Tuần qua, ngay sau phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - TPHCM. Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án này với rất nhiều ý kiến khác nhau. Phần đông đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tuy đồng tình về chủ trương đầu tư ĐSCT, vì đó là một giấc mơ đẹp của mọi người dân Việt Nam, tuy nhiên với số vốn đầu tư quá lớn, lại đầu tư trong một thời gian quá dài, đã khiến các ĐBQH thực sự lo lắng. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc (ảnh) đã dành cho báo chí cuộc trao đổi xung quanh dự án này.
- Thưa Bộ trưởng, hầu như ĐBQH nào cũng thấy bất an với con số gần 56 tỷ USD của dự án này vì nó sẽ làm tăng gánh nặng nợ quốc gia, vốn đã ở ngưỡng cao hiện nay?
Bộ trưởng VÕ HỒNG PHÚC: Nợ quốc gia đúng là tiệm cận con số dư tối đa cho phép. Hiện nay khoản phải trả nợ chúng ta vẫn đang trả và các tổ chức cho vay vẫn đánh giá khả năng trả nợ của chúng ta tốt. Chính phủ đã kiểm soát rất chặt chẽ, đặc biệt là chương trình vay ODA. Các nhà tài trợ cho chúng ta vay, họ cũng đánh giá chúng ta có khả năng trả nợ không và dư nợ của chúng ta có an toàn không để họ xem xét cho vay. Mức độ an toàn của chúng ta vẫn trong giới hạn cho phép.
Dự án ĐSCT Hà Nội - TPHCM là một công trình đầu tư dài hạn. Nếu thực hiện thì đến năm 2014 mới bắt đầu khởi công và kết thúc vào năm 2035, tức là 21 năm. Nếu quả thực chúng ta vay tất cả thì phải đi vay trong 21 năm, chứ không phải vay một lúc. Nhưng không phải chúng ta vay hết 56 tỷ USD.
- Các ĐBQH lo lắng nếu dồn vốn lớn cho dự án này sẽ ảnh hưởng đến các dự án, chương trình khác?
Các công trình khác phần lớn là do doanh nghiệp vay. Chẳng hạn nhà máy điện hạt nhân, không phải vay để đầu tư từ vốn ngân sách, mà vay cho doanh nghiệp vay để đầu tư và doanh nghiệp có khả năng hoàn trả. Còn đầu tư các công trình lớn thì Chính phủ đã tính, cân đối chung trong tổng thể của chiến lược vay nợ quốc gia.
- Nhiều ý kiến cho rằng dự án có thể phát sinh lên tới 100 tỷ USD?
Đội lên gần gấp đôi như vậy, tôi nghĩ chắc chắn không có. Hiện nay, như tính toán của đường sắt Việt Nam cũng như kinh nghiệm của một số nước thì con số dao động từ 30 - 40 triệu USD cho 1km ĐSCT. Trên cơ sở định mức như vậy chúng ta có con số như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, chứ không phải là con số tăng lên hàng trăm tỷ USD.
- Các ĐBQH đều cho rằng, để bấm nút thông qua dự án này, họ phải được thông tin đầy đủ, tại sao Chính phủ không có báo cáo khả thi luôn?
Theo Nghị quyết 66, Quốc hội chỉ thông qua báo cáo tiền khả thi, còn báo cáo khả thi chúng ta cần thời gian để xây dựng và sau này mới có thông số cụ thể. Dự án này đặt ra việc đầu tư toàn tuyến, còn trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ở những giai đoạn cụ thể. Ví dụ như dự kiến của Chính phủ là sẽ khởi công trước 2 tuyến Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang. Khi thực hiện 2 tuyến đó, Chính phủ sẽ có nghiên cứu kỹ, xem xét tính khả thi, hiệu quả đầu tư, từ đó có báo cáo Quốc hội.
- Nếu thực hiện dự án ĐSCT Hà Nội - TPHCM và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, dư nợ quốc gia lên đến bao nhiêu?
