Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ: Nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá khách quan

Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ vừa có diễn biến mới khi Tập đoàn CT Group đề xuất huy động 9,98 tỷ USD vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Theo một số chuyên gia, dự án nên được nghiên cứu kỹ, toàn diện, nhất là về các cơ chế thu hút vốn để đảm bảo tính khả thi cao.

Tuyến đường dự kiến của Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tuyến đường dự kiến của Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều nhà đầu tư quan tâm

Bộ GTVT cho biết, Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ hiện đang được giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn cũng đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định trong năm 2024; hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội trong năm 2025 để được xem xét thông qua chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo. Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất nguồn vốn đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có nguồn vốn nhà nước tham gia dự án để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Do tính đột phá về hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, theo đại diện Viện Khoa học - công nghệ Phương Nam, các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Canada và Anh quan tâm đến dự án này. Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cũng khẳng định, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến dự án.

Mới đây nhất, Tập đoàn CT Group đề xuất thực hiện dự án này theo phương thức PPP. Theo đó, trong hơn 3 năm qua, tập đoàn cùng với các tổ chức tài chính, tổ chức tư vấn có kinh nghiệm trong nước, quốc tế và chuyên gia hàng đầu về đường sắt đã tổ chức khảo sát, đánh giá và nghiên cứu sâu về dự án, mong muốn sớm được đầu tư. Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, do quy mô và tính chất đặc biệt của dự án, cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chất lượng, quảng bá hiệu quả đến các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu triển khai bài bản, dự án này sẽ là đòn bẩy cực lớn giúp ĐBSCL phát triển đúng vị thế, tiềm năng.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), trong quá trình nghiên cứu dự án, ban quản lý đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu phương án tuyến kết nối TOD (Transit Oriented Development) - lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để hình thành hệ thống giao thông phân tán để các địa phương định hướng phát triển giao thông, kinh tế - xã hội. Với TPHCM, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ khơi thông các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn. Với các địa phương khác, nếu thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ theo hình thức BT, sẽ cần quỹ đất lớn, ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất. Ban quản lý sẽ chỉ đạo tư vấn tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng việc thực hiện theo hình thức BT và phương án đầu tư theo các hình thức khác trong phương án tài chính của dự án để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Thực tế trên thế giới, các dự án đường sắt cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Để thu hút vốn tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài vào dự án, cơ quan quản lý có thể đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như: xây dựng tiêu chuẩn công nghệ phù hợp để xúc tiến, kêu gọi, tiếp xúc đầu tư; tách giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần để thực hiện ngay sau khi dự án được phê duyệt; Nhà nước không thu phí hạ tầng trong thời gian nhà đầu tư chưa có lợi nhuận và một số chính sách ưu đãi khác.

Thận trọng nghiên cứu

Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, theo đề xuất sơ bộ của đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có tổng chiều dài 174,42km, có 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm điện khí hóa, công nghệ đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, khai thác tốc độ dưới 190km/giờ, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, khai thác tốc độ dưới 120km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 9,07 tỷ USD.

Về phương án đầu tư, đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP, trong đó, Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước theo hình thức BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Nhà đầu tư sẽ thành lập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt TPHCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty Đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt của Nhà nước.

Còn theo phương án của CT Group, tuyến đường sắt này gồm 12 ga, vận hành tàu khách và tàu hàng (chưa đề cập tốc độ thiết kế của tàu). Tập đoàn dự kiến cùng với một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) hình thành Liên doanh Tàu điện tốc độ cao đồng bằng sông Cửu Long (CMEX) để nhận gói hỗ trợ tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Doanh nghiệp cam kết hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong 6 tháng đầu năm 2024; chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án trong năm 2024; giải phóng mặt bằng năm 2025-2026; triển khai thi công, đào tạo nhân lực, tổ chức vận hành từ năm 2027-2032.

Ông Uông Việt Dũng, người phát ngôn Bộ GTVT, cho biết, hiện Bộ GTVT chưa nhận được đề xuất từ CT Group. Nếu có nhà đầu tư đủ tiềm lực thúc đẩy tiến độ triển khai dự án sớm hơn là rất tốt, đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội cho khu vực phía Nam. Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ - kỹ thuật phức tạp nên cần nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan, khoa học; cân đối bố trí nguồn lực, ban hành các cơ chế đặc thù cho dự án. Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội trong năm 2025, nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.

Tập đoàn CT Group xin đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ gần 10 tỷ USD

Trong văn bản gửi Chính phủ mới đây, Tập đoàn CT Group (trụ sở tại TPHCM) đề xuất sẽ làm tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ theo phương thức PPP. Dự kiến, tuyến đường đi qua các tỉnh, thành: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Doanh nghiệp đề xuất lập phương án phát triển đồng bộ 12 khu đô thị ga dọc tuyến theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), giúp rút ngắn thu hồi vốn từ 50 năm xuống còn 25 năm và tạo sự phát triển cho các tỉnh, thành. Mỗi nhà ga là công trình hiện đại mang bản sắc của mỗi tỉnh. Từ ga đến bán kính 500m là vành đai thương mại dịch vụ, khu dân cư, khu công nghệ; vòng ngoài bán kính 10km là khu logistics và nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng đô thị xanh. Trong đó, 5 khu ga trọng điểm là ga Tân Kiên - Bình Chánh (kết nối tuyến metro 3A), ga Bến Lức - Long An, ga Tân An - Long An, ga Mỹ Tho - Tiền Giang và ga cảng Cái Cui - Cần Thơ. Trong tổng mức đầu tư dự kiến 9,98 tỷ USD (hơn 242.000 tỷ đồng), liên danh góp vốn theo tỷ lệ 85%, Nhà nước khoảng 15%.

Thành lập từ năm 1992, Tập đoàn CT Group, tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn, do ông Trần Kim Chung sáng lập. Hiện CT Group có hơn 30 công ty thành viên hiện diện tại Việt Nam và một số quốc gia, hoạt động đa lĩnh vực như bất động sản, đầu tư tài chính, giáo dục, y tế, công nghệ… Tuy nhiên, CT Group chưa từng tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông cũng như đường sắt theo phương thức PPP.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục