
Tỉnh Bình Định hiện có 8 doanh nghiệp (DN) lập dự án đầu tư hậu titan với tổng công suất 140.000 tấn sản phẩm các loại/năm. Trong đó, có 2 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án đang triển khai xây dựng. Các dự án này sẽ góp phần nâng cao giá trị quặng sa khoáng cũng như tận dụng tốt nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương.
Triển khai nhiều dự án hậu titan

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản, đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có titan. Đáng chú ý là Thông tư 04 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản giai đoạn 2005-2010.
Theo đó, khoáng sản xuất khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn và điều kiện do Bộ Công nghiệp đưa ra. Cụ thể: ilmenite (thành phần chủ yếu trong hợp chất titan) xuất khẩu phải có hàm lượng TiO2 lớn hơn 52%.
Điều này làm cho các DN khai thác và chế biến titan xuất khẩu ở Bình Định gặp nhiều khó khăn. Bởi hiện nay mặc dù năng lực khai thác và chế biến titan ở Bình Định đạt khoảng 120.000 tấn/năm, nhưng phần lớn sản phẩm được xuất khẩu thô (dưới dạng tinh quặng, kể cả các khoáng vật phụ đi kèm), nên hàm lượng TiO2 chỉ đạt mức 51%.
Để nâng hàm lượng TiO2 trong sản phẩm titan lên thêm 1%, các DN khai thác và chế biến titan xuất khẩu ở Bình Định đã mua sản phẩm titan ở các địa phương khác có hàm lượng TiO2 cao hơn để trộn vào. Việc làm này vừa tốn kém, vừa không phù hợp với chủ trương của Nhà nước.
Không thể làm ăn lâu dài theo kiểu đối phó như vậy, một số đơn vị như CTCP Khoáng sản Bình Định (BIMICO), Công ty Khoáng sản Ban Mai… đã đầu tư triển khai những dự án hậu titan nhằm nâng hàm lượng TiO2 trong khoáng sản titan lên cao hơn.
Trong đó, Ban Mai đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy hoàn nguyên ilmenite đầu tiên ở Việt Nam, với công suất đạt 12.000 tấn sản phẩm/năm. Còn BIMICO triển khai lắp đặt thiết bị cho nhà máy nghiền mịn zircon với vốn đầu tư 4 tỷ đồng, công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm.
Và mới đây, BIMICO đã khởi công xây dựng Nhà máy Xỉ titan. Nhà máy chế biến sâu quặng sa khoáng titan đầu tiên này trên địa bàn tỉnh Bình Định có công suất 19.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó xỉ titan 12.000 tấn/năm và gang 7.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 97 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động trong quý 1-2008.
Nhiều triển vọng
Việc triển khai các dự án hậu titan nói trên đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, mở ra triển vọng cũng như sự đột phá cho ngành khai thác và chế biến khoáng sản của Bình Định trong phát triển. Nhà máy hoàn nguyên ilmenite của Ban Mai thời gian qua hoạt động ổn định, sản phẩm tinh quặng ilmenite có hàm lượng TiO2 lớn hơn 57%, được khách hàng đánh giá là tương đương với sản phẩm của các nhà máy ở Trung Quốc, Malaysia.
Sản phẩm ilmenite hoàn nguyên được dùng trong lĩnh vực sản xuất chất bọc que hàn, bột màu công nghiệp… mà lâu nay các nhà máy sản xuất que hàn, bột màu công nghiệp trong nước phải nhập khẩu. Hiện nay, 1 tấn sản phẩm ilmenite hoàn nguyên Ban Mai có giá trên 220 USD, gấp 3,5 lần sản phẩm ilmenite thô nhưng đã có nhiều khách hàng đặt mua dài hạn.
Trong khi đó, nhà máy nghiền zircon của BIMICO cũng đã chính thức đi vào hoạt động đầu tháng 4 năm nay. Sản phẩm bột zircon được ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp sản xuất gạch men, sứ cao cấp… Sản phẩm zircon siêu mịn của BIMICO đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tới thời điểm này, nhà máy đã chế biến và xuất khẩu được gần 500 tấn zircon siêu mịn. Còn đối với dự án Nhà máy Xỉ titan của BIMICO, theo tính toán của Viện Khoa học và Công nghệ mỏ luyện kim (Bộ Công Thương), dự án có hiệu quả kinh tế cao, bởi xỉ titan được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp cơ khí, điện tử…
Hiện nay, 1 tấn tinh quặng titan có giá 100 USD, trong khi 1 tấn xỉ titan có giá 700 USD. Theo thông tin từ Công ty BIMICO, mặc dù nhà máy mới khởi công, nhưng hiện nay có nhiều khách hàng ở trong và ngoài nước đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm.
Ngọc Thái