Boeing 787-8 Dreamliner

Dự án 10 tỷ USD, hợp đồng 100 tỷ USD

Dự án 10 tỷ USD, hợp đồng 100 tỷ USD

Hôm qua 8-7, Boeing đã cho ra mắt chiếc 787-8 Dreamliner, mở ra trang sử mới cho ngành hàng không dân dụng thế giới, tuy rằng chiếc máy bay này chưa chính thức được phép cất cánh.

Đặt cược với dự án 10 tỷ USD

Dự án 10 tỷ USD, hợp đồng 100 tỷ USD ảnh 1
Lắp ráp Boeing 787-8 tại xưởng chính ở Everett.

Kể từ năm 1994, khi chiếc Boeing 777 xuất hiện, đến nay Boeing mới cho ra mắt thêm dòng máy bay mới. Ngày 8-7, chiếc 787-8 Dreamliner chỉ được chạy trên… một sân bóng chày và sẽ bay thử nghiệm chuyến đầu tiên vào tháng 9-2007. Tiếp theo là hàng loạt chuyến thử nghiệm khác, trước khi được cấp giấy chứng nhận bay. Hành trình thương mại của nó chỉ bắt đầu vào tháng 5-2008 với hãng All Nippon Airways của Nhật Bản.

Theo dự kiến, chiếc Dreamliner đầu tiên trong số 4 chiếc của Vietnam Airlines sẽ về đến Hà Nội vào tháng 5-2008 (ĐTTC đã đưa tin trong số 27 ra ngày 2-7). Vietnam Airlines đặt mua Dreamliner vào tháng 12-2004, loại chở được 210 - 250 khách. Giá trị của hợp đồng này chưa được tiết lộ. Boeing 787-8  Dreamliner là phi cơ đường dài cỡ trung, tầm bay 14.200 - 15.200 km, có thể chở tối đa 300 hành khách. Tùy theo thiết kế và trang bị nội thất, giá mỗi chiếc 146 - 200 triệu USD.

91 năm làm ăn trong ngành hàng không, Boeing không xa lạ gì với các rủi ro. Nhưng lần này, Boeing không chỉ đánh cược vào dự án Dreamliner 10 tỷ USD (khởi đầu cách đây 5 năm), mà còn đặt cược cả vào cách thức sản xuất và vật liệu mới. Thay vì tự mình thiết kế và sản xuất chiếc máy bay thương mại này, Boeing đã giao đến 70% phần việc cho gần 50 đối tác và nhà cung cấp thiết bị hoạt động tại 135 địa điểm khác nhau trên khắp thế giới. Sau đó, các bộ phận của máy bay được chuyển tới xưởng lắp ráp chính của Boeing tại Everett, bang Washington.

Ngày 21-5 vừa qua, Boeing đã bắt đầu lắp ráp chiếc 787-8 đầu tiên tại Everett, sau khi các bộ phận chính sản xuất ở nhiều nơi được đưa về đây. Chẳng hạn như cánh thì từ Nhật Bản, hệ thống bánh đáp từ Pháp, thân từ Italia và Nam Carolina (Hoa Kỳ).  Ngay cả các máy móc chính của máy bay cũng được một hãng Anh và một hãng Hoa Kỳ khác sản xuất. Boeing chỉ sản xuất phần khung bằng composite. Về công đoạn này, thay vì sử dụng aluminum, Boeing đã dùng vật liệu mới là chất dẻo trộn với sợi carbon, được biết dưới cái tên “composite”, để sản xuất toàn bộ phần khung chiếc 787-8. “Một bước đi cách mạng trong ngành hàng không” -nhà tư vấn hàng không Scott Hamilton thuộc công ty Leeham, nhận xét. 

Các hợp đồng 100 tỷ USD

Theo một người phát ngôn của Boeing, dự án 787-8 là dự án lớn nhất thế giới và “siêu” nhất về mặt công nghệ. Các nhà thiết kế đã bỏ ra hàng triệu giờ sử dụng siêu máy tính để tính toán, vẽ thiết kế. Boeing cũng sử dụng  phần mềm tinh vi về quản trị dữ liệu của hãng Dassault (Pháp). Phần mềm này giúp cho mọi địa điểm sản xuất các bộ phận của chiếc 787 “kết nối ảo” với nhau 24 giờ/ngày, qua đó bảo đảm cho tất cả, từ công nhân kỹ thuật cho đến các chuyên gia, đều làm việc với một bộ dữ liệu chung và một thiết kế thống nhất. Hàng nghìn chuyên viên hàng không ở khắp thế giới tham gia dự án này. 

Tính đến nay, Boeing đã nhận được đơn đặt hàng 643 chiếc dòng Dreamliner, trị giá khoảng 100 tỷ USD, từ 45 hãng hàng không. Dự kiến, đến năm 2013, Boeing mới thực hiện xong các hợp đồng này. Dreamliner quả là chiếc máy bay bán chạy nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng thế giới. Làm được điều này, theo nhiều chuyên gia, ngoài việc để cho nhiều nước sản xuất các bộ phận của Dreamliner (tức có quyền lợi), Boeing còn hứa với khách hàng rằng chiếc 787-8 sẽ tiết kiệm đến 20% nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chi phí bảo trì cũng thấp hơn 30% so với các loại phi cơ tầm trung khác.

Boeing cũng muốn dựa vào Dreamliner để củng cố vị trí thống trị của mình trong cuộc đua lâu dài với Airbus tại thị trường máy bay thương mại toàn cầu, được dự báo sẽ lên đến 2.800 tỷ USD trong 20 năm tới. Airbus đã đáp trả bằng chiếc A350 tầm trung, ra mắt công chúng tại cuộc triển lãm hàng không quốc tế tổ chức tại Paris hồi tháng 6-2007. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2013, loại máy bay Airbus này mới được đưa vào khai thác thương mại.

Ngọc Trung (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục