không muốn làm thì vẫn giữ ruộng ở quê.
- Vậy theo ông, làm thế nào để người nông dân không bỏ ruộng?
Một câu hỏi thật đơn giản nhưng để làm được thì cần phải triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp như chúng ta đã đặt ra, nào là mở mang thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm giá “đầu vào”, các khoản phí để giúp nông dân có mức chênh lệch hợp lý giữa giá bán so với giá thành. Nào đầu tư mạnh tay hơn về cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp... Tuy nhiên, theo tôi thì cần phải có những sự đột phá mà đi đầu là về chính sách. Trước tiên, chúng ta phải xác định hiện đang có ba nhóm: Một nhóm là nông dân có khả năng làm nông nghiệp, yêu nông nghiệp thì nên tạo điều kiện để họ làm giàu từ thửa ruộng của mình, tích tụ ruộng đất. Nhóm thứ hai là những người có thể chuyển dịch sang khu vực phi nông nghiệp (bao gồm làm công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp và dịch vụ). Nhóm thứ ba là những người già, quá tuổi lao động, bệnh tật và không còn khả năng làm nông nghiệp cũng như chuyển dịch thì phải tạo ra ngành nghề phụ để tạo thu nhập ngay tại chỗ.
Để nhóm thứ nhất có thể tích tụ ruộng đất, làm giàu và đầu tư lâu dài cho nông nghiệp, liên kết cùng với doanh nghiệp thì phải tạo được việc làm cho nhóm thứ hai chuyển dịch lao động theo ba hình thức: Một là chuyển dịch ngay tại quê nhà, ly nông mà không ly hương bằng cách đưa các nhà máy, khu công nghiệp về làng quê nhưng phải đảm bảo tiêu chí, tuân thủ quy hoạch bảo vệ đất lúa. Hai là ra các đô thị làm dịch vụ. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Phải tạo ra nhiều việc làm mới “rút” lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp một cách hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay có bi kịch là lao động nông nghiệp rút ra chỉ lao vào khu vực phi chính thức, như ra các đô thị làm xe ôm, kéo than, cửu vạn… do không ổn định cả về việc làm, không có hợp đồng, bảo hiểm, chỗ ở, đưa con đi học… nên họ cũng không dám chuyển ra hẳn mà vẫn khư khư giữ ruộng ở quê - nhưng thực ra lại bỏ hoang.
Theo tôi, để tạo việc làm và chuyển dịch cho lao động nông thôn thì phải xác định rõ là đào tạo và chuyển dịch họ sang khu vực làm dịch vụ thay vì công nghiệp. Bởi nhu cầu về công nhân trong tương lai cũng sẽ không nhiều do đòi hỏi tự động hóa, áp dụng công nghệ. Trong khi lĩnh vực dịch vụ thì nhu cầu về lao động rất lớn, từ bảo vệ, lái xe, giúp việc gia đình, nhà hàng, khách sạn... Tuy nhiên vấn đề là phải công nhận đó là những nghề chính thức và có chính sách hợp đồng, bảo hiểm và bảo vệ quyền lợi của họ. Lao động dịch vụ thì không chỉ trong nước cần mà các nước nhận lao động xuất khẩu cũng cần.
VĂN PHÚC HẬU thực hiện