Dự án chết yểu, nông dân mắc nợ

Bỗng dưng... dừng
Dự án chết yểu, nông dân mắc nợ

Tại tỉnh Đắk Nông, hàng trăm nông dân đang chịu cảnh tiền mất tật mang từ dự án trồng cây cà phê chè (Arabica) do cà phê trồng không đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất thấp, dẫn đến việc hàng ngàn hécta cà phê Arabica bị xóa sổ khiến nông dân mắc nợ và dẫn đến những hệ lụy xấu.

Nhà xưởng bị bỏ hoang của Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông.

Nhà xưởng bị bỏ hoang của Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông.

Bỗng dưng... dừng

Dự án trồng cây cà phê chè Việt Nam được khởi động từ năm 1997, với vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 800 tỷ đồng, trong đó một nửa vay từ nguồn vốn AFD của Pháp với lãi suất 3,5%/năm. Phân nửa còn lại vay từ các tổ chức tín dụng trong nước và do nông dân cùng doanh nghiệp tự đầu tư. Dự án được triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên trong đó có tỉnh Đắk Nông. Năm 2002, dự án cà phê chè được triển khai tại các huyện phía Nam tỉnh Đắk Lắk (đến năm 2004, khi chia tách thành lập tỉnh mới, các huyện này thuộc tỉnh Đắk Nông) với hy vọng sẽ tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân, tăng doanh thu cho ngành cà phê Việt Nam.

Hợp đồng liên kết đầu tư giữa Công ty Vật tư cà phê Tây Nguyên (nay là Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông) và nông dân được ký kết. Công ty có trách nhiệm đầu tư cây giống, thuốc, phân bón… đến bao tiêu sản phẩm, với định mức 25 triệu đồng/ha được triển khai trong 3 năm. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 năm triển khai (từ năm 2002 đến 2004), công ty bỗng dưng ngừng đầu tư, trong khi nông dân không có vốn để tiếp tục chăm sóc dẫn đến cảnh hàng ngàn hécta cà phê bị bỏ hoang, nhiều hộ còn bấm bụng đốn hạ, chấp nhận cảnh trắng tay.

Theo nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đắk Song (Đắk Nông), cà phê chè rất khó trồng, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, hệ thống nước tưới phải đảm bảo. Trong khi phần lớn nông dân chỉ quen trồng và chăm sóc cà phê vối (Rubusta), còn phía công ty, đội ngũ nhân viên kỹ thuật còn thiếu và yếu, hệ quả tất yếu là cà phê kém năng suất và chết hàng loạt. Hơn nữa, vào thời điểm từ năm 2001 - 2005, giá cà phê thu mua trên thị trường quá thấp, nông dân không còn mặn mà với cây cà phê, dẫn đến trào lưu phá cà phê sang trồng các loại cây khác. Sau gần 10 năm, hàng ngàn hécta cà phê chè biến mất, dự án coi như bị “chết yểu”, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc nhà xưởng xây dựng phục vụ dự án nằm đắp chiếu, gây lãng phí cả chục tỷ đồng ngân sách.

Theo khảo sát sơ bộ, tại 2 xã Nâm N’Jang và Đắk N’Drung huyện Đắk Song có đến vài chục hộ tham gia dự án cà phê chè, trong đó có những hộ gia đình đã hoàn vốn, nhưng cũng có những trường hợp vì số tiền quá lớn không có khả năng thanh toán phải chấp nhận thế chấp nhà cửa, vườn cây.

Hệ lụy xấu

Do Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng nên nông dân vừa thất thu vừa lâm cảnh nợ nần. Đến nay, hàng chục hộ nông dân còn bị kiện ra tòa vì tội cố tình không thanh toán cho công ty. Ông Trần Đức Ngọc, thôn Đắc Kuan, xã Đắk N’Drung, cho biết gia đình ông có tham gia liên kết hợp đồng đầu tư sản xuất cà phê chè, nhưng việc công ty thực hiện không đúng như cam kết trong hợp đồng đã làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình và nhiều hộ nông dân khác. Đã vậy, Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông còn kiện nông dân ra tòa là vô lý.

Điều trớ trêu đó cũng rơi vào trường hợp gia đình ông Nguyễn Đức Hải và bà Nguyễn Thị Huệ, trú tại thôn 8, xã Nâm N’Jang. Bà Huệ cho biết, vào ngày 23-4-2002, gia đình bà có ký hợp đồng kinh tế số 76/HĐKT với Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông để đầu tư trồng, chăm sóc 4ha cà phê chè. Khi đang thực hiện dự án thì công ty ngừng đầu tư, trong khi hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp khó khăn không có tiền để chăm sóc, dẫn đến cà phê bị chết. Gia đình bà cũng nhiều lần mời đại diện công ty xuống giải quyết nhưng không ai đến. Trước sự việc trên, gia đình bà chuyển đổi sang trồng cây hồ tiêu và hoa màu khác nhằm ổn định cuộc sống. Đến ngày 13-4-2011, công ty khởi kiện, yêu cầu gia đình bà phải hoàn trả tổng số tiền công ty đầu tư là 174.004.923 đồng. Bà Huệ thừa nhận có vay của công ty để đầu tư nhưng không chấp nhận trả nợ vì cho rằng chính phía công ty tự phá vỡ hợp đồng, khiến gia đình bà không có nguồn thu để trả nợ.

Tương tự bà Huệ, trường hợp cô Nguyễn Thị Thơm cũng tham gia dự án liên kết trồng 1,3ha cà phê chè, cô Thơm bức xúc cho biết: “Vừa không có nguồn thu lại vừa chịu cảnh mắc nợ công ty, phải mất gần 5 năm gia đình tôi mới trả xong món nợ cho công ty”. Ngoài ra còn hàng chục hộ nông dân đang gánh trên vai món nợ đến hạn phải hoàn trả, không biết tới đây sự việc sẽ được giải quyết ra sao. Thiết nghĩ, dự án cà phê chè thất bại là bài học kinh nghiệm không chỉ riêng tỉnh Đắk Nông mà có phần trách nhiệm thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.

Dự án cà phê chè chết yểu và cảnh mắc nợ của nông dân đang là bài toán khó xử của các ngành chức năng. Việc người nông dân chịu cảnh trắng tay, còn gánh thêm khoản nợ là một thực tế đang diễn ra ở tỉnh Đắk Nông. Vì vậy cần có biện pháp xử lý thỏa đáng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, tránh tình trạng oan sai gây nên những hệ lụy xấu.

BÌNH ĐỊNH - TRẦN QUỲNH

Tin cùng chuyên mục