Tết Quý Tỵ 2013 đã trôi qua, dù vẫn còn đó những ám ảnh của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến đất nước nhưng hình như mọi người đã để qua một bên những lo toan để chung vui trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Trước khi bước vào nhịp sống lao động thường nhật, xin nhìn lại một chút những ngày lễ vừa qua để thấy được những thành công và khó khăn với mong muốn những lễ hội sau sẽ đầy đặn hơn nữa.
- Khi sách nâng hoa
Đường hoa Nguyễn Huệ không chỉ đơn thuần là một từ chỉ vị trí địa lý mà hơn thế nữa nó đã trở thành một thương hiệu văn hóa, một thương hiệu độc đáo của riêng TPHCM. Mỗi khi đường Nguyễn Huệ ngăn xe, công nhân, nghệ nhân bắt đầu lắp đặt, người TP đều ồ lên: “Thế là tết đến rồi”.
Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành cánh én báo mùa xuân cho người dân TP. Chính vì sự thành công của đường hoa Nguyễn Huệ mà mô hình đường hoa đã lan ra cả nước. Năm nay có thể nói đi đâu cũng thấy đường hoa, từ gần như Bình Dương, Cần Thơ đến xa như Đà Nẵng… Ở đó cũng có hoa, có cảnh, có linh vật… nhưng có một điểm độc đáo mà ngoài đường hoa Nguyễn Huệ không đường hoa nào có được là đường sách kề đường hoa.
Có một điều mà ít người biết, đó là tổ chức đường sách không đơn giản. Trên thực tế, trong giới kinh doanh sách, người ta cũng đánh giá cao việc tổ chức một đường sách quy mô lớn đến thế trong dịp tết. Tết vốn là thời điểm hệ thống phát hành sách báo dừng hoạt động, các nhà xuất bản, đơn vị làm sách vốn đã ít nhân lực, càng không lấy đâu ra đủ người quản lý sách suốt tuần lễ tết.
Chính vì thế, đường sách được tổ chức thành công có công rất lớn của Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), nhà phát hành sách lớn nhất nước hiện nay. Với quy mô hơn 60 nhà sách tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, đồng nghĩa có một lượng lớn nhân lực, Fahasa trở thành người gồng gánh nhân sự cho đường sách suốt 3 kỳ tổ chức vừa qua.
Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Fahasa, tiết lộ: “Thực ra phải có bí quyết, cứ dịp tết là Fahasa kêu gọi nhân viên nhà sách ở các tỉnh, ai muốn vừa có thu nhập vừa có dịp đón tết TP thì về làm đường sách, ăn ở công ty lo. Thế là năm nào cũng có nhiều nhân viên về làm để tranh thủ ngắm tết TP”.
- Điểm nhấn truyền hình tết
Phim truyền hình chiếu trong 5 ngày tết không tạo được ấn tượng. Nội dung, hình thức thể hiện không mới. Giờ phát sóng buổi sáng trên HTV chọn chiếu lại một số phim đã phát sóng trong năm qua, như Đường Hồ Chí Minh trên biển, Trở về, Lúa trổ bông…
Các chương trình văn nghệ thường được phát đi phát lại trong 3 ngày tết. Đặc biệt, chương trình Táo quân VTV 2013 được phát lại trên hầu hết các kênh của VTV. Táo quân HTV năm nay dù đã có thay đổi, đã chuyển tải được một số vấn đề nóng của xã hội trong năm qua nhưng hình thức thể hiện vẫn chưa hấp dẫn.
Các chương trình trên 2 kênh HTV - HTV7, HTV9 đều được thực hiện mới, không phát lại. Nổi bật trong dịp tết này là HTV tập trung thực hiện truyền hình trực tiếp những chương trình văn nghệ lớn do TP tổ chức chào mừng năm mới tại các địa điểm: kênh Tàu Hủ, Công viên 23-9… và chương trình để lại nhiều cảm xúc Đến với biên cương, biển đảo ngày xuân phát lúc 21 giờ đêm giao thừa trên HTV9.
Sự thắng lợi của bộ phim Nhà có 5 nàng tiên do Công ty Sóng Vàng sản xuất (đang đứng đầu về suất chiếu và doanh thu trong 5 ngày tết) đã cho thấy gu thưởng thức của khán giả hiện nay bắt đầu có chiều hướng chọn lọc, dù là xem phim trong những ngày tết. Các năm trước, phim hài nhảm vẫn có thể “sống khỏe” và thu được lợi nhuận, nhưng năm nay phim vẫn hài nhưng hạn chế nhảm đến tối đa. Trước khi đến rạp, khán giả đã thăm dò chọn lọc phim qua các bài viết trên báo, qua sự truyền tai nhau. Cứ đà này chắc chắn các nhà sản xuất phim tết phải có sự nhìn nhận thấu đáo, chắt lọc hơn khi quyết định làm phim...
NHÓM PV