Cho đến lúc này chưa thể nói được vì còn phụ thuộc tiến độ thực hiện của từng năm, con số vay nợ của từng năm mới nói được. Chẳng hạn dự án điện hạt nhân làm sớm hơn thì thời gian phải vay nợ sớm hơn. Phần lớn thời gian vay nợ nhiều của dự án ĐSCT là sau năm 2020, lúc đó nguồn lực kinh tế của ta sẽ khác (bình quân đầu người của chúng ta bây giờ mới là 1.200 USD, nhưng dự tính đến 2020, con số này là trên 3.000 USD), cho nên chúng ta phải đặt dự án này trong tình hình kinh tế phát triển với mức tăng trưởng theo dự báo của chiến lược phát triển kinh tế xã hội khoảng 7%-8%. Với đà tăng trưởng như vậy, đặt dự án ĐSCT vào thời kỳ 2014 - 2035 là hợp lý. Nếu chỉ tính bối cảnh nền kinh tế hiện nay thì chúng ta sẽ không dám quyết định.
- Khi thảo luận dự án này, nhiều ĐBQH cũng đã dẫn ra ví dụ về việc kém hiệu quả khi đầu tư một số dự án lớn như dự án đội tàu Vinashin vay vốn đầu tư, hay đường Hồ Chí Minh?
Đừng đổ dồn tất cả các công trình đó là kém hiệu quả. Quyết định đầu tư đội tàu Bắc Nam là do Vinashin đầu tư và không ai thẩm định, hiệu quả hay không là do Vinashin tự chịu trách nhiệm. Còn đối với đường Hồ Chí Minh, không nên nói toàn bộ tuyến đường là kém hiệu quả. Quyết định làm đường Hồ Chí Minh là đúng đắn và hợp lý. Toàn tuyến đường Hồ Chí Minh hầu hết được huy động vốn và có hiệu quả, phục vụ giao thông rất tốt. Chỉ riêng một tuyến Tây Trường Sơn là không hiệu quả (chạy dọc từ phía Tây Quảng Bình đi qua Khe Sanh - Quảng Trị).
- Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn dự án đặt ra vào thời điểm này là chưa phù hợp vì hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn?
Đặt ra lúc này là đúng thời điểm. Hiện nay chúng ta thu nhập gần 1.200 USD/đầu người và tuyến đường sắt này năm 2014 mới khởi công. Chúng ta cũng phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều người nói rằng, ĐSCT là xa xỉ vì không phục vụ lớn cho vận tải hàng hóa. Nhưng cần lưu ý vận tải hành khách cũng là quan trọng, vì nó góp phần phân bố lại dân cư để sử dụng lao động hợp lý hơn, đồng thời giải phóng cho các tuyến đường bộ, đường sắt quá tải hiện nay.
- Không ít ý kiến nói rằng chỉ có nước giàu mới làm ĐSCT, trong khi chúng ta còn nghèo mà dám “chơi sang”?
Nhật Bản bắt đầu xây ĐSCT từ năm 1955, lúc đó Nhật Bản bị tàn phá, kinh tế kiệt quệ nhưng họ vẫn chú ý đến phát triển cho hàng chục năm tiếp theo. Chúng ta dự kiến làm ĐSCT không phải trong 5 - 10 năm mà trong 21 năm, Nhật Bản không phải họ làm trong 21 năm mà họ làm trong 50 năm và đến giờ hệ thống ĐSCT của họ vẫn đồng bộ. Hàn Quốc bắt đầu đưa vào vận hành ĐSCT từ năm 2004 và họ bắt đầu xây dựng từ những cuối những năm 90 của thế kỷ trước…
- Nhiều ý kiến đề nghị để Quốc hội kỳ sau thông qua dự án này?
Chúng ta muốn năm 2014 khởi công thì ngay năm 2012 phải bắt tay xây dựng, tức là năm 2010 này phải làm báo cáo khả thi, vì sau đó còn thẩm định, thiết kế. Thời gian chuẩn bị đòi hỏi phải như vậy.
- Như vậy, Chính phủ rất quyết tâm dự án này?
Đứng về tầm chiến lược mà nói, chúng ta phải có tuyến đường này. Trong quá trình chuẩn bị Chính phủ đã xin ý kiến của Quốc hội và tùy theo quyết định của Quốc hội, Chính phủ sẽ có lộ trình triển khai hợp lý. Không phải chúng ta làm đồng khởi, đồng loạt mà thận trọng từng bước, trên cơ sở xây dựng từng đoạn có hiệu quả kinh tế.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Phan Thảo
Thông tin liên quan |
- Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM: Nỗi lo hậu quả của “giấc mơ đẹp” |