Lập “bánh vẽ” để lấy đất công
Trong dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi rộng 174ha được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận (doanh nghiệp Nhà nước) đầu tư hạ tầng vào năm 2001, có 2,9ha đất công trình công cộng để xây bệnh viện.
Khu đất công cộng này sau đó được Công ty Đặng Trần của ông Đặng Phước Dừa nhanh tay làm thủ tục xin đầu tư dự án bệnh viện quy mô 500 giường bệnh. Để được chấp thuận chủ trương giao khu đất công trình công cộng do Nhà nước quản lý trên, ông Dừa đã “vẽ” ra dự án Bệnh viện Ngọc Tâm.
Sau khi các sở ban ngành xem xét và trình, năm 2006, UBND TPHCM đã ra Quyết định 1694/QĐ-UBND giao khu đất “vàng” trên cho Công ty Đặng Trần của ông Dừa để xây dựng bệnh viện. Khi giao đất, UBND TPHCM đã ghi rõ đây là đất công trình công cộng, dùng để đầu tư xây dựng bệnh viện theo chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế của Chính phủ.
Khi đó, UBND TPHCM đã vận dụng triệt để mọi sự hỗ trợ, ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư, cho phép công ty chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính đối với khu đất đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Cụ thể, khi giao đất, UBND TP chỉ yêu cầu Công ty Đặng Trần đóng tiền giá trị đất bằng với giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trong toàn dự án Thạnh Mỹ Lợi.
Còn lại tiền sử dụng đất của toàn bộ 2,9ha này được Hội đồng Thẩm định Bồi thường TP xác định là 9,2 tỷ đồng được miễn đóng, do căn cứ theo Điều 12 Nghị định 198 năm 2004 của Chính phủ. Tổng số tiền mà công ty phải nộp vào ngân sách TP khi đó chỉ 22,2 tỷ đồng.
Như vậy, do chính sách ưu đãi kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục của Nhà nước thời điểm đó nên TP giao đất cho công ty này mà không thu tiền thuế sử dụng đất.
Cụ thể, trong văn bản tham mưu cho UBND TP vào ngày 4-12-2006, Hội đồng Thẩm định Bồi thường TP nêu rõ đây là đất công trình công cộng, khi giao cho Công ty Đặng Trần đầu tư xây dựng bệnh viện nên cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư, chỉ thu tiền bằng giá trị bồi thường, làm hạ tầng (22,2 tỷ đồng) chung của dụ án Thạnh Mỹ Lợi và được miễn tiền sử dụng đất (tức thuế sử dụng đất) 9,2 tỷ đồng.
Trong quyết định giao khu đất trên của UBND TPHCM cũng nêu rõ đất “thuộc khu đất công trình công cộng nằm trong dự án khu dân cư 173ha Thạnh Mỹ Lợi, thời hạn sử dụng là 50 năm”.
Sau khi được TPHCM giao đất, tháng 8-2007, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã cấp sổ đỏ cho Công ty Đặng Trần đối với khu đất trên. Tuy nhiên, không biết do vô tình hay hữu ý, khi Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ đỏ khu đất mang ký hiệu AI34094 cho Công ty Đặng Trần lại ghi nguồn gốc sử dụng đất là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”.
Trong khi phải ghi đầy đủ trong sổ đỏ về nguồn gốc sử dụng đất là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn” để thể hiện rõ đây là đất công, chỉ giao cho Công ty Đặng Trần xây dựng bệnh viện trên đó. Khi chưa xây dựng gì, thì hiển nhiên đó vẫn là đất công.
Tiếp đó, tháng 3-2009, UBND TPHCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm cho công ty của ông Dừa. Theo đó, bệnh viện có quy mô 500 giường bệnh, thời gian hoàn thành đưa vào hoạt động là tháng 10-2010.
Vì đây là công trình được đầu tư trong khu vực đất công nên tại Điều 7 của Giấy chứng nhận đầu tư trên, UBND TPHCM yêu cầu ràng buộc đối với dự án như sau: Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà dự án không được triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận có quyền thu hồi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án… nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư xin dự án rồi “treo” không làm, lãng phí tài nguyên đất công.
“Treo” dự án suốt 15 năm để trục lợi từ đất công
Tuy nhiên, trái với chính sách ưu đãi Nhà nước, kể từ sau khi được giao đất, cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án, ông Dừa bằng cách thay tên đổi chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu các công ty trong gia đình thực hiện dự án nhằm “kéo lê” thời gian thực hiện dự án để “xào chẻ” và trục lợi từ khu đất công này, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Theo quy định của pháp luật, đối với đất công thì tổ chức được giao sử dụng không được phép mua bán, cầm cố, thế chấp, đem góp vốn… trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cho phép. Cụ thể, Mục 2, Điều 173 Luật Đất đai quy định “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.
Thế nhưng, đối với dự án Bệnh viện Ngọc Tâm thì ông Đặng Phước Dừa dường như lờ đi tất cả quy định của pháp luật để “xào chẻ” trực lợi từ khu đất công này.
Cụ thể, sau khi được cấp sổ đỏ, ông Dừa lập tức đổi tên công ty từ Công ty Đặng Trần thành Công ty CP đầu tư và Thương mại Việt Tín (Công ty Việt Tín – cũng của gia đình ông Dừa). Tháng 7-2008, chủ trên sổ đỏ khu đất là Công ty Việt Tín, không còn của Công ty Đặng Trần. Tháng 2-2009, UBND TPHCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Tín để đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm.
