Đột phá về giống cây trồng, vật nuôi

Ngày 5-12, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị về đổi mới, tạo cú hích cho nền nông nghiệp từ đột phá về nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

(SGGP).- Ngày 5-12, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị về đổi mới, tạo cú hích cho nền nông nghiệp từ đột phá về nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất giống của nước ta đã thu hút được cả hệ thống các viện, trường, trung tâm và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Trong đó, đã thu hút được hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào các quy trình, như: sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi... Một số doanh nghiệp như Monsanto, Sygenta, Bayer, CP... đã đưa các giống ngoại vào Việt Nam khảo nghiệm và đề nghị được công nhận để sản xuất thương mại.

Đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng, để đẩy nhanh các chương trình nghiên cứu, lai tạo, chọn tạo giống cho ngành nông nghiệp, việc xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, sản xuất và thương mại giống đã thể hiện rõ vai trò của các doanh nghiệp. Trong tổng số 48 giống lúa được công nhận có 61% giống do doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu chọn tạo, trong số 26 giống bắp có 16 giống do doanh nghiệp sản xuất, nghiên cứu. Các doanh nghiệp cũng đang cung cấp khoảng 70% giống cây lâm nghiệp, 60% - 84% giống gia cầm, 90% giống thủy sản... Tuy nhiên, số lượng giống của chúng ta hàng năm được công nhận nhiều nhưng lại chưa có nhiều giống chất lượng và có giá trị thương mại, công tác quản lý giống vẫn còn nhiều bất cập, nông dân vẫn đang từng ngày lo đối mặt với giống giả và kém chất lượng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, chúng ta đang đặt ra mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững và tạo ra sự đột phá về giống là cách hiệu quả và tất yếu nhất để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Một cuộc cách mạng về giống cây trồng, vật nuôi là bệ phóng để nền nông nghiệp Việt Nam tiến tới xây dựng hình ảnh về một nước có nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Ba mục tiêu mà nền nông nghiệp Việt Nam cần phải đặt ra trong thời gian tới gồm: nâng cao công tác quản lý và kiểm soát giống nông nghiệp, chuyển hướng sang sản xuất những sản phẩm có giá trị cao phù hợp thị hiếu thị trường cả trong nước và xuất khẩu, và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống mới.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục