Đây là nơi duy nhất cả nước nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được các tổ chức ở châu Âu công nhận. Mỗi năm, những nông dân này làm ra hàng trăm tấn tôm sinh thái xuất qua thị trường châu Âu khó tính nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, tỉnh Cà Mau đã lên kế hoạch phát triển, xây dựng thương hiệu “tôm sinh thái Cà Mau”.
Nuôi tôm “sạch”
Ông Nguyễn Văn Liêm, sống dưới tán rừng đước Phân trường 184, thuộc Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển, là một trong những nông dân được IMO cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn nuôi tôm sinh thái để cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu. Ông Liêm cho biết: “Gia đình tôi phải có những cam kết nhất định về tiêu chuẩn nuôi tôm sinh thái đối với tổ chức Naturland. Nếu không đạt thì IMO sẽ không chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Nghĩa là mình sẽ bị loại khỏi quy trình làm kinh tế “sạch”.
Mặt nước nuôi tôm sinh thái của ông Liêm nằm dưới tán rừng đước xanh mượt. Đây cũng là một tiêu chuẩn được đặt ra, diện tích rừng được bao phủ ít nhất phải hơn 50% diện tích đất rừng nhận khoán của từng hộ. Đây là cách bảo vệ rừng, nhằm khôi phục hệ sinh thái để bảo tồn hệ động thực vật và các loài thủy hải sản nhằm phát triển bền vững.
Các vùng phụ cận cũng phải đạt những tiêu chí về kiểm tra chất lượng nước thải và chất thải được sử dụng trong gia đình; chỉ được áp dụng các biện pháp cơ học trong đánh bắt như dùng lưới hoặc sử dụng các loại thảo mộc cho phép để điều tiết số lượng các loài cá săn mồi trong ao; đặc biệt nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, côn trùng.
Một thành viên khác của quy trình sản xuất sạch này, ông Hứa Ngọc Anh, chia sẻ: “Mặc dù được chứng nhận đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái rồi nhưng hàng năm chúng tôi còn được IMO tập huấn lại ít nhất 1 lần và kiểm tra việc thực hiện ít nhất 3 lần. Nhiều năm qua, nuôi tôm theo mô hình sinh thái chưa vụ nào thất bại, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Áp dụng quy trình này, nông dân không tốn tiền mua thuốc kháng sinh chữa trị bệnh, thức ăn công nghiệp, phân bón vô cơ… Họ khuyến khích chúng tôi nuôi tôm tự nhiên, thức ăn là lá đước rụng xuống phân hủy thành chất mùn, vốn là chất có giá trị dinh dưỡng cao cho nhiều loài sinh vật. Vào mỗi con nước 15 và 30 Âm lịch hàng tháng là thu hoạch, tôm trong ao vơi đi thì thả giống vào tiếp để duy trì sản lượng...”.
Thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau
Ông Phạm Ngọc Hưng, Quản đốc Phân trường 184, cho biết: Cách đây vài năm, trong một lần đoàn cán bộ của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam xuống Cà Mau công tác, được địa phương đưa xuống lâm trường tham quan. Lần đó họ được đãi các món “cây nhà lá vườn” bắt dưới tán rừng, trong đó có tôm sú. Chính con tôm sú phát triển tự nhiên dưới tán rừng này, được chúng tôi giới thiệu là tôm sinh thái đã tạo sự chú ý đặc biệt đối với các vị khách châu Âu. Họ khen tôm sinh thái ngon, thịt giòn tự nhiên. Sau lần này, phía Thụy Sĩ đặt vấn đề với Bộ Thủy sản về việc hỗ trợ Cà Mau xây dựng con tôm sinh thái nơi đây thành một thương hiệu, xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Sau đó, IMO đến Cà Mau triển khai và thanh tra các tiêu chí cơ bản của vùng nuôi tôm sinh thái, cũng như thẩm tra, đánh giá đơn vị chế biến mặt hàng này trước khi xuất sang châu Âu. Lâm trường 184 được chọn là nơi duy nhất trong tỉnh triển khai chương trình nuôi tôm sinh thái, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.
Đặc biệt, từ khi áp dụng các tiêu chí theo tiêu chuẩn tôm sinh thái, sản lượng tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2002 tổng sản lượng thu hoạch chỉ 17 tấn, năm 2005 tăng lên 131 tấn thì 2-3 năm gần đây vọt lên hơn 300-400 tấn/năm.
TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định, con tôm sú – vốn là thế mạnh của Cà Mau, đang bị cạnh tranh quyết liệt trong và ngoài nước nên tỉnh đang tìm hướng đi riêng, xác định thương hiệu không đụng hàng, mang bản sắc Cà Mau và con tôm sú nuôi sinh thái dưới tán rừng là lựa chọn tối ưu. Tôm sinh thái của nông dân nơi đây được thu mua cao hơn 20% so với tôm thường.
Hiện tại, Việt Nam chưa có nơi nào nuôi trồng tôm sinh thái đúng nghĩa để chế biến xuất khẩu như Cà Mau. Nhiều doanh nghiệp ở châu Âu đang đặt vấn đề cung cấp tôm sinh thái cho họ nhưng tỉnh không đủ hàng. Cà Mau đang có chủ trương phát triển vùng nuôi trồng tôm sinh thái tại huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Một số công ty cũng đang nghiên cứu lập vùng nuôi tôm sinh thái, đưa các tổ chức nước ngoài vào giám sát, cấp giấy chứng nhận… để tiến đến chế biến mặt hàng này, xuất rộng rãi qua các nước phát triển.
Hiện tại, Sở NN-PTNN, Trung tâm Xúc tiến thương mại Cà Mau đang phối hợp xây dựng thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau bên cạnh một thương hiệu “độc quyền” khác là mật ong rừng tràm U Minh Hạ.
B.ĐẠI-M.ĐĂNG