Tháng 4-2009, Công ty Việt Tín lại lập hợp đồng góp vốn bằng chính quyền sử dụng đất khu đất trên với Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm (cũng là công ty của chính ông Dừa và con gái ông thành lập vào năm 2007), với trị giá góp vốn là 105 tỷ đồng. Như vậy, với thủ thuật đầu tiên, sau khi được giao đất công, ông Dừa đem góp ngay lập tức và tự định giá góp vào công ty khác cũng của chính ông với giá 105 tỷ đồng. Dù đây là hành vì bị cấm theo Luật Đất đai thời điểm đó.
Vậy, câu hỏi đặt ra vì sao cùng thời điểm xin chủ trương đầu tư, ông Dừa lại dùng pháp nhân là Công ty Đặng Trần để xin dự án Bệnh viện Ngọc Tâm, mà không dùng chính Công ty cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm để xin trực tiếp? Đây là “thủ thuật” của ông Dừa nhằm đẩy giá đất công góp vốn qua lại để sau đó, ông dùng chính dự án huy động vốn hàng trăm cổ đông bên ngoài, với chiêu “tay không bắt giặc”.
Nhằm gây sự chú ý của dự luận và cổ đông, cũng như thực hiện lời hứa với lãnh đạo TP khi đi xin dự án, tháng 5-2009, ông Dừa làm lễ khởi công, động thổ xây dựng dự án “hoành tráng”, với sự tham dự của hàng trăm quan khách của TP, bộ ngành, phóng viên…
Sau khi khởi công, dự án chỉ làm một công việc duy nhất là ép cọc nhồi (tống giá trị thi công khoảng 30 tỷ đồng) và “trùm mền” hoàn toàn cho đến nay. 13 năm sau từ lễ khởi công, dự án vẫn chỉ là đám cỏ hoang vu nằm sát UBND TP Thủ Đức hiện giờ và cũng từ đó, nhiều cổ đông là doanh nhân, y bác sĩ, thậm chí bạn bè thân thiết của ông Dừa tham gia góp vốn làm dự án chỉ nhận được chuỗi ngày cay đắng vì đóng tiền “mua cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm” nhưng không thu được gì.
Trở lại vấn đề “lật qua lật lại” dự án trên đất công, không chỉ góp vốn, tháng 7-2012, Công ty Việt Tín của ông Dừa lại bán hẳn dự án cho chính Công ty Ngọc Tâm. Rồi tháng 3-2013, Công ty Việt Tín lại bán tiếp “quyền sử dụng đất” của dự án cho Công ty Ngọc Tâm với giá 65 tỷ đồng.
Trong khi đây vẫn là đất công, TP giao cho công ty này làm dự án bệnh viện nên được miễn đóng tiền sử dụng đất, công ty chỉ đóng góp một phần tiền giá trị đất là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng của dự án.
Sau các động thái đem đất công của dự án này “xào qua xào lại” lòng vòng trong chính công ty gia đình ông, các nhóm cổ đông, HĐQT, ban kiểm soát công ty ngay từ những ngày đầu đều không hề hay biết những việc ông Dừa đang làm với dự án. Còn với ông Dừa, thì với những động thái trên, “vốn đối ứng” của dự án này đã tăng lên 170 tỷ đồng.
Đang bị thông báo thu hồi vẫn đem thế chấp, bán
Sau đó, dù dự án vẫn “án binh bất động” nhưng lợi dụng việc được nhà nước cấp sổ đỏ cho công ty xây bệnh viện, ông Dừa và những cá nhân liên quan đã “định giá” lên đến 232 tỷ đồng để đem thế chấp vay ngân hàng.
Cụ thể, từ năm 1014 đến 2016, ông Dừa và con ông dùng chính sổ đỏ dự án Bệnh viện Ngọc Tâm đem thế chấp vay của Ngân hàng Sacombank - CN Bình Thạnh tổng cộng 223 tỷ đồng để “góp vốn đầu tư dự án”. Điều đáng nói đây là góp vốn đầu tư dự án nào thì không ai biết vì số tiền này không được dùng vào việc xây dựng bệnh viện và đến nay khu đất dùng xây bệnh viện vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.
Trước sự việc trên, năm 2016, Thường Trực Thành ủy, UBND TPHCM phát hiện những khuất tất, sai phạm tại dự án vì “treo” quá lâu, đã chỉ đạo các sở ngành và Thanh tra TPHCM vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm.
Tất cả các cơ quan sau khi điều tra, xác minh đều khẳng định Công ty Đặng Trần, Công ty Việt Tín, Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm của ông Dừa xin giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không có năng lực để thực hiện dự án, không triển khai thực hiện mà chỉ lấy khu đất công đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, thế chấp, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.
Sau khi nghe báo cáo, Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, thu hồi 2,9ha đất đã cấp cho Công ty Đặng Trần vào năm 2006 trên để nhà nước quản lý, giao đơn vị có năng lực đầu tư vào khu đất công cộng trên.
Trong khi các sở, ban ngành của TPHCM đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM thì ông Đặng Phước Dừa một lần nữa đem dự án trên bán với giá 750 tỷ đồng. Hiện đối tác này tiếp tục rao bán công khai khu đất với giá hơn 1.000 tỷ đồng.