Cải cách hành chính (CCHC), xây dựng nền hành chính công theo hướng chuyên nghiệp, trong sạch vững mạnh, hiện đại, hoạt động hiệu lực và hiệu quả từ lâu trở thành mục tiêu và nhiệm vụ của bộ máy chính quyền các cấp. Trong đó, người dân và doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, phản ánh và kiến nghị đến các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “TPHCM triển khai 6 chương trình đột phá” - phần nói về chương trình CCHC, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người dân và DN về thực trạng và kiến nghị những giải pháp đẩy mạnh tiến trình CCHC trong những năm tới.
Bắt đầu từ thể chế
Trong 5 nội dung CCHC gồm: thể chế; thủ tục hành chính (TTHC); tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức; tài chính công và hiện đại hóa hành chính, người dân và DN quan tâm nhiều nhất ở 2 nội dung đầu tiên.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, hệ thống pháp luật của chúng ta hiệu lực thực thi còn thấp do có khoảng trống. Khi văn bản ban hành và đã có hiệu lực, nhưng không thể áp dụng được vì phải chờ hướng dẫn thực hiện. Đơn cử như Nghị định 71 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở ban hành ngày 23-6-2010, nhưng tới nay vẫn chưa có thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thực hiện.
Tương tự, Nghị định 69 của Chính phủ ban hành ngày 13-8-2009, hiện UBND TP cũng chưa thể ban hành khung giá tính thuế sử dụng đất phần diện tích vượt hạn mức do Bộ Tài chính chưa có thông tư hướng dẫn. Hậu quả, hàng ngàn căn nhà và khu đất tại các quận huyện hiện nay không cấp, đổi được giấy chứng nhận mới vì chưa nộp được thuế.
Rộng ra ở lĩnh vực nhà đất và xây dựng, ông Đực đặt câu hỏi: “Hiện có bao nhiêu nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật PCCC…?”. Câu trả lời là không người dân và DN nào có thể nhớ nổi. Chính vì vậy, ông Đực kiến nghị trong các giải pháp về CCHC, trước tiên phải bắt đầu cải cách về thể chế, làm sao cho hệ thống pháp luật có tính thống nhất và hiệu lực cao. “Đây là giải pháp mang tính căn cơ và có tác động đến công tác cải cách TTHC ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”, ông Đực kết luận.
Ông Hoàng Hữu Phước, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công ty Mỹ Á nêu lên thực trạng có quá nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện một lĩnh vực và quy định thường không rõ ràng, hiểu sao cũng được. Điều này dẫn đến việc áp dụng mỗi nơi mỗi khác, mỗi cán bộ, công chức có cách vận dụng, giải quyết khác nhau. “TTHC rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu, hành dân cũng từ đây mà ra và nếu không chấn chỉnh kịp thời, người dân sẽ còn gặp khó khăn mỗi khi đến các cơ quan hành chính”, ông Phước nói.
Về giải pháp, ông Phước đề nghị CCHC cần gắn thể chế với TTHC, vì: “Các văn bản quy phạm pháp luật được quy định chặt chẽ và có tính hiệu lực cao, sẽ thúc đẩy TTHC được thực thi nhanh chóng hơn, phù hợp hơn với thực tế”.
Thường xuyên khảo sát chỉ số hài lòng
Năm 2010, Sở Nội vụ TPHCM tổ chức các đoàn kiểm tra về thực hiện TTHC tại một số quận huyện, sở ngành. Qua đó, phát hiện TTHC về nhà đất, xây dựng, cấp phép đầu tư… tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn có nơi chỉ đạt 58,2%. Đó là những hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận nhưng bị chậm trễ trong quy trình giải quyết. Trên thực tế, để nộp được hồ sơ mà không phải đi lại, bổ sung nhiều lần rất ít.
Đơn cử như trường hợp của ông Trương Quốc Phong (ngụ P28, Q.Bình Thạnh) làm hồ sơ hợp thức hóa nhà đất mất 4 tháng đi lại theo giấy mời yêu cầu bổ sung hồ sơ của Phòng TN-MT quận Bình Thạnh. Khi đã nộp đủ hồ sơ, ông nhận được giấy hẹn đề ngày 24-11-2010 đến lấy kết quả, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông bức xúc nói: “Tình trạng nhũng nhiễu, hành dân, rồi TTHC rườm rà chủ yếu do chính những cán bộ, công chức thừa hành công vụ gây ra. Do vậy, giải pháp CCHC về TTHC, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức phải được đặc biệt quan tâm và tạo bước đột phá từ tư duy, nhận thức đến hành động mới mong đạt kết quả tốt”.
Ông Nguyễn Văn D. ở Công ty CP Hưng Phú phản ánh: TTHC về đầu tư, xây dựng các công trình dân dụng…, thời gian giải quyết hồ sơ là… vô tận. Cụ thể, DN ông xin đầu tư một dự án tại quận 8, sau hơn 2 tháng nộp hồ sơ thì được Sở TN-MT trả lời phải bổ sung văn bản đề nghị tiếp tục sử dụng đất. Ngày 2-4-2011, DN trình văn bản nhưng đến ngày 6-5-2011, Sở TN-MT mới có văn bản trình UBND TP. Nội dung văn bản lại tham mưu cho UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì thẩm định giá trị sử dụng đất.
Một tháng sau, Văn phòng UBND TP mới có văn bản nhưng lại giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành để hướng dẫn, giải quyết kiến nghị của DN. Và từ đó đến nay chỉ đạo trên vẫn chưa có cơ quan nào thực hiện.
Ông D. bức xúc nói: “Mới có một thủ tục mà đã mất từng ấy thời gian và cũng chưa biết đến bao giờ mới xong. Một dự án từ lúc làm thủ tục đến khởi công mất vài năm là chuyện thường, thật quá lãng phí và tốn kém công sức, tiền của…”.
Những dẫn chứng trên phản ánh một thực tế là chỉ số hài lòng của người dân và DN hiện rất thấp. Có ý kiến cho rằng, chỉ số hài lòng trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, cấp giấy chứng nhận nhà đất và xây dựng hiện ở mức dưới 30%. Ở các lĩnh vực này, năm 2008 TP khảo sát chỉ số hài lòng của người dân và DN với kết quả đạt được chỉ 39,2%. Chính vì vậy, một trong các giải pháp đẩy mạnh CCHC được nhiều ý kiến đưa ra là phải áp dụng lấy ý kiến về chỉ số hài lòng hàng năm, để qua đó đánh giá một cách chính xác năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thừa hành công vụ và quy trình TTHC, bộ máy tổ chức tại các cơ quan hành chính. Qua đó, từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ người dân được tốt hơn.
Trong 2 năm 2006, 2008 TP đã thực hiện khảo sát chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng cung ứng dịch vụ công tại một số cơ quan hành chính. Kết quả cho thấy, phản ánh của người dân về cung cách phục vụ, TTHC, thời gian giải quyết hồ sơ liên quan đến người dân và DN đều rất chính xác. Trong 8 nhóm dịch vụ công mà kết quả khảo sát thể hiện qua chỉ số xếp hạng mức độ hài lòng của người dân, có nhiều nhóm dịch vụ ở mức dưới 50%. Kết quả này đã được công bố rộng rãi, để qua đó lãnh đạo các đơn vị, sở ngành liên quan từng bước nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu của công tác CCHC. Qua đó, tập trung chỉ đạo, kiểm tra và phân công thực hiện cụ thể hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cả bộ máy. Chính vì vậy, theo tôi, trong thời gian tới TP cần triển khai thường xuyên (hàng năm) việc khảo sát chỉ số hài lòng của người dân và DN tại các cơ quan hành chính từ cơ sở đến TP. Qua đó, xây dựng tiêu chí đánh giá về chỉ số hài lòng đối với từng loại dịch vụ hành chính công. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh tiến trình CCHC theo mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đề ra.
Nhằm thực thi có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh CCHC, theo tôi cần tăng cường kiểm tra, giám sát và thường xuyên thanh tra công vụ đối với hoạt động của các cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, cũng cần công khai minh bạch mọi TTHC để người dân theo dõi và cùng với các cơ quan chức năng giám sát việc thực thi công vụ của các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ ở từng vị trí công tác có quan hệ với người dân và DN. Khi phát hiện được các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức thì dù ở cương vị nào cũng phải xử lý nghiêm. Có như vậy, đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp mới trong sạch, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước tại các cơ quan hành chính mới được nâng lên, bảo đảm yêu cầu phục vụ người dân và DN một cách tốt nhất.
Thời gian qua, nhiều cơ quan hành chính đã triển khai thực hiện các hình thức giao dịch TTHC qua mạng, điện thoại, thư điện tử… được người dân và DN rất đồng tình. Theo tôi, thời gian tới các cơ quan hành chính nên mở rộng hình thức này vừa giảm chi phí, thời gian cho người dân và DN; đồng thời ngăn ngừa được những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân của cán bộ, công chức thừa hành công vụ. Trước mắt, một số TTHC trong lĩnh vực tư pháp, cấp phép xây dựng, cấp giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh nên áp dụng hình thức đăng ký và nộp hồ sơ qua mạng. Hồ sơ cần bổ sung thủ tục gì, hoặc thời gian, quy trình giải quyết tới đâu, cơ quan hành chính công khai lên mạng để người dân theo dõi và nhận kết quả theo đúng phiếu hẹn, đỡ mất thời gian đi lại nhiều lần. H.Nam (lược ghi) |
Hoài Nam
- Giảm ùn tắc giao thông - Tập trung thực hiện từng khu